Giảm "khâu trung gian", giao trực tiếp đề tài cho nhà khoa học

author 08:28 01/02/2014

(VietQ.vn) - Ở quốc gia, sau khi có thẩm định của Hội đồng khoa học, Bộ trưởng KH&CN giao trực tiếp đề tài cho nhà khoa học...

Bộ KH&CN tiếp tục ban hành Thông tư để giảm bớt các phiền phức cho nhà khoa học, tạo điều kiện cho họ chuyên tâm làm nghiên cứu.

Theo đó, Thông tư "Quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước" đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Theo Thông tư này, tuyển chọn là việc lựa chọn tổ chức, cá nhân có năng lực và kinh nghiệm tốt nhất để thực hiện đề tài, dự án theo đặt hàng của nhà nước thông qua việc xem xét, đánh giá các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn theo những yêu cầu, tiêu chí nêu trong Thông tư hướng dẫn này. 

Giao trực tiếp đề tài cho nhà khoa học

Giao trực tiếp đề tài cho nhà khoa học

Tuyển chọn, giao trực tiếp phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, trừ các nhiệm vụ thuộc bí mật quốc gia và đặc thù phục vụ an ninh, quốc phòng;

Tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án được thực hiện thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là hội đồng) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng các Bộ chủ trì chương trình khoa học công nghệ  Quốc gia quyết định thành lập.

Danh mục các đề tài, dự án, điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn được thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các Bộ chủ trì chương trình khoa học công nghệ Quốc gia hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các tổ chức không được tham gia đăng ký tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện đề tài, dự án nếu đến thời điểm nộp hồ sơ: chưa hoàn trả đầy đủ kinh phí thu hồi theo hợp đồng thực hiện các dự án hoặc nộp hồ sơ đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia khác chậm so với thời hạn kết thúc hợp đồng nghiên cứu từ 6 tháng trở lên mà không có ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Bộ chủ trì chương trình khoa học công nghệ Quốc gia.

Cá nhân chủ nhiệm đề tài, dự án phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu: có trình độ đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp và đang hoạt động trong cùng lĩnh vực khoa học với nhiệm vụ trong 5 năm gần đây, tính đến thời điểm nộp hồ sơ; là người chủ trì xây dựng thuyết minh đề tài, dự án; có đủ khả năng trực tiếp tổ chức thực hiện và bảo đảm đủ thời gian để chủ trì thực hiện công việc nghiên cứu của đề tài, dự án.

Thành phần hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài, dự án có từ 09 đến 11 thành viên, gồm chủ tịch, phó chủ tịch, hai (02) uỷ viên phản biện và các ủy viên, trong đó: Có 6 đến 8 thành viên là các chuyên gia có chuyên môn phù hợp với đề tài, dự án được lựa chọn từ cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ; Có 3 thành viên là đại diện của cơ quan, tổ chức đặt hàng, cơ quan tổ chức đề xuất đặt hàng, nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ tư vấn; Hội đồng chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

Trách nhiệm của các thành viên hội đồng:

a) Đánh giá một cách trung thực, khách quan và công bằng; chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả đánh giá của mình và trách nhiệm tập thể về kết luận chung của hội đồng. Các thành viên hội đồng, chuyên gia (nếu có) và thư ký hành chính hội đồng có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan đến quá trình đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp.

b) Nghiên cứu, phân tích từng nội dung và thông tin đã kê khai trong hồ sơ; nhận xét đánh giá mặt mạnh, mặt yếu và đánh giá chung từng hồ sơ theo các yêu cầu đã quy định; viết nhận xét - đánh giá và luận giải cho việc đánh giá; cho điểm theo các tiêu chí tại các biểu mẫu quy định.

c) Chấm điểm độc lập theo các nhóm tiêu chí đánh giá và thang điểm quy định. Trước khi chấm điểm, hội đồng thảo luận chung để thống nhất quan điểm, phương thức cho điểm đối với từng tiêu chí.

d) Thẩm định các nội dung nghiên cứu và dự toán kinh phí của đề tài, dự án với chế độ quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi tiêu hiện hành của nhà nước, của các bộ, ngành có thẩm quyền ban hành để quyết định việc thuê chuyên gia trong nước/nước ngoài, số lượng chuyên gia cần thiết tham gia đề tài, dự án và quyết định việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hay khoán chi từng phần đối với đề tài, dự án.  

Trước khi phê duyệt tổ chức và cá nhân trúng tuyển hoặc được giao trực tiếp chủ trì đề tài, dự án, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ chủ trì chương trình khoa học công nghệ Quốc gia xem xét, rà soát các hồ sơ; trong trường hợp cần thiết có thể lấy ý kiến của các chuyên gia tư vấn độc lập hoặc đề nghị hội đồng xem xét lại đối với các hồ sơ có kết quả đánh giá chưa hợp lýkiểm tra thực tế cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực và năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân được kiến nghị chủ trì thực hiện đề tài, dự án. 

Trên cơ sở kết luận của hội đồng, kết quả rà soát và đề nghị của các đơn vị chức năng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Bộ trưởng các Bộ chủ trì chương trình khoa học công nghệ Quốc gia ký quyết định phê duyệt kinh phí, thời gian thực hiện và tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án.

Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án có trách nhiệm chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ theo kết luận của hội đồng và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Bộ chủ trì chương trình khoa học công nghệ Quốc gia trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả tuyển chọn hoặc giao trực tiếp để tiến hành ký kết hợp đồng, làm căn cứ bố trí kế hoạch thực hiện.

Thành viên Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp, tổ thẩm định nội dung và tài chính và các tổ chức, cá nhân liên quan phải tuân thủ các quy định về quy trình tuyển chọn, giữ bí mật các thông tin liên quan đến quá trình đánh giá, tuyển chọn tổ chức chủ trì đề tài, dự án. 

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với các quyết định hành chính và hành vi hành chính của hội đồng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan đến việc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể vận dụng các quy định của Thông tư này để tổ chức tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện các đề tài, dự án thuộc phạm vi và thẩm quyền quản lý. 

Tùng Dương




Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang