Giàn khoan thứ hai của Trung Quốc: Việt Nam đã lên đủ phương án

author 07:13 20/06/2014

Lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam xác nhận Trung Quốc đưa giàn khoan thứ hai vào biển Đông.

Chiều ngày 19/6/2014, trao đổi với phóng viên báo Đất Việt xung quanh việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Nam Hải 09 (Nan Hai Jiu Hao) gần cửa Nam của Vịnh Bắc Bộ, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết đã lên sẵn các phương án.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

"Đối với vấn đề này, chúng ta đã lên đầy đủ các phương án. Hiện tại Cảnh sát biển Việt Nam được giao nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ nhất cử nhất động của giàn khoan này. Ngoài việc theo dõi vẫn chưa thể làm gì hơn bởi giàn khoan này vẫn ở trong vùng biển của Trung Quốc" - Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết.

Nhắc lại những lo lắng về tiền lệ giàn khoan Hải Dương 981 sau khi di chuyển trong vùng biển của Trung Quốc đã tiến sâu vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính theo công ước của Liên Hợp Quốc. Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nhận định:

"Với Trung Quốc thì chúng ta sẽ còn phải lo ngại nhiều thứ chứ không riêng gì vấn đề giàn khoan. Tuy nhiên mọi hành động thiếu kiểm soát, vội vàng sẽ không giải quyết được vấn đề. Với Trung Quốc, chúng ta rất cần sự kiên trì, sử dụng đồng thời  tất cả các biện pháp. Hiện tại, Việt Nam đã lên đầy đủ các phương án đối với giàn khoan này."

Tối 18/6, website của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, ngày 18-20/6 giàn khoan "Nan Hai Jiu Hao" (Nam Hải số 9) được đưa vào Biển Đông.

Theo đó, giàn khoan này sẽ được tàu lai dắt kéo từ toạ độ 17 độ 38 phút vĩ Bắc - 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc - 109 độ 31 phút kinh Đông trên Biển Đông, với tốc độ 4 hải lý/giờ.

Trung Quốc đã đưa giàn khoan thứ hai vào biển Đông

Theo khẳng định của thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, giàn khoan này chưa nằm trong vùng nhạy cảm, hiện nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc từ 50 - 60 hải lý; cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý.

Theo nhận định của chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình, Hội viên Hội Khoa học biển Việt Nam: “Giàn khoan Hải Dương 981 có nhiệm vụ chính là thăm dò dầu khí ở vùng nước sâu và khai thác dầu khí nước sâu. Còn những chiếc Nam Hải 09 là giàn khoan thế hệ cũ, chỉ có khả năng khai thác vùng thềm lục địa, không có khả năng thăm dò.

Nếu đã có sự di chuyển giàn khoan kiểu này thì chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến hành khai thác dầu. Nếu họ chỉ khai thác trên biển họ thì không vấn đề, nhưng nếu khai thác trên vùng biển của Việt Nam thì phải kiên quyết đấu tranh."

Trước đó, Viện Nghiên cứu sinh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phối hợp với Nhà Xuất bản Văn hiến Khoa học xã hội của nước này ngày 16/6 đã công bố “Sách Xanh năng lượng thế giới: Báo cáo phát triển năng lượng thế giới (2014)” tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo "Sách Xanh", Trung Quốc đang đối mặt với những nguy cơ rất lớn về an ninh năng lượng, đặc biệt là sự thèm khát năng lượng để đáp ứng cho 1,5 tỷ dân và một nền kinh tế đang phát triển nóng. Mỗi ngày, Trung Quốc tiêu thụ đến 8 triệu thùng dầu và hàng vạn tấn than.

Theo Báo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang