Gian lận mã số vùng trồng, kẽ hở nào cần phải bịt kín?

author 06:10 18/09/2020

(VietQ.vn) - Gian lận mã số vùng trồng, thiếu nghiêm túc trong thực hiện truy xuất nguồn gốc, hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với thiệt hại kép.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Đó là cảnh báo của bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam khi chia sẻ về tình trạng mạo danh mã số vùng trồng để xuất khẩu, đồng thời đưa bà cũng ra những khuyến nghị nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam. 

Thưa bà, tại sao nông sản Việt Nam xuất khẩu phải cần có mã số vùng trồng?

Do yêu cầu quản lý trái cây nhập khẩu của Trung Quốc, các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường nước này phải có tem truy xuất nguồn gốc, nội dung của tem bắt buộc phải thể hiện: sản phẩm được trồng ở đâu (mã vùng trồng), đóng gói tại đâu (mã xưởng đóng gói). Mã vùng trồng và mã xưởng đóng gói là do Việt Nam cấp chứng nhận và được phía cơ quan Hải quan Trung Quốc chấp nhận. Ngoài ra còn có các thông tin nhà nhập khẩu, số xe vận tải, giấy kiểm dịch thực vật ...

Người nhập khẩu trái cây vào Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tem truy xuất nguồn gốc và sản phẩm nhập khẩu. Phía Trung Quốc áp dụng quản lý dữ liệu thông tin khá hiện đại và đầy đủ. Mỗi mã vùng trồng hay mã xưởng đều thể hiện rõ diện tích, loại cây trồng, năng lực sản xuất ...Vì thế năng suất tối đa cho một mã vùng trồng trong một năm hay năng lực đóng gói tối đa cho một mã xưởng họ cũng nắm rõ.

Bà đánh giá như thế nào về thực trạng việc cấp mã vùng trồng cho cây ăn quả của Việt Nam?

Hiện nay, số diện tích trồng cây ăn trái của Việt Nam được phía Trung quốc công nhận mã vùng trồng còn rất ít so với thực tế số lượng hàng xuất vào Trung Quốc.

Trên dữ liệu Hải quan Trung Quốc sẽ không khó khăn để cho báo cáo mỗi mã vùng trồng thực tế đã được thể hiện trên số lượng hàng nhập khẩu vào Trung Quốc là bao nhiêu, do đó, việc có gian lận so với khả năng sản xuất rất dễ bị phát hiện.

Việc quản lý tem truy xuất nguồn gốc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi Trung Quốc sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Nếu theo quy trình đóng gói hàng xuất khẩu thì tem truy xuất nguồn gốc sẽ được dán tại xưởng đóng gói và xếp xe trước khi đến cửa xuất khẩu, vì thế việc quản lý nhãn hàng hóa xuất khẩu cần được cơ quan quản lý tại địa phương kiểm soát trước khi hàng hóa lưu thông hoặc cơ quan Hải quan kiểm tra trước khi cho phép hàng hóa xuất khẩu.

Thực tế hiện nay việc quản lý tem truy xuất nguồn gốc trái cây từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc chưa có quy định cụ thể, tem chủ yếu do thương nhân Trung Quốc đem sang hoặc tự in, vì thế việc giả mạo mã số vùng trồng sẽ khó xác định và ngăn chặn kịp thời.

Vậy theo bà, cần phải làm gì để quản lý tốt hơn hoạt động truy xuất nguồn gốc mà cụ thể là để ngăn chặn tình trạng giả mạo mã vùng trồng như hiện nay?

Nếu việc quản lý tem truy xuất nguồn gốc được cập nhật trên hệ thống, thể hiện cả trên chứng từ hàng hóa khi lưu thông và xuất khẩu thì sẽ loại bỏ ngay được việc giả mạo, các cơ sở trồng cũng như đóng gói sẽ phải tuân thủ các quy định.

Nếu không quản lý chặt chẽ việc dán tem truy xuất nguồn gốc, bên cạnh việc không xuất khẩu được còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam với thị trường quốc tế. Lúc đó hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với thiệt hại kép.

Bên cạnh đó, không quản lý được việc dán tem truy xuất, các cơ sở gian lận dễ dàng làm giả mạo mã số vùng trồng, mã xưởng đóng gói… điều này sẽ gây rủi ro trực tiếp cho người sản xuất của nơi đã được cấp mã khi nước nhập khẩu cấm vì bị gian lận.

Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói tại Đồng Tháp vì vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.

 

Bà có những khuyến nghị gì để ngăn chặn kẽ hở dẫn đến tình trạng giả mạo mã vùng trồng, bảo vệ thương hiệu cho trái cây Việt Nam và bảo vệ chính những nhà sản xuất chân chính?

Nếu chúng ta "cẩu thả" trong quản lý mã số vùng trồng, nước nhập khẩu họ siết chặt thì chính hàng hóa, doanh nghiệp của chúng ta phải trả giá. Do đó, cần phải có động thái ngay lập tức để giải quyết tình trạng này.

Người sản xuất có thể bảo vệ mã vùng của mình bằng việc có trang thông tin riêng để công bố dự kiến sản lượng , thời vụ thu hoạch, đối tác thu mua, đối tác xưởng đóng gói ... khi hết vụ cũng thông tin đã hết hàng.

Nhà quản lý địa phương cần bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm địa phương bằng việc cập nhật tình trạng sản xuất, thu hoạch hàng hóa cho từng mã vùng trồng theo thời vụ. Kiểm soát các lô hàng hóa lưu thông và đóng gói tại địa phương xem tem truy xuất nguồn gốc có phù hợp các nguồn gốc hàng hóa hay không.

Ngành Hải quan cần cập nhật mã vùng trồng, mã xưởng và có biện pháp giám sát trên hệ thống để phát hiện ngay việc gian lận và cấm xuất khẩu những lô hàng vi phạm. Có thể phạt nặng hoặc hạ mức tín nhiệm với nhà xuất khẩu.

Cuối cùng, cần có chế tài xử lý bằng pháp luật hình sự tương đương việc sản xuất và mua bán hàng giả.

Xin cảm ơn bà!

Hà Thủy (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang