Gian nan đi lễ đầu năm

author 18:05 18/02/2013

(VietQ.vn) - Đi lễ đầu xuân đã trở thành nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam. Ấy vậy mà đi lễ đầu xuân đối với nhiều người lại là một hành trình gian nan!

Dịch vụ giữ xe thi nhau “chặt chém”

Từ sáng mồng 1 Tết đến hôm nay, trong khi đường phố Hà Nội vắng tanh thì tại các chùa lại vô cùng đông đúc. Nhiệt độ ở Hà Nội khá ấm áp để người dân ra đường vui xuân.

Lối cổng vào chùa khá chật hẹp khiến hàng trăm người phải chen vai nhau để vào. Nhưng cũng vì sự đổ về quá lớn của dòng người đã khiến không ít chùa quá tải.

Trên con đường Đặng Thai Mai dẫn vào phủ Tây Hồ, đường Quán Sứ nơi có chùa Quán Sứ, đoạn Ngã Tư Sở nơi có chùa Phúc Khánh lúc nào cũng tấp nập. Khuôn viên hầu hết các chùa đều nhỏ nên không đủ chỗ để xe. Vì vậy nhiều hộ dân lân cận đã lấn chiếm cả vỉa hè và lòng đường làm chỗ gửi xe.

Nhiều người không thể chen được đành nhờ người bên trong đặt lễ, tiền hộ rồi đứng bên ngoài vái vọng. Chị Nguyễn Thu Hương, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ sau khi lấy được lễ ra thì đầu tóc cũng bù xù, quần áo xộc xệch "Phải mất hơn một tiếng đồng hồ tôi mới hoàn thành xong một việc mà ngày thường chỉ mất vài phút, ấy là đặt lễ và lấy lộc. Biết là đi chùa ngày Tết là gian nan, khổ ải lắm nhưng không đi thì không yên lòng".

Cũng vì suy nghĩ ấy mà không khí tại các chùa hầu hết đều trong tình trạng ngột ngạt, hơi người, khói hương mù mịt khiến không ít người choáng váng. Nhiều người sau khi lễ xong phải ra ngoài ngồi… thở một lúc rồi mới đứng dậy ra về được.

Ngày Tết cũng là mùa “chặt chém” của những dịch vụ ăn theo việc cúng lễ. Giá vé gửi xe máy nhảy vọt từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng, nhiều nơi là 10.000 – 15.000 đồng. Còn đối với ô tô, phí trông xe cũng ngất ngưởng sao cho "xứng tầm" với đẳng cấp xe bốn bánh. Mức giá dao động từ 50.000 - 150.000 đồng/xe.

Tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), bãi gửi xe không còn một chỗ trống. Phí gửi xe vào dịp này cũng tăng lên chóng mặt, thường từ 10.000 – 20.000 đồng/xe máy và 100.000 – 150.000 đồng/ô tô.

Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, bãi đỗ xe được tăng cường ra hết khuôn viên phía ngoài và tràn ra cả khu vực vỉa hè ở bên ngoài. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách gửi.

Các dịch vụ ăn uống, bày bán đồ lễ cũng tăng giá chóng mặt. Một bó hương giá khoảng 2.000 đồng được bán 5.000 đồng, hoa quả phục vụ lễ cũng tăng gấp đôi, gấp ba.

Các loại “lộc” như cành mía, bật lửa, muối, gạo đựng trong túi nhỏ cũng được bán với giá từ 10.000 – 20.000 đồng/chiếc. Chỉ có dịch vụ đổi tiền là đứng giá so với mọi năm, đổi 10.000 đồng, du khách được trả 7.000 đồng tiền lẻ.

Hầu hết tại các chùa, đền trên địa bàn Hà Nội đều xuất hiện rất nhiều hàng quán mở dịch vụ viết sớ, sắp lễ xuất hiện khắp nơi.

Các “cò” dẫn khách làm “dịch vụ trọn gói”, từ viết sớ, sắp lễ, cho đến khấn thuê... chào mời ngay từ bãi gửi xe. Dịch vụ viết sớ ban đầu được ‘quảng cáo’ với giá 5000 đồng/sớ nhưng khi làm thì người viết sớ tiện tay ‘ngoáy’ thêm hai lá sớ và bình thản thu 15.000 đồng.

Móc túi, ăn xin hoành hành

Mùa lễ hội cũng là mùa ăn xin. Trong số này, người nghèo thật, tàn tật thật thì ít mà kẻ cơ hội để trục lợi thì nhiều.

Lợi dụng tâm lý của những người đi lễ chùa đầu năm là từ tâm, hỉ sả, làm việc thiện để phúc để đức cho cả năm nên dù ‘thật’ hay ‘giả’ đều nhắm mắt cho tiền. Tại các cửa đền, chùa từ lớn đến nhỏ, đông khách hành hương hay ít thì đều có ăn xin chầu chực sẵn.

Đi lễ đầu năm, chen lấn đông đúc rất dễ gặp kẻ gian
Đi lễ đầu năm, chen lấn đông đúc rất dễ gặp kẻ gian

Đi lễ cầu may đầu năm, khi nhiều người chăm chú khấn vái hay cố nhoài để đặt đồ cúng lên ban thờ thì cũng là lúc kẻ gian đứng bên cạnh nhanh tay rạch túi, trộm cắp tài sản du khách.

Năm nào cũng vậy, từ mùng 1 Tết đến rằm, Phủ Tây Hồ trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 khách, đa phần là người Hà Nội.

Lượng người phải đến trình báo với Ban quản lý về việc bị mất cắp, rạch túi ở đây cũng khá nhiều. Ngoài việc tăng cường người theo dõi an ninh, Ban đã dán ảnh những "thợ hai ngón" thường lảng vảng ở đây và bị bắt quả tang để mọi người cảnh giác.

Thông tin cảnh báo về nạn trộm cắp liên lục được đọc trên loa phóng thanh. Năm nay, ban quản lý cũng lắp cả chục máy camera ở khắp nơi...

Một lãnh đạo công an phường Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết, trước Tết các lực lượng cảnh sát của phường, quận và thành phố đã bàn phương án đảm bảo an ninh trật tự tại Phủ, cử lực lượng ứng trực 24/24h.

Còn tại khu vực Chùa Hà, dịp đầu năm đi lễ, không ít người cũng khóc dở mếu dở vì “hai ngón”. Chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lợi dụng lúc mọi người tập trung khấn vái, kẻ gian thường nhanh tay rạch túi, móc ví.

Năm nay chị đã chứng kiến khá nhiều cô gái đi lễ cầu duyên, vậy mà vừa cúi xuống đã bị kẻ gian rạch túi lấy sạch ví, điện thoại di động, máy ảnh. Mọi người xung quanh có nhìn thấy cũng không dám lên tiếng vì sợ bị “trả thù”.

Huỳnh Hiểu Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang