Giám sát, báo cáo trước Quốc hội tràng giang, đại hải sẽ không có kết quả

author 08:24 20/01/2015

“Có nhiều khi hiệu quả giám sát chưa chắc bằng bài báo xoáy vào chỗ này, chỗ kia cuối cùng lại có kết quả. Nếu cứ giám sát, báo cáo trước Quốc hội tràng giang đại hải thì sẽ không có kết quả gì cả”.

Thảo luận về các vấn đề lớn trong dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chiều 19/1, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng giám sát tối cao của Quốc hội chưa được làm rõ, đến nay vẫn đang là một cuộc tranh luận khiến quá trình thực thi còn những băn khoăn. 

“Ví dụ như giám sát tối cao là gì ? Có đề xuất đó là việc giám sát cơ quan cao nhất của bộ máy nhà nước, nhưng đến giờ chưa làm rõ… Nếu chỉ là Quốc hội xem xét tại một kỳ họp thì đã đủ là giám sát tối cao chưa ? Phải làm rõ tính chất, hiệu lực của giám sát tối cao có gì khác với giám sát khác không”- bà Mai đặt vấn đề.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá dự thảo dù được chuẩn bị khá công phu nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống cần sửa đổi, bổ sung thì mới có thể tạo ra sự thay đổi thực sự và nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND. Theo ông Giàu, dự thảo luật nêu ra khái niệm về “giám sát” nhưng để ý kỹ thì thấy không có gì mới so với luật cũ năm 2003. Chính vì thế khó có thể tạo ra sự thay đổi căn bản về chất trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trong hoạt động của Quốc hội mới chỉ thấy việc lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn là có kết quả thay đổi rõ rệt; riêng hoạt động giám sát thì chưa thấy hiệu quả thực sự. “Đảng có giám sát, MTTQ có giám sát, HĐND cũng có giám sát, Quốc hội từ lâu cũng có có giám sát. Nhưng kết quả hiệu quả thực tế thế nào? Cần phải có quy định rõ ràng hơn để hoạt động giám sát hiệu quả hơn, chứ không chỉ chung chung, giám sát xong rồi để đó, không đề cập đến biện pháp xử lý thì sẽ không thực chất và không có tác dụng”- ông Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng: “Có nhiều khi hiệu quả giám sát chưa chắc bằng bài báo xoáy vào chỗ này, chỗ kia cuối cùng lại có kết quả. Nếu cứ giám sát, báo cáo trước Quốc hội tràng giang đại hải thì sẽ không có kết quả gì cả (...). Ta cứ nói đèn xanh đèn đỏ, tôi chẳng thấy chỗ nào đèn xanh đèn đỏ cả. Mình không thể đi xử án được, đó là việc của cơ quan tư pháp nhưng họ làm đúng hay sai thì ta phải phát hiện, đúng thì hoan nghênh, sai thì phải xem xét”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định khái niệm giám sát chưa được làm rõ, đầy đủ trong bản dự thảo luật. Để nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, bà Ngân đề nghị dự thảo luật phải bổ sung các quy định cụ thể hơn. “Chủ yếu mới chỉ là liệt kê ra các hình thức giám sát, còn các quy định về giám sát chưa thấy đâu cả, chưa thấy có gì mới cả”- bà Ngân đánh giá.

Tiếp thu các ý kiến, thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung những quy định cho phù hợp hơn để kịp trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.

Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 và một phần của Luật tổ chức HĐND, UBND và các quy định khác có liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.

Theo Dantri

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang