Tăng tuổi nghỉ hưu với khoảng 600 nữ lãnh đạo

author 09:47 03/12/2013

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với quy định này, dự thảo nghị định chỉ điều chỉnh với 600 nữ cán bộ quản lý đủ điều kiện.

Ngày 2.12, Chính phủ nghe báo cáo của Bộ LĐTBXH về dự thảo nghị định quy định chi tiết về tuổi nghỉ hưu cao hơn, chỉ áp dụng với 2 đối tượng gồm cán bộ khoa học trong một số ngành y tế đặc thù và cán bộ quản lý nữ từ cấp vụ trưởng, giám đốc sở trở lên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với quy định này, dự thảo nghị định chỉ điều chỉnh với 600 nữ cán bộ quản lý đủ điều kiện. Tỉ lệ cán bộ nữ: Một tiêu chí bình đẳng giới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, hiện Chính phủ chỉ có 2 nữ bộ trưởng và con số nữ thứ trưởng hiện là 13 người – chiếm 10% trong tổng số 130 thứ trưởng trên toàn quốc. Đây là tỉ lệ khá khiêm tốn các nữ lãnh đạo trong nội các. Theo Thủ tướng, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu áp dụng với cấp quản lý nên kết hợp hai luật: Luật Lao động và Luật Bình đẳng giới.

tuoi huu.vietq.vn.jpgĐối với người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, Dự thảo nghị định lần này chỉ nới thêm tuổi nghỉ hưu với đối tượng thuộc ngành y tế. Ảnh: PGS-TS Bạch Khánh Hoà - trưởng khoa Huyết học, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư - đang hướng dẫn sinh viên

“Thế giới coi một tiêu chí về bình đẳng giới là tỉ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý. Trước đây, Chính phủ đã đề nghị Bộ Chính trị chấp nhận một bước là nâng tuổi  hưu với các thứ trưởng nữ lên 60, còn ở cấp tỉnh chỉ có phó chủ tịch của 2 thành phố lớn. Dự thảo nghị định lần này sẽ mở rộng thêm một đối tượng áp dụng ở cấp nữ vụ trưởng và nữ giám đốc sở ở địa phương” – Thủ tướng cho hay.
Theo đề xuất của Bộ trưởng LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền, Thủ tướng đồng ý bỏ tiêu chí “phải được cơ quan, đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu” trong dự thảo khi xét việc nâng tuổi hưu cao hơn, để có thể áp dụng thống nhất cho tất cả các cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn. “Còn với những cán bộ nữ tự nguyện không muốn kéo dài tuổi hưu thì sẽ được nghỉ đúng theo quy chế” – Thủ tướng chỉ đạo. Về quy định tuổi nghỉ hưu cao đối với người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, dự thảo nghị định lần này chỉ mở thêm với đối tượng thuộc ngành y tế (những người có trình độ từ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, dược sĩ chuyên khoa 1 trở lên đối với các chuyên ngành phong, lao, tâm thần...). Các đối tượng áp dụng được kéo dài tuổi hưu, nhưng không quá 60 đối với nữ, và 65 với nam.
 
Bộ Xây dựng có… 2 người đủ điều kiện Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc dự thảo quy định chỉ áp dụng với các cán bộ nữ là đúng đắn, vì nếu mở rộng với cả nam giới sẽ rất phức tạp bởi đây là vấn đề đụng chạm lớn đến xã hội. 
 
Nhận định về dự thảo nghị định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đồng tình kéo dài tuổi nghỉ hưu với đối tượng nữ để tăng thời gian làm việc. “Hiện điều kiện kinh tế, vật chất tăng mà chị em về hưu ở tuổi 55 là rất sớm, trong lúc lại ở phong độ và kinh nghiệm tốt nhất” – ông nói. Theo Bộ trưởng Dũng, nếu nghị định này áp dụng cả với các cán bộ nam thì... đông quá. Song nếu là với cán bộ nữ thì hợp lý, vì tỉ lệ lãnh đạo nữ tại VN dù so với nhiều nước là khá, song so với thực tế và nhu cầu vẫn còn thấp. Cả Bộ Xây dựng cũng chỉ có 2 người đủ điều kiện được áp dụng dự thảo nghị định này, gồm một người là thứ trưởng và một người là chủ tịch Cty tư vấn. Nên xét từng năm, thay vì “cả gói 5 năm”
 
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết, về cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ LĐTBXH. Tuy nhiên, ông cho rằng quy định về nâng tuổi hưu ở bộ phận chuyên môn kỹ thuật chưa được thể hiện rõ bằng Nghị định 71, theo đó quy định 3 điều kiện: Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, phải thôi cương vị quản lý; cần xét điều kiện sức khỏe; các cơ quan có thể xét từng năm một (có thể từ 1 đến 5 năm) về nhu cầu kéo dài tuổi hưu. Ông Mai Đức Chính cho rằng, dự thảo chọn kéo dài tuổi hưu theo “cả gói 5 năm” là chưa hợp lý, trong khi điều kiện của mỗi cơ quan có thể chỉ cần thêm các cán bộ này từ 1-2 năm thôi. Bên cạnh đó, điều kiện cán bộ kéo dài tuổi hưu “phải có sức khỏe” là hết sức cần thiết, “chứ nhiều khi các cán bộ ốm đau, bệnh tật mà vẫn cứ giữ cương vị đó thì không nên” - ông nhận xét.
Ý kiến của ông Chính đã nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân: “Phải căn cứ vào nhu cầu của từng cơ quan đơn vị để xét từ 1 đến 5 năm”.

Ông Mai Đức Chính cho rằng, hiện Nghị định 71 chỉ nâng tuổi hưu cho các tiến sĩ khoa học, trong lúc dự thảo mở đến tiến sĩ. Đây là cả một vấn đề vì theo một thống kê, Việt Nam có “vài chục nghìn tiến sĩ”, trong lúc số tiến sĩ khoa học không nhiều.     

Theo Lao Động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang