Gian nan hành trình giải cứu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ

author 15:20 20/06/2019

(VietQ.vn) - “Làm ra một dự án đã khó, giải cứu dự án còn muôn vàn khó hơn”- câu nói hàm chứa đầy đủ những gian nan trong hành trình giải cứu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Nhà máy đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại 

Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có công suất thiết kế là 175 ngàn tấn xơ, sợi/năm, đáp ứng khoảng trên 25% nhu cầu nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao cho ngành Dệt may Việt Nam hiện nay. Dự án có tổng mức đầu tư được duyệt là 324 triệu USD, thời gian hoàn vốn dự kiến 8 năm 8 tháng, hoàn thành đầu tư xây dựng năm 2011. 

Thực tế, nhà máy hoàn thành vào tháng 6/2013. Trên cơ sở kết quả thực hiện Hợp đồng EPC và được chấp thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước, Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex) đã nhận bàn giao nhà máy để vận hành thương mại từ tháng 9/2013. Nhà máy sử dụng thiết bị công nghệ do các nhà bản quyền công nghệ hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực hóa dầu và xơ sợi cung cấp như Uhde Inventa Fisher (Thụy Sỹ), Neumag (Đức) và Barmag (Đức). Trong quá trình thực hiện, Chủ đầu tư đã thuê các tư vấn có năng lực và kinh nghiệm để giám sát quá trình thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử và chạy nghiệm thu Nhà máy. 

Năm 2017, Bộ KHCN đã chủ trì việc đánh giá nhà máy và báo cáo Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Ban Chỉ đạo), trong đó nêu rõ: công nghệ sản xuất nhựa polyester, xơ PSF và sợi Filament từ các nhà cung cấp bản quyền công nghệ hàng đầu trên thế giới; các thiết bị chính là thiết bị mới, hiện đại, được cung cấp từ các nhà bản quyền hàng đầu thế giới. Toàn bộ thiết bị được nhập từ 15 nước và vùng lãnh thổ bao gồm: Đức, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Nhật, Ý, Pháp, Mỹ, G7… 

Người lao động tại PVTex đang âm thầm kiên trì, nhẫn nhịn, chịu đựng, ngày đêm suy nghĩ tìm tòi các phương án tháo gỡ khó khăn để khôi phục lại hoàn toàn nhà máy

Mặc dù nhà máy được đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại với công suất lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn và có triển vọng, nhưng việc vận hành thương mại nhà máy đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, do vận hành thương mại vào đúng lúc chu kỳ đi xuống của thị trường bông, xơ, sợi và dầu khí; đặc biệt là thiếu sự hỗ trợ về cơ chế chính sách.

Bởi vậy, sau khi hoàn thành chạy thử, do thiếu vốn lưu động nên nhà máy dừng hơn 9 tháng (từ tháng 9/2013 tới tháng 6/2014), quá trình dừng máy dài ngày đã phát sinh các hỏng hóc của một số thiết bị, nhân lực lao động có kinh nghiệm bị thiếu hụt, uy tín thương hiệu trên thị trường gần như không còn. 

Giải cứu, khôi phục hoạt động của nhà máy.

Với những khó khăn, thách thức chồng chất, phương án khôi phục lại nhà máy phải được xây dựng tổng thể, lâu dài, toàn diện và đồng bộ. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1468/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương”. Tiếp đó, ngày 14/11/2017, Ban Chỉ đạo cũng đã có Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án.

PVTex đã nghiêm túc và quyết liệt thực hiện các công việc theo Đề án đã được phê duyệt. Với sự hỗ trợ từ các cổ đông, ngày 20/4/2018, PVTex đã vận hành lại 3/29 dây chuyền kéo sợi DTY, sau đó nâng dần số lượng dây chuyền vận hành lại lên mức tối đa có thể trên cơ sở cân đối nguồn lực của PVTex.

Ngày 27/4/2018, PVTex và Tổ hợp APH đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác sản xuất kinh doanh để các bên có cơ sở tiếp tục thương thảo, đàm phán, làm rõ các vấn đề liên quan đến hợp tác sản xuất và kinh doanh Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Đến tháng 11/2018, để làm tiền đề và từng bước hiện thực hóa việc khôi phục Nhà máy cũng như lộ trình hợp tác, tận dụng cơ sở vật chất hiện có của Nhà máy, phát triển thị trường, PVTex đã ký kết hợp đồng gia công sợi DTY với đối tác APH/AST, có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

Hiện PVTex đang tiếp tục thực hiện đàm phán với đối tác về nội dung hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh. Có thể nói việc lựa chọn Tổ hợp APH làm đối tác hợp tác vận hành toàn bộ Nhà máy đã được PVTex thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật, kết quả thực hiện được báo cáo kịp thời, minh bạch đến Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng liên quan. PVTex cũng thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu cũng như báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai để có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó mà PVTex đã có những biến chuyển tích cực.

Đánh giá về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, trong tháng 4/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: “Một kết quả nổi bật là xử lý xong tranh chấp pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC của Dự án nhà máy sơ sợi Đình Vũ bằng phương pháp hòa giải nhờ nỗ lực rất lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)”.

Còn trong buổi làm việc với PVN và PVTex, Lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, những nỗ lực hiện tại đánh dấu một phần sự hồi sinh của nhà máy và là thành công trong sự quyết liệt tái cơ cấu nhà máy. Việc xử lý các vấn đề tồn tại ở PVTex là trăn trở trong nhiều năm qua, nay đã được đi đúng hướng và phát triển đúng hướng.

 
PVTex đã thực hiện xong hơn nửa nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo, các nhiệm vụ còn lại đang được rốt ráo thực hiện để sớm hoàn thành. Cụ thể các công việc chính đã đạt được gồm: Hoàn thành việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC dù kéo dài và phức tạp. Khởi động lại một phần Nhà máy, sản xuất và gia công sợi DTY. Triển khai gia công sợi DTY. Quyết toán vốn đầu tư dự án.
 

Cho đến nay, toàn bộ công việc triển khai giải cứu Nhà máy đã được triển khai đúng phương án được phê duyệt, đúng theo quy định cùng với nhiều giải pháp sáng tạo, đem lại kết quả thiết thực. Quá trình sản xuất, kinh doanh của PVTex bảo toàn được vốn, người lao động có công ăn việc làm và dần lấy lại niềm tin của các khách hàng, đối tác. Việc cập nhật xây dựng kế hoạch dài hạn – 5 năm song song với đàm phán hợp đồng vận hành đang được triển khai tích cực.

Mặc dầu vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan để tiếp tục giải cứu dự án như đã đề cập ngay từ đầu “Làm ra một dự án đã gian nan, Giải cứu một dự án còn muôn vàn khó hơn”, các diễn biến bất lợi của thị trường, các khó khăn về nguồn nhân lực, khó khăn về vốn, khó khăn về cơ chế chính sách…vẫn luôn hiện hữu mà đội ngũ những người được phân công giải cứu cùng với người lao động tại PVTex đang phải âm thầm kiên trì, ngày đêm suy nghĩ tìm tòi các phương án tháo gỡ. Và còn một khó khăn lớn hơn nữa ở đây chính là niềm tin- niềm tin của thị trường, của đối tác, của người lao động, mà điều này rất cần sự chia sẻ, động viên và hiểu đúng của toàn thể xã hội, điều đó sẽ tạo động lực lớn lao cho công cuộc giải cứu đi đến thành công!

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang