Gian lận xuất xứ hàng hóa: Gỗ dán lọt 'tầm ngắm'

author 06:43 21/11/2019

(VietQ.vn) - Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ đối với mặt hàng gỗ dán...

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ.

Động thái trên nhằm tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 
Trong số 25 mặt hàng bị Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đưa vào danh mục cảnh báo sớm về nguy cơ lẩn tránh thuế và gian lận thương mại công bố hồi đầu tháng 10/2019, gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng là mặt hàng được xếp đầu tiên. Mặt hàng này cũng nằm trong diện cảnh báo cao nhất (mức 4).
Số liệu của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho thấy năm 2018, lượng gỗ dán xuất khẩu tới Hoa Kỳ đạt 320.000m3, tăng gấp 5 lần so với năm 2017. Nguyên nhân tăng là do nhiều nhà máy mới được xây dựng và một số nhà máy mở rộng công suất thiết kế.
Trong khi đó, số liệu của Hoa Kỳ cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này với mặt hàng gỗ dán là 198 triệu USD, tăng 78,2%.
Đến nay, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ VN và đang áp dụng biện pháp sơ bộ. Mức thuế mà Hoa Kỳ áp cho VN với mặt hàng này hiện nay là 8%.
 

Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính.

Đối tượng áp dụng là các thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Thông tư số có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/12/2019 đến hết ngày 31/12/2024.

Trước đó, gỗ dán được đánh giá là một trong những mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị gian lận xuất xứ hàng hóa. Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ, ngay sau văn bản gửi Tổng cục Hải quan hồi tháng 6.

Bộ Công Thương nhận định, việc mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp khiến thuế nhập khẩu nâng từ 10-25%, đã và đang làm gia tăng nguy cơ gian lận về xuất xứ hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của Việt Nam.

Tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Nhằm hạn chế tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Đề án đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa (trong đó các mặt hàng có nguy cơ cao như gỗ dán).

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết các dự án FDI mới trong ngành gỗ đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là các tháng đầu năm 2019. Dẫn chứng là trong 5 tháng đầu năm, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018.

Tổng số vốn đầu FDI đầu tư trong 5 tháng 2019 lớn gấp gần 1,2 lần tổng số vốn đầu tư của cả năm 2018. Trung Quốc dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào ngành gỗ, tiếp đến là Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong và Nhật Bản.

Đầu tư của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2019 chủ yếu tập trung vào mảng chế biến gỗ (16 dự án, chiếm tỉ lệ 60%). Trên 50,07 triệu USD từ các dự án FDI mới của Trung Quốc đã được đăng ký trong 5 tháng đầu 2019, cao hơn gần 1,7 lần vốn đăng ký của các dự án FDI Trung Quốc cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, quy mô vốn đầu tư trên mỗi dự án chỉ là 2,1 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với con số 4,2 triệu USD - là quy mô mỗi dự án trong cùng kỳ năm trước.

 Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang