Giám đốc Quốc gia World Bank: 'Thành tựu trong quá khứ không bảo đảm thành công tương lai'

authorĐăng Duy 16:24 05/12/2018

(VietQ.vn) - Tại Diễn đàn VRDF 2018, Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam cho rằng, hành trình của Việt Nam trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới chỉ bắt đầu. Những thành tựu trong quá khứ không bảo đảm thành công trong tương lai.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp…, nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.

Để làm được điều này, Việt Nam cần tập trung xác định những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và phát triển. Trong đó, động lực tăng trưởng chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp.

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất VRDF 2018, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được trong 30 năm qua. Việt Nam ngày nay đã nổi lên là một nước đang xuất khẩu mạnh, sự tăng trưởng của Việt Nam cũng mang tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 7% so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hành trình của Việt Nam trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới chỉ bắt đầu. Những thành tựu trong quá khứ không bảo đảm thành công trong tương lai. Do đó, Việt Nam phải giải quyết những trở lực mang tính cơ cấu trong nước, như dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất lao động còn thấp… Để giải quyết những trở lực mang tính cơ cấu này, Việt Nam cần lựa chọn hướng đi trong bối cảnh thế giới thay đổi.

Giám đốc World Bank tại Việt Nam cũng đưa ra 4 đề xuất. Thứ nhất là cần cải cách để phát triển kinh tế tư nhân trong nước, đây là động lực chính tăng năng suất lao động. Điều này đòi hỏi Chính phủ tiếp tục nỗ lực loại bỏ trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân, song song với việc cải cách doanh nghiệp nhà nước nên áp dụng thông lệ quốc tế trong quản trị doanh nghiệp thông qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn. Thu hút vốn FDI cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn; liên kết chặt chẽ hợp tác giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước để tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai là tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng. Thứ ba là đầu tư về nguồn vốn nhân lực. Thứ tư là hướng tới tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển bền vững.

“Việc thực hiện được 4 khuyến nghị trên cần thể chế Nhà nước có năng lực, hiệu quả, tính minh bạch và rõ ràng. Sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành và cơ quan trung ương, các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng hơn hết. Đặc biệt, nguồn vốn ODA cần sử dụng có chiến lược và hiệu quả hơn để bổ sung đầu tư công trong ước” , ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần phải ý thức được những vấn đề khó khăn, thách thức phải giải quyết trong giai đoạn tới, nhất là những vấn đề về giải quyết mối quan hệ giữa cải cách và phát triển, trong cả nhận thức và hành động; dự báo và ứng phó được với những tác động bất lợi của cuộc CMCN 4.0 trong bối cảnh hiện nay.

Một mặt, phát hiện và tận dụng được những cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, nhất là trong các khu vực công nghệ; cải thiện cho được những chỉ số cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nhất là về môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, hạ tầng, tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông; huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực của khu vực tư nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh toàn cầu phải trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước.

Liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài; ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo phát triển bền vững... Mặt khác, giảm thiểu được những thách thức, tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, nhất là việc sử dụng ngày càng rộng rãi robot thay thế cho con người.

Đăng Duy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang