Giảm 16,3% tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 6/2019

author 16:54 30/06/2019

(VietQ.vn) - Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2019 đạt 19,87 tỷ USD, giảm 16,3% (tương ứng giảm 3,87 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 5/2019.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2019 (từ ngày 01/6 đến ngày 15/6/2019) đạt 19,87 tỷ USD, giảm 16,3% (tương ứng giảm 3,87 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 5/2019.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 222,45 tỷ USD, tăng 8,3% (tương ứng tăng 16,97 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6 có mức thặng dư 485 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6 đạt 67 triệu USD.

Trong 15 ngày đầu tháng 6 nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá xuất nhập khẩu đạt 12,42 tỷ USD, giảm 17,7%, tương ứng giảm 2,68 tỷ USD so với nửa cuối tháng 5/2019. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2019 nhóm doanh nghiệp FDI có trị giá xuất nhập khẩu 140,51 tỷ USD, tăng 6,2%, tương ứng tăng 8,2 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt thặng dư 1,2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6/2019 và tính đến hết ngày 15/6/2019 đạt 13,16 tỷ USD.

Ảnh minh họa. 

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6 đạt 10,18 tỷ USD, giảm 16,5% (tương ứng giảm 2,01 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 5. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2019, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 111,26 tỷ USD, tăng 7,1% (tương ứng tăng 7,36 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

So với nửa cuối tháng 5, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 6 biến động giảm ở một số mặt hàng: điện thoại các loại và linh kiện giảm 289 triệu USD, tương ứng giảm 14,4%;  máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 245 triệu USD, tương ứng giảm 14,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 183 triệu USD, tương ứng giảm 21,3%; hàng dệt may giảm 155 triệu USD, tương ứng giảm 10%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 105 triệu USD, tương ứng giảm 20,9%; giày dép các loại giảm 103 triệu USD, tương ứng giảm 11%; hàng thủy sản giảm 95 triệu USD, tương ứng giảm 21,5%...

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 6,81 tỷ USD, giảm 20,9% (tương ứng giảm 1,8 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 5/2019. Tính đến hết ngày 15/6/2019 tổng trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 76,84 tỷ USD, tăng 5,6% tương ứng tăng 4,09 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018 và chiếm 69,1% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6 đạt 9,69 tỷ USD, giảm 16,1% (tương ứng giảm 1,86 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 5. Tính đến hết ngày 15/6, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 111,19 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 9,61 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

So với nửa cuối tháng 5, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 6 biến động giảm ở một số mặt hàng: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 207 triệu USD, tương ứng giảm 13%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 157 triệu USD, tương ứng giảm 7,6%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 113 triệu USD, tương ứng giảm 21,1%; vải các loại giảm 90 triệu USD, tương ứng giảm 13,5%; hóa chất giảm 62 triệu USD, tương ứng giảm 24,6%...

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 6 đạt 5,61 tỷ USD, giảm 13,5% (tương ứng giảm 872 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 5. Như vậy, tính đến hết ngày 15/6, tổng trị giá nhập k​hẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 63,68 tỷ USD, tăng 6,9%, tương ứng tăng 4,11 tỷ USD, chiếm 57,3% tổng trị giá ngạch nhập khẩu của cả nước.

Giữa 'tâm bão' lùm xùm xuất xứ hàng hóa, Sunhouse lại bị dân ‘tố’ gây ô nhiễm môi trường? (VietQ.vn) - Nhà máy sản xuất của Sunhouse tại Quốc Oai, Hà Nội bị người dân phản ánh xả nước thải, khói gây ô nhiễm môi trường.

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang