Giảm thiểu quy trình thừa góp phần thúc đẩy năng suất hành chính công

author 18:31 09/06/2015

(VietQ.vn) - Nếu áp dụng thành công quản lý dựa trên kết quả, Việt Nam sẽ giảm thiểu nhiều quy trình không cần thiết, nâng cao năng suất khu vực hành chính công.

Ngày hôm nay (9/6), tại Hà Nội, Tổ chức Năng suất Châu Á – APO đã phối hợp cùng với Viện Năng suất Việt Nam, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hội thảo Quản lý dựa trên kết quả cho các tổ chức khu vực công.

Tham dự hội thảo có bà Ngô Thu Hương, Cán bộ chương trình của ban Nghiên cứu và Kế hoạch, Tổ chức Năng suất Châu Á, bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới.

Hội thảo này là một trong những hoạt động của Tổ chức năng suất Châu Á - APO phối hợp cùng Viện Năng suất Việt Nam để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm của các nước Châu Á trong việc áp dụng quản lý dựa trên kết quả. Hội thảo cũng nhằm mục tiêu tạo một cơ hội để các nước chưa từng áp dụng quản lý dựa trên kết quả học hỏi những kinh nghiệm của các nước phát triển hơn như Hàn Quốc, Canada...

Phát biểu tại hội thảo, bà Ngô Thu Hương, Cán bộ chương trình của ban Nghiên cứu và Kế hoạch, Tổ chức Năng suất Châu Á cho hay: “Đây là cơ hội để những nước đã từng áp dụng quản lý dựa trên kết quả có thể trao đổi với các chuyên gia để hoàn thiện hơn mô hình quản lý dựa trên kết quả của quốc gia mình”.

Quản lý dựa trên kết quả

Quản lý dựa trên kết quả giúp nâng cao năng suất khu vực hành chính công. 

Tại Việt Nam, quản lý dựa trên kết quả hiện được áp dụng chủ yếu ở các doanh nghiệp và các nhà tài trợ là nhiều, khu vực quản lý hành chính công hầu như chưa có ngoại trừ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiên phong được tài trợ của một số dự án quốc tế và đang bắt đầu áp dụng. So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu.

Theo đánh giá của bà Ngô Thu Hương, việc áp dụng quản lý dựa trên kết quả sẽ nâng cao tính hiệu quả và tính chuyên nghiệp của khu vực hành chính công, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Nếu áp dụng thành công, Việt Nam sẽ giảm thiểu được rất nhiều quy trình không cần thiết, nâng cao năng suất khu vực hành chính công.

Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang