Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức bị giáng chức: Lo sợ người tố cáo bị trù dập?

author 17:31 26/08/2014

(VietQ.vn) - Câu hỏi trên được đặt ra trước quyết định giáng chức ông Nguyễn Trí Liêm từ Giám đốc xuống Phó giám đốc Bệnh viện Hoài Đức sau vụ nhân bản kết quả xét nghiệm.

Hôm qua, 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký quyết định thi hành kỷ luật đối với Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (trực thuộc Sở Y tế) là ông Nguyễn Trí Liêm với hình thức giáng chức, từ Giám đốc xuống Phó giám đốc.

Căn cứ theo quyết định kỷ luật công chức mà UBND thành phố đưa ra, lý do ông Nguyễn Trí Liêm bị giáng chức là do vi phạm pháp luật, bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt cảnh cáo do phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, Chủ tịch thành phố cũng giao Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm bố trí công tác đối với ông Liêm cho phù hợp với trình độ chuyên môn.

Chị Hoàng Thị Nguyệt, người đứng ra tố cáo vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức

Tại buổi họp giao ban báo chí do Thành ủy tổ chức chiều nay 26/8, câu hỏi được đặt ra: Quyết định xử lý trên đối với ông Liêm đã hợp lý hay chưa khi vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm đã vi phạm nghiêm trọng về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp? Số phận của những người đứng ra tố cáo sẽ ra sao?

Tuy không đưa ra bình luận trực tiếp, song ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cũng xin đặt lại câu hỏi với dư luận: “Vậy  xử vụ việc nhân bản tại bệnh viện Hoài Đức như thế nào mới là thỏa đáng?”. Theo ông Long, cá nhân những người đứng ra tố cáo không có lý do gì phải lo sợ bị trù dập.

“ Chúng ta không nên đặt ra quá nhiều giả thiết cho những tình huống chưa xảy ra. Mà giả sử nếu có trù dập thật thì cũng còn quy định của pháp luật còn tiếng nói của dư luận sẵn sàng lên tiếng bảo vệ”, vị Phó Ban tuyên giáo Thành ủy nói.

Để rộng đường dư luận, xin được tóm tắt vụ việc như sau: Tháng 8/2013, vụ việc “nhân bản kết quả xét nghiệm” để rút ruột BHYT diễn ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị phanh phui khiến dư luận hết sức bàng hoàng, phẫn nộ. Hàng nghìn phiếu xét nghiệm đã được lập khống, kết quả xét nghiệm của người già và trẻ em đều như nhau, của người bị bệnh và người khỏe mạnh cũng không khác nhau chút nào.

Sự việc bắt đầu từ đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt – cán bộ khoa xét nghiệm của bệnh viện này. Theo đó, giám đốc bệnh viện Nguyễn Trí Liêm đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền “nhân bản” một loạt xét nghiệm huyết học của các bệnh nhân để trục lợi.

Qua điều tra xác định, ông Nguyễn Trí Liêm và bà Vương Thị Kim Thành đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ tăng cường “nhân bản” các xét nghiệm đôí vơí bệnh nhân cận lâm sàng để tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Từ ngày 1/8/2012 đến ngày 31/5/2013, bà Thành cùng 7 nhân viên khoa xét nghiệm đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học và có 1.544 kết quả trùng nhau, thu trực tiếp của bệnh nhân vơí số tiền 16,5 triêụ đồng. Số tiền thu lơị bất chính được đưa vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho tất cả cán bộ, nhân viên trong bệnh viện theo từng quý.

Người tố cáo tham nhũng sẽ được thưởng 60 lần mức lương cơ sở

Thanh tra Chính phủ vừa trình Dự thảo Thông tư Liên tịch về quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng.

Theo đó, đối tượng được khen thưởng bao gồm người tố cáo tham nhũng lập được thành tích xuất sắc; người tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo tham nhũng, truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng.

Về tiêu chuẩn khen thưởng, dự thảo quy định rõ, nếu những người tố cáo, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng mà giúp nhà nước thu hồi được từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, bị thương tích hoặc tổn hại sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% sẽ được tặng bằng khen của Thủ tướng.

Những người phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng từ 300 triệu đồng trở lên, hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích, tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên do tố cáo hành vi tham nhũng sẽ được tặng Huân chương Dũng cảm.

Đặc biệt, trường hợp thành tích của người được khen thưởng giúp thu hồi được cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể áp dụng mức động viên, khuyết kích bằng vật chất tối đa không vượt quá 10% giá trị tiền, tài sản đã thu hồi được.

Ví dụ, nếu thành tích của người tố cáo đã giúp thu hồi được cho Nhà nước 2.300 triệu đồng, tương đương 2000 lần mức lương cơ sở tại thời điểm xét thưởng thì có thể thưởng cho người đó mức tối đa là 200 lần lương cơ sở. Tuy nhiên nếu số tiền thu hồi được là 1000 tỷ thì mức thưởng tối đa cũng chỉ là 4.347,8 lần lương cơ sở hiện nay, xấp xỉ 5 tỷ đồng.

Tùy vào mức giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà người tố cáo tham nhũng được khen thưởng các mức 20, 40, 60 lần mức lương cơ sở (các mức thưởng này tăng gấp 2 lần so với trước).

 Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang