Giảm tối đa thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

authorMạnh Long 12:29 05/04/2017

(VietQ.vn) - Ngành hải quan tiếp tục phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để giảm tối đa thời gian thông quan hàng hóa.

Tại hội thảo chuyên đề “Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam” vừa được tổ chức đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về các vấn đề trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: Thủ tục thuế và bảo hiểm xã hội; Thủ tục hải quan; Thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành (cấp phép xuất nhập khẩu, kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, kiểm tra văn hóa).

Giảm tối đa thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng - Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam". Ảnh: VOV

Trong đó, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thẳng thắn nêu lên những khó khăn, bức xúc đã tồn tại lâu trong môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đã kiến nghị nhiều nhưng các cơ quan quản lý chưa có giải pháp điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa triệt để.

Cụ thể như các vấn đề vướng mắc trong thực hiện thủ tục thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục hải quan, thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Nhiều ý kiến từ các hiệp hội như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Da giày, Thủy sản, Bông sợi, Gỗ và lâm sản, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp thuộc các Nhóm công tác của VPSF cũng nêu những vấn đề, quy định quản lý đang đi ngược tinh thần Chính phủ kiến tạo điển hình như vụ quy định phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng dẫn tới nguy cơ sụt giảm hiệu quả kinh doanh do chính quy định chính sách, pháp luật còn hạn chế.

Thông tin đăng tải trên báo Đầu tư, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa cũng chính là mục tiêu của ngành hải quan trong thời gian qua và sắp tới. Trong đó, ngoài ngành hải quan, thì trách nhiệm các bộ ngành trong phối hợp thực thi với cơ quan hải quan tại cửa khẩu là rất quan trọng, làm sao để cải thiện môi trường kinh doanh, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có trên 200 danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành. Có những mặt hàng xuất nhập khẩu chịu quản lý của nhiều bộ, hoặc ngay trong một bộ lại chịu sự quản lý của 2-3 đơn vị khác nhau, dẫn đến những bất cập, khó khăn. Do đó, công tác phối hợp trong quản lý giữa các bộ ngành càng phải được đẩy nhanh về tiến độ.

Một thực tế nữa là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều, phạm vi điều chỉnh rộng.

Số liệu được ông Hải cung cấp cho thấy, đến 30/11/2016 có 362 văn bản gồm 22 luật, pháp lệnh; 93 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 247 thông tư, quyết định của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động này.

“Sắp tới, ngành hải quan sẽ rà soát, đề xuất sửa ngay các thông tư, quy định về kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp”, theo báo Đầu tư, ông Hải cho biết thêm.

Cả nước hiện có khoảng 74.000 doanh nghiệp đang tham gia xuất nhập khẩu, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình là 10 ngày, xuất khẩu 12 ngày, dài gấp đôi so với khu vực, trong đó riêng thời gian kiểm tra chuyên ngành là hơn 7 ngày.

Do đó, việc giảm được 1 ngày thủ tục thông quan sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 200 USD một lô hàng. Trong khi mỗi năm cả nước có khoảng 8,3 triệu lô hàng, 36% trong số đó bị kiểm tra, tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần các quốc gia trong TPP và gấp 3 lần EU.

Đáng nói, chất lượng kiểm tra, kết quả kiểm tra rất thấp, phát hiện vi phạm không đang kể, hầu hết hàng hóa đều qua. Điều này đang cản trở sự phát triển. Vì 94% lượng hàng nhập khẩu là để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Mạnh Long (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang