Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% là hợp lý

author 07:39 14/04/2013

“Tôi cũng muốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm xuống 20%, nhưng có thực hiện được ngay hay không lại là chuyện khác”.

“Tôi cũng muốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm xuống 20%, nhưng có thực hiện được ngay hay không lại là chuyện khác”, ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem). 

Hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn tiếp tục khó khăn, vì thế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nên hạ ngay thuế TNDN xuống 20%. Quan điểm của ông thế nào?

Đứng trên góc độ doanh nghiệp (DN), tôi thấy đề xuất giảm thuế TNDN xuống 20% là hợp lý. Nhưng ở góc độ người tham gia xây dựng chính sách, góc độ là đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng, chưa thể hạ ngay thuế TNDN xuống 20%, mà phải thực hiện từng bước. Trước mắt, ưu tiên cho DN nhỏ và vừa, sau đó, có thể từ năm 2016 trở đi, sẽ áp dụng thuế suất 20% cho tất cả DN, không phân biệt DN lớn, vừa hay nhỏ.

Tức là, việc giảm thuế phải thực hiện theo lộ trình, thưa ông?

Đúng vậy. Việc giảm thuế TNDN theo lộ trình sẽ đạt được nhiều mục đích.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước không giảm thu quá mạnh. Bởi cứ giảm 1% thuế TNDN, thì ngân sách giảm thu ít nhất 6.000 tỷ đồng/năm.

Thứ hai, mức thuế suất 23% như đề xuất của Bộ Tài chính cũng khá thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù nhiều nước đang thực hiện lộ trình giảm thuế TNDN để tăng sức cạnh tranh, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, song đến năm 2016, Việt Nam hạ thuế TNDN xuống 20%, nên vẫn bảo đảm sự cạnh tranh về thuế với nhiều nước trên thế giới.

Thứ ba, trên thực tế, gặp khó khăn chủ yếu hiện nay là DN nhỏ và vừa. Với tiêu chí sử dụng tối đa 200 lao động và có doanh thu tối đa 20 tỷ đồng/năm được coi là DN nhỏ và vừa, thì khối DN này hiện chiếm 87% tổng số DN. Vì thế, cho DN nhỏ và vừa được hưởng thuế TNDN 20% trước là phù hợp.

Dường như ông rất lo lắng việc giảm thuế ảnh hưởng tới thu ngân sách?

Thu ngân sách năm nay có thể nói là cực kỳ căng thẳng. Thông thường, thu ngân sách trong quý I đạt 26 - 28% dự toán, nhưng quý I năm nay, thu ngân sách mới đạt 167.710 tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012. Năm nay là năm đầu tiên, thu ngân sách quý I giảm so với cùng kỳ. Do đó, nếu trong 3 quý còn lại mà tình hình thu - chi ngân sách không khả quan hơn, thì sẽ ảnh hưởng ngay tới bội chi, cho dù có cắt giảm hết mức các khoản chi chưa cần thiết.

Nói thật, tôi cũng muốn giảm thuế TNDN xuống 20%, thậm chí là giảm mạnh hơn nữa, nhưng nhìn vào thu - chi ngân sách, thì lại thấy rằng, muốn là một chuyện, còn có thực hiện được ngay hay không lại là chuyện khác.

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, thu ngân sách không đạt kế hoạch là do thuế suất cao, nên DN gian lận thuế, trốn thuế. Nếu hạ thuế, DN sẽ tự nguyện nộp thuế, nên ngân sách không giảm thu mạnh như tính toán của Bộ Tài chính?

Đấy chỉ là suy luận. Trước đây, thuế suất thuế TNDN là 32%, năm 2003 hạ xuống 28%, năm 2008 hạ xuống còn 25%, nhưng gian lận thuế, trốn thuế ngày càng diễn ra phức tạp với mức độ cao hơn. Điều này cho thấy, dù có hạ thuế xuống 20% hay thấp hơn nữa, thì gian lận thuế, trốn thuế vẫn còn, thậm chí phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, nếu cơ quan quản lý thuế không đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh hành vi gian lận thuế, trốn thuế.

Tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thu - chi ngân sách nhà nước năm 2011, tôi đã phát hiện ra rằng, nếu có cùng mức doanh thu, thì DN nhà nước thường nộp thuế gấp 2 lần DN ngoài quốc doanh. Điều này cho thấy, nếu nhận định DN ngoài quốc doanh hoạt động hiệu quả hơn DN nhà nước, thì tình trạng trốn thuế, lậu thuế, gian lận thuế ở khu vực này rất lớn.

Nếu chỉ hạ thuế TNDN xuống 23%, có thể hiểu, Nhà nước chưa thực sự chia sẻ khó khăn, thưa ông?

Hiểu như thế là phiến diện, bởi thực tế nhiều năm gần đây, không riêng thuế TNDN, mà thuế suất của tất cả các sắc thuế đều giảm, thậm chí giảm mạnh. Trong bối cảnh người nộp thuế gặp khó khăn, nhưng chưa thể sửa ngay được luật thuế nào đó, Chính phủ đều trình và được Quốc hội thông qua các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho DN, tổ chức, cá nhân ở lĩnh vực, ngành nghề nào đó đang gặp khó khăn.

Để chia sẻ khó khăn với DN, Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội cho DN nhỏ và vừa được hưởng thuế 20% ngay từ ngày 1/7/2013, chứ không phải đợi đến khi Luật Thuế TNDN có hiệu lực (sớm nhất là ngày 1/1/2014) mới thực hiện.

 Theo Thời báo kinh tế

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang