Giám sát vốn vay ODA: Vai trò Quốc hội chưa được coi trọng!

author 11:34 30/10/2014

(VietQ.vn) - "Trách nhiệm trong việc quyết định, giám sát nguồn vốn ODA của Quốc hội lâu nay chưa được coi trọng. Những kiến nghị của đại biểu về vấn đề này lại chưa được tiếp thu đầy đủ..."

Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu đều đồng tình trước báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH. Tuy nhiên, đại biểu tỏ ra ra lo lắng tình trạng phát triển thiếu bền vững của nền kinh tế, đặc biệt tính trạng nợ công gia tăng.

Khái quát lại diễn biến trong năm 2014, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nhận định:  Tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế  trong nước khó khăn, cái cũ chưa giải quyết dứt điểm thì cái mới đã phát sinh.  Trước bối cảnh này, Chính phủ đã có hướng lựa chọn và giải quyết có kết quả những vấn đề lớn như: ổn định lạm phát, cải thiện thị trường vàng và ngoại hối; tháo gỡ  khó khăn cho DN; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế kiên quyết  xử lý nợ xấu; chi an sinh xã hội vẫn được đảm bảo...

Với hướng đi trên, theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, những vấn đề bức xúc  của nền kinh tế đã được giải quyết bước đầu thành công tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Tuy nhiên, về tầm nhìn dài hạn, nền kinh tế hiện vẫn đang bộc lộ nhiều yếu tố chứng tỏ thiếu tính bền vững, nhiều khâu đột phá chưa tạo sự chuyển biến chưa đạt yêu cầu. Cụ thể:  Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn còn nhiều vướng mắc, môi trường đầu tư chưa hoàn thiện;  Ngân sách bội chi cao; Tái cơ cấu chậm  hiệu quả chưa rõ nét trong nhiều nội dung như nợ công, nợ xấu, nợ xây dựng cơ bản vẫn còn cao; Bất cập trong lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường dẫn tới tình trạng ô nhiễm, khai thác tài nguyên chưa kiểm soát chặt chẽ…

“ Nếu chúng ta không giải quyết triệt để những tồn tại nêu trên thì rất khó có thể thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong năm 2015 nhất là chỉ tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm và chỉ tiêu lạm phát cả năm”, đại biểu Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên kiến nghị dự án vay vốn ODA cần phải được thông qua Quốc hội

Về tình trạng nợ công, mặc dù được đánh giá trong giới hạn cho phép song theo các đại biểu vẫn đang  ở mức hết sức lo ngại, nhất là khi chính phủ vẫn đang giải quyết vấn đề này  bằng những giải pháp tình thế. Để hạn chế tình trạng gia tăng nợ công,  không để nợ công trở thành ghánh nặng cho thế hệ sau này, theo Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang)  Chính phủ cần hết sức cẩn trọng với các dự án vay ODA, đặc biệt là các dự án vay ODA cho chi thường xuyên.

“ Có một nguyên tắc vàng trong nền kinh tế là không vay ODA cho chi thường xuyên, vậy mà ở nước ta có dự án vay vốn ODA lên tới hàng tăm triệu USD để chi thường xuyên. Không thể tiếp tục tình trạng này, nếu không nợ công sẽ gia tăng.Tôi đề nghị việc vay và sử dụng vốn vay ODA như thế nào cần phải có ý kiến của Quốc hội”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên kiến nghị.

Đồng tình với kiến nghị trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết hiện nay khái niệm chi thường xuyên  và chi đầu tư cần phải được xem xét lại. Ví như có đơn vị vay vốn để chi xây dựng trụ sở cơ quan lại xếp vào hạng mục chi đầu tư song thực chất đó phải là chi tiêu dùng.
“ Cần phân biệt rõ thế nào là chi đầu tư, thế nào là chi tiêu dùng. Nếu chúng ta cứ nhầm lẫn giữa hai khái niệm này sẽ rất nguy hiểm”, cị đại biểu TP. HCM nói.

Khác với ý kiến các đại biểu lo ngại về tình trạng nợ công, đại biểu  Trần Du Lịch cho rằng: Nợ công không có gì là xấu nếu việc vay nợ có hiệu quả sinh lời tạo dòng tiền có thể đáo hạn. Vấn đề lo ngại ở đây là việc sử dụng nợ công như thế nào. “ Hiện nay, chúng ta đag sử dụng nợ đầu tư dàn trải, không hiệu quả thậm chí còn có tình trạng  phải vay để đáo nợ chứ không phải để đầu tư. Đây mới chính là mối lo ngại nhất.”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thị Nga phát biểu

Đi sâu vào phân tích bất cập trong việc quản lý vốn vay và sử dụng vốn vay ODA, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhận định:  “ Quản lý vốn vay ODA đã và đang phát sinh nhiều bất dẫn tới việc thất thoát lãng phí, tham nhũng  tại các dự án làm mất lòng tin nhà tài trợ.  Tuy chúng ta từ trước tới nay có cơ chế kiểm tra giám sát sử dụng vốn ODA nhưng người phát hiện sai phạm tại các dự án  lại từ phía nước cho vay”.

Mặt khác, theo nữ đại biểu, nghịch lý diễn ra lâu nay khó có thể chấp nhận khi Quốc hội- Người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân lại dường như đang “đứng ngoài”  việc giám sát vốn vay ODA.

“ Trách nhiệm trong việc quyết định, giám sát nguồn vốn ODA của Quốc hội lâu nay chưa  được coi trọng. Những kiến nghị của đại biểu về vấn đề này lại chưa được  tiếp thu đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân gián tiếp khiến những sai phạm sử dụng vốn trong dự án đầu tư công ngày một gia tăng theo hướng trầm trọng, đẩy nợ công lên mức mất an toàn.”, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Hoàng Vũ



 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang