Giảm nợ xấu, ngân hàng nên siết quy trình thẩm định

author 16:00 05/11/2012

(VietQ.vn) – Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong xung quanh vấn đề giải quyết nợ xấu hiện nay.

TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế vừa có cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí về vấn đề giảm tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng với mức 3% trong năm 2013.

* Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra mục tiêu sẽ giảm tình trạng nợ xấu của hệ thống Ngân hàng với mức 3% trong năm 2013. Vậy thì theo ông tại sao lại như vậy ?

Theo tôi thì con số này dựa trên 3 điều kiện. Thứ nhất chúng ta nhìn trong một chuỗi thì thấy rằng trên thế giới cho đến nay vẫn thống nhất một thông lệ, một tiêu chuẩn phổ biến ở các nước cũng như các tổ chức hành chính là nợ xấu của các ngân hàng ở mỗi nước không được quá 3%. Nếu vượt quá thì sẽ bị cảnh báo và nó tác động tới việc an toàn tín dụng, của hệ thống hành chính tiền tệ cũng như của nền kinh tế.

Thứ hai trên thực tế Việt Nam trong nhiều năm qua cũng đang giữ được con số này rất là tốt, ví dụ như năm 2009 nợ xấu chỉ có 2,5%, năm 2010 giảm xuống 2,1 % và cuối năm 2011 lên 3,3%. Hiện nay nó còn cao hơn rất nhiều con số 3%, để đảm bảo an toàn thì việc đặt mục tiêu như là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là có cơ sở và hợp lý.

* Tuy nhiên, theo Ngân hàng nhà nước thì tính đến tháng 6 năm nay thì nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 4,47% cho nên mục tiêu 3% vào năm 2013 thì có ý kiến cho rằng vẫn còn là sự hoài nghi ? Vậy theo Ông sự hoài nghi này có cơ sở không ?

Nếu xét về mặt khách quan thì tôi tin rằng cũng có một số cơ sở khá là chắc chắn mà trong sự hoài nghi này tồn tại. Thứ nhất là nợ xấu của các Ngân hàng hiện nay nó không chỉ là các con số là bao nhiêu, mà các con số này theo các nhà cảnh báo cũng rất là cao hơn rất nhiều so với con số 4 hay 5%.

Thứ hai nữa là nợ xấu gắn liền với nợ bất động sản với hàng tồn kho mà đây là hai cái cục máu đông, đặc biệt là thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian khá dài, và trên thế giới cũng vậy, xu hướng của thị trường rất khó ấm trở lại.

Cuối cùng thì con số thống kê đặc biệt là nợ trong bất động sản bao gồm bất động sản thế chấp cho đến nay vẫn chưa có một cấp quản lý nào đủ thẩm quyền cũng như đủ uy tín để đưa ra lãi suất thuyết phục. Việc nhận diện chưa chính xác thì kéo xuống mức 3% cũng chỉ là một mục tiêu phấn đấu như là thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nói.

Vậy thì theo ông để giảm mức tỷ lệ xấu về 3% trong năm sau thì các ngân hàng thương mại cần làm những gì ?

Các ngân hàng chính là người đầu tiên cũng như là người cuối cùng phải chịu hệ quả của việc nợ xấu này. Để giảm việc nợ xấu cũng như việc việc xử lý thì chúng tôi cho rằng trước hết các ngân hàng phải gia tăng các quy trình thẩm định, đánh giá để đảm bảo đánh giá đúng chất lượng của các dự án vay trong quá trình hoạt động này cũng như quá trình hoạt động tín dụng.

Thứ hai nữa là cần phải giảm và phân tán các rủi ro trong hoạt động cho vay, ví dụ như đảm bảo nguyên tắc cho vay một đối tượng, một nhóm ngành… không quá 15% tổng vốn nguồn có của các ngân hàng, tránh tình trạng các ngân hàng thương mại chạy theo lãi suất cao mà đổ vốn dồn vào cho một, hai nhóm đối tượng.

Phải chú ý đến vấn đề khoanh dự phòng rủi ro như lĩnh vực bất động sản, chứng khoán…thì đạt mức dự trữ rủi ro cao hơn rất nhiều. Đặc biệt ở những ngân hàng cần có những cơ chế mang tính chất pháp lí cao hơn không hoàn toàn áp đặt theo kiểu quay trở lại bao cấp hay hành chính nhưng cũng phải có một cơ chế cao hơn để tránh tình trạng các ngân hàng chạy theo lãi suất cao.

Một điểm nhấn rất quan trọng nữa đó là phát triển thị trường nợ, rõ ràng ở Việt Nam hiện nay đang là một thị trường bỏ trống, hiện nay chúng ta mới có một công ty Mua bán nợ duy nhất của Bộ Tài chính, còn lại các công ty hoạt động theo cơ chế thị trường là chưa có vì thế mà các khoản nợ vẫn bị treo và đây rõ ràng là một cái bất cập.

Chúng ta phải phát triển thị trường nợ, mua bán nợ theo thị trường với tất cả các khoản mua, bán được đánh giá trên cơ sở rủi ro, đánh giá trên cơ sở thỏa thuận, trên cơ sở cung – cầu thị trường chứ không phải là áp đặt, mang tính chất lợi ích nhóm để tạo ra những hoạt động mà xử lí nợ xấu mà lại tạo ra những cái nợ xấu tiếp theo.

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế

* Đó là những công việc của các ngân hàng thương mại cần phải làm để có thể đưa mức tỉ lệ xầu về mức 3% trong năm sau vậy còn công việc của các cơ quan nhà nước, của các ngân hàng nhà nước họ phải làm những gì thưa ông?

Trước hết là phải có hệ thống cơ sở pháp lý đủ bao quát, đủ cụ thể chi tiết để hướng dẫn, ngăn ngừa các hoạt động cho vay rủi ro, cũng như xử lý vấn đề nợ. Thứ hai nữa là cần phải đòi hỏi, gia tăng các hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm soát, cảnh báo để mà nắm bắt từ xa ngăn chặn giảm thiểu các tích tụ nợ xấu, nợ khó đòi, tránh tình trạng tích tụ quá lớn tạo thành một cái cục khổng lồ vượt quá khả năng, vượt quá kiểm soát sẽ tạo ra những nguy hại.

Thứ ba nữa là chuẩn bị những kịch bản cũng như có các chế tài để xử lý kịp thời những vi phạm tránh trường hợp phát hiện rồi lại xử lý kiểu đánh bùn sang ao, cuối cùng là vẫn giữ nguyên nợ xấu đó và kết cục là cả nền kinh tế và những người không bị liên quan cũng bị ảnh hưởng. Ngân hàng nhà nước cũng cần phải có những chi tiết hơn trong vấn đề chống che giấu nợ xấu, hiện nay những công cụ, hay những mẹo mực kỹ thuật để mà che giấu nợ xấu rất là phát triển bao gồm tăng cho vay dư nợ để dư nợ mới lướn lên thì tỷ lệ cũng được cải thiện hơn

Việc cho vay chéo và cho vay để tái cơ cấu nợ theo kiểu đảo nợ một cách không đúng quy định, nó vẫn tiếp tục tạo ra những nợ xấu. Hiện tượng chuyển nhượng nợ hay là cho vay để xử lý nợ trên cơ sở kỹ thuật không tạo ra dòng vốn chuyển đọng mà nó tạo ra một bức tranh về nợ tốt hơn nhưng thực chất nó vẫn không xử lý được căn bản, đó là về mặt lỗ hổng mà các ngân hàng nhà nước cần phải xử lý để tránh tất cả sự lạm dụng như vậy.

* Các ngân hàng thương mại sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi đưa mức tỉ lệ xấu về mức 3% trong năm 2013 ?

Về mặt tích cực nếu mà xử lý tốt để bức tranh nợ xấu còn trở về trạng thái bình thường là từ 3% trở xuống thì nó sẽ tạo một cái không khí lành mạnh trong hoạt động của ngân hàng một lòng tin tốt hơn, môi trường làm việc, việc kinh doanh cũng trở nên lành mạnh hơn có niềm tin cho các tổ chức, cho các tổ chức và các đối tác khác. Thứ hai nó sẽ giúp để mà quyết liệt hơn trong việc xử lý những ngân hàng mà nằm trong việc đổi tái cơ cấu.

Tình trạng nợ xấu không còn lan tràn nữa, tình trạng nợ xấu giảm bớt thì còn sót lại những ngân hàng nào yếu kém không xử lý được thì áp lực nó sẽ tăng lên, tiến trình tái cơ cấu của các ngân hàng này nó sẽ được đẩy mạnh hơn.

Về mặt tiêu cực thì trong quá trình chúng ta thực hiện những biện pháp quyết liệt như vậy sẽ khiến nhiều ngân hàng rơi vào trạng thái kiểm soát đặc biệt hoặc chịu những chế tài quản lí ở mức độ gắt gao hơn như vậy họ sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng phát triển cũng như sự tồn tại của họ hay là mức lợi nhuận và trong tình trạng xấu nhất là họ phải tái cơ cấu ngoài ý muốn của mình.

Xin cám ơn ông !

Thành Long (lược ghi) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang