GLTT: Quản lý đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn

author 09:18 25/08/2015

(VietQ.vn) - Vào lúc 9 h sáng nay 25/8/2015, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam và Văn phòng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức giao lưu trực tuyến “Quản lý đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn".

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

Thông tư 21/2014/TT-BKHCN Quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn do Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 30/8/2014. Đây được coi là bước tiến mới nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng trong hoạt động giao thương. 

Thông tư 21/2014/TT-BKHCN có quy định về Dấu định lượng - một nội dung hoàn toàn mới chưa có trong quy định trước đây về quản lý hàng đóng gói sẵn. Đây được xem là xu hướng quản lý mới giúp các cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền kiểm tra được lượng của hàng đóng gói sẵn của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán hàng đóng gói sẵn, góp phần vào việc đảm bảo công bằng trong mua bán, thanh toán.

Giao lưu trực tuyến: Quản lý đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn

Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc Giao lưu trực tuyến

Nằm trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền thường xuyên, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) phối hợp với Văn phòng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có kế hoạch tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Quản lý đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn", vào lúc 9h sáng nay 25/8/2015, nhằm giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp, người tiêu dùng về những quy định mới trong Thông tư 21. Đồng thời đẩy mạnh nâng cao nhận thức, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, lưu thông buôn bán hàng đóng gói sẵn tuân thủ các quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn tại Thông tư này.

Chương trình dự kiến có sự tham gia:

- Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ KH&CN

- Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- Đại diện các doanh nghiệp

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến “Quản lý đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến “Quản lý đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn"

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

- Theo tôi được biết các dấu định lượng của các quốc gia trên thế giới đều áp dụng theo nguyên tắc doanh nghiệp hoàn toàn tự nguyện nhưng Việt Nam là bắt buộc đối với hàng hóa nhóm 1. Vậy khi áp dụng thì phía Tổng cục có xem xét kết quả áp dụng của các quốc gia khác là họ có cải thiện gì trong việc bảo đảm khối lượng hàng hóa trước và sau khi áp dụng dấu định lượng không, cải thiện bao nhiêu % hay đây chỉ đơn giản là thêm 1 thủ tục nữa cho phía doanh nghiệp? ( vuquoctuan - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Việc áp dụng dấu định lượng trên nhãn HĐGS nhóm 1 tại nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay đều áp dụng cơ chế tự nguyện. Thông tư 21 có hiệu lực được 1 năm, hiệu quả của cơ chế tự nguyện áp dụng dấu định lượng trên nhãn HĐGS tại Việt Nam đang được tổng kết đánh giá. Tuy nhiên, ngay từ khi xây dựng trình ban hành thông tư 21, mục tiêu của quy định về dấu định lượng là để đảm bảo công bằng trong mua bán thanh toán, đảm bảo văn minh thương mại và hài hòa với thông lệ quốc tế. Vì vậy, Tổng cục hy vọng rằng các doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu HĐGS sẽ nhận thức được hiệu quả của quy định này.

- Thông tư yêu cầu bắt buộc phải có dấu định lượng “V” thể hiện trên bao bì, vậy những sản phẩm chưa có dấu “V” trước khi Thông tư có hiệu lực thì có được phép lưu thông không thưa ông? ( Lưu Quốc An - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Dấu định lượng là ký hiệu được sử dụng để thể hiện lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư 21. Hiện nay, dấu định lượng “V” được thực hiện theo cơ chế tự nguyện đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 1 nhằm giới thiệu phương thức quản lý mới cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông buôn bán hàng đóng gói sẵn biết và tự nguyện áp dụng. Vì vậy, tất cả các loại hàng đóng gói sẵn nhóm 1 được tiếp tục lưu thông bình thường.

- Vì sao thông tư 21 lại quy định phải in dấu định lượng lên bao bì trong khi dấu này theo quy định của châu Âu hoặc Trung Quốc là hoàn toàn tự nguyện về phía doanh nghiệp. Phía Trung Quốc in dấu này lên bao bì thì có cải thiện gì về khối lượng hàng hóa không? ( vuquoctuan - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Thông tư 21 quy định có 2 loại HĐGS:

HĐGS nhóm 2 phải mang dấu định lượng theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay danh mục HDDGS nhóm 2 quy định cụ thể. Vì vậy, cơ chế bắt buộc mang dấu định lượng trên nhãn HĐGS nhóm 2 chưa được áp dụng. 

HĐGS nhóm 1 được doanh nghiệp tự nguyện công bố áp dụng dấu định lượng trên nhãn hàng hóa. Cơ chế áp dụng là hoàn toàn tự nguyện.

Chúng tôi chưa có đầy đủ thông tin về hiệu quả của việc áp dụng dấu định lượng trên nhãn HĐGS tại Trung Quốc. 

Các khách mời trong chương trình giao lưu trực tuyến “Quản lý đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn

Ban tổ chức Tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến “Quản lý đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn"

- Xin hỏi bà Hương, có thông tin cho rằng, sản phẩm sữa đóng hộp ghi trọng lượng một đằng nhưng khi người tiêu dùng mua về lại có trọng lượng sữa một kiểu, có phải đó là cách ăn gian của doanh nghiệp sữa không thưa bà. Với góc độ chuyên môn, bà Hương có lời khuyên gì cho người tiêu dùng? ( Nguyễn Đức Hoài - [email protected] )

Đỗ Thị Khánh Hương- Giám đốc Pháp chế Công ty Sữa Dumex:

Việc đóng gói sản phẩm sữa cũng giống như các sản phẩm khác đều phải tuân theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình hàng hóa được lưu thông trên thị trường, các doanh nghiệp phải tự đảm bảo chính xác trọng lượng tịnh của sản phẩm. Cơ quan chức năng vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra các hàng hóa đang lưu thông ở trên thị trường, nếu phát hiện có sai phạm trong việc đóng gói các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt rất nặng.

Người tiêu dùng có thể kiểm tra các thông tin trọng lượng tịnh của sản phẩm được ghi ở trên nhãn. Nếu người tiêu dùng thấy có dấu hiệu bất thường nào về trọng lượng của sản phẩm thì hãy phản ánh ngay với cơ quan chức năng như quản lý thị trường, hội bảo vệ người tiêu dùng, báo chí,…

- Thưa ông, một chai nước ngọt ghi định lượng 350ml, nhưng bị đóng vơi không đủ như ghi trên nhãn, nhà sản xuất có vi phạm gì không và người tiêu dùng có quyền khiếu nại không? ( Thúy Bình - [email protected] )

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ:

Thứ nhất, trường hợp này là lượng thiếu vượt mức giới hạn cho phép là hành vi vi phạm và phải bị xử lý theo quy định của Nghị định 80/2013/NĐ-CP.

Thứ hai, người tiêu dùng có quyền khiếu nại theo quy định của Luật về người tiêu dùng cũng như của Luật Đo lường. 

- Thông tư 21 có nêu quy định về dấu định lượng V, tuy nhiên dấu này chưa được áp dụng tại Việt Nam, vì sao thưa ông? ( Ninh Hà - [email protected] )

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ:

Đây cũng là một quy định mới của Luật Đo lường. Để đảm bảo quản lý được định lượng thì có Thông tư 21 đã quy định cụ thể về dấu định lượng V. Tuy nhiên, Thông tư 21 chỉ quy định việc gắn dấu định lượng đối với danh mục HĐGS nhóm 2. Hiện nay, danh mục này chưa được ban hành, Bộ KH&CN cũng đang cân nhắc nhóm hàng hóa nào sẽ được đưa vào danh mục HĐGS nhóm 2 và phù hợp với các thông lệ quốc tế. 

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ

Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng trả lời câu hỏi phỏng vấn của PV Chất lượng Việt Nam

- Xin ông cho biết, trên thị trường có rất nhiều Hàng đóng gói sẵn, vậy tại sao chỉ có một số mặt hàng bị kiểm tra? ( Mạnh Ninh - [email protected] )

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ:

Như chúng ta đã biết, nền văn minh thương mại càng phát triển thì các mặt hàng HĐGS cũng sẽ phát triển theo. Tuy nhiên với 16 nhóm mặt hàng đã nêu trên, thì hầu như đã bao quát những mặt hàng đóng gói sẵn về định lượng được lưu thông trên thị trường. Theo tôi, cơ quan quản lý Nhà nước đã thay mặt người tiêu dùng kiểm soát được hầu hết các nhóm hàng hóa được đóng gói sẵn về định lượng trên thị trường. 

- Trong Biểm b Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 21/2014/TT-BKHCN quy định HĐGS phải điền đầy đủ thể tích của bao bì, ông có thể nói rõ hơn về quy định này? ( Hoàng Thùy Anh - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư 21/2014/TT-BKHCN quy định HĐGS phải điền đấy thể tích bao bì để ngăn ngừa việc đóng gói hàng hóa với thể tích bao bì quá lớn để đánh lừa người tiêu dùng (ví dụ: Doanh nghiệp sử dụng bao bì chứa 200 g mì ăn liền để đóng gói 85g HĐGS này). Tuy nhiên, cũng tại điểm này có nhiều quy định loại trừ để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh HĐGS của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

“b) HĐGS phải điền đầy thể tích của bao bì trừ trường hợp phải có sự khác biệt giữa thể tích của bao bì với thể tích của HĐGS chứa trong bao bì đó do một hoặc các nguyên nhân sau đây:

- Để bảo vệ hàng đóng gói sẵn;

- Do yêu cầu vận hành của thiết bị được dùng để bao gói hàng đóng gói sẵn;

- Do yêu cầu của việc vận chuyển hàng đóng gói sẵn;

- Do bản chất của HĐGS (bao HĐGS dạng bình xịt, có chứa khí nén...)”.

Quy định này là tương tự như tại văn bản quy phạm pháp luật của các nước khác.

 

- Thưa ông, doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về Hàng đóng gói sẵn thì bị xử lý như thế nào, mức xử phạt hành chính là bao nhiêu tiền? ( Hoàng Hà - [email protected] )

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ:

Theo quy định của Nghị định 80/2013/NĐ-CP, hành vi vi phạm về HĐGS được xử lý tùy theo quy mô vi phạm. Ví dụ: nếu vi phạm mà khoản thu lời bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp mà lớn thì sẽ bị mức xử phạt lớn; nếu hành vi vi phạm vượt quá 200 triệu đồng thì có thể bị xử phạt từ 1 đến 2 lần giá trị thu lợi bất hợp pháp; nếu giá trị thu lợi bất hợp pháp trên 500 triệu đồng thì có thể bị xử phạt từ 4 đến 5 lần giá trị thu lợi bất hợp pháp.

Như vậy, khi hành vi vi phạm càng lớn thì doanh nghiệp sẽ bị mức xử phạt càng cao và mức phạt như vậy đã đảm bảo tính răn đe và đánh vào đúng động cơ vì lợi nhuận mà doanh nghiệp vi phạm. 

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường trong chương trình Giao lưu trực tuyến

- Xin hỏi hãng sữa, sữa nhập khẩu vì sao giá quá cao, trong khi thành phần ghi trên nhãn không khác nhiều so với nhiều sản phẩm sản xuất trong nước, đề nghị lý giải điều này? ( Nguyễn Minh Yến - [email protected] )

Đỗ Thị Khánh Hương- Giám đốc Pháp chế Công ty Sữa Dumex:

Mỗi một sản phẩm sữa thường có công thức khác nhau và hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Mỗi một công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp sữa nước ngoài phải trả chi phí sản xuất cao hơn, đầu tư nhiều hơn để nghiên cứu các công thức, sản phẩm mới phù hợp. Đây cũng là một nguyên nhân khiến giá sữa ngoại cao hơn sữa trong nước. Ngoài ra, do thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ,… cũng làm đội giá sữa lên cao hơn.

- Quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều 4 Thông tư 21 về ghi lượng HĐGS chứa hai hay nhiều bao, gói với đơn vị đo khác nhau (Ví dụ: Một (01) bao HĐGS chứa: một (01) chiếc bàn chải và một (01) hộp kem đánh răng có khối lượng 100 g). Cách ghi như vậy quá dài không đủ chỗ để thiết kế nhãn sản phẩm. Vậy doanh nghiệp sẽ phải thực hiện như thế nào? ( Lê Hoàng Vân - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

- Điểm k Khoản 1 Diều 4 của Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN quy định như sau:

“k) Khi một (01) đơn vị hàng đóng gói sẵn chứa hai (02) hay nhiều bao, gói hàng đóng gói sẵn không cùng loại, phải ghi tên, số lượng bao hoặc gói và lượng danh định của từng loại hàng đóng gói riêng lẻ.

Ví dụ: Một (01) túi xi đánh giày chứa: hai (02) hộp xi đen, mỗi hộp có khối lượng 15 g; một (01) hộp xi nâu có khối lượng 25 g; một (01) hộp xi trắng có khối lượng 15 g, ghi lượng danh định của túi xi đánh giày nêu trên như sau:

Xi đen: 2 hộp ×15 g; xi nâu: 1 hộp × 25 g; xi trắng: 1 hộp × 15 g.

Tổng số: 4 hộp (70 g).”

Vì vậy, đối với trường hợp cụ thể như ví dụ trong kiến nghị nêu trên, ghi lượng dang định của HĐGS như sau:

Kem đánh răng: 1 hộp ×100 g;  bàn chải đánh răng: 1 chiếc.

Chúng tôi xin ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp, tuy nhiên ghi lượng danh định tổng số và lượng danh định cho từng loại HĐGS chứa trong cùng 01 bao hàng phải tuân thủ theo quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN và Điều 15 Nghị định 89/2006/NĐ-CP.

- Tôi đang nuôi con nhỏ, cháu tăng cận chậm, tôi đi mua sữa nhiều người nói rằng mua sữa cao đạm, cháu sẽ tăng cân nhanh, nhưng nhiều bác sỹ lại khuyên uống sữa cao đạm, trẻ dễ béo phì, lại không tốt cho sức khỏe, nhưng trên bao bì sản phẩm thì sản phẩm nào cũng ghi rất nhiều đạm, xin tư vấn của nhà sản xuất? ( hải bình lê - [email protected] )

Đỗ Thị Khánh Hương- Giám đốc Pháp chế Công ty Sữa Dumex:

Đỗ Thị Khánh Hương- Giám đốc Pháp chế Công ty Sữa Dumex

Hàm lượng đạm đối với trẻ nhỏ có các quy chuẩn và tiêu chuẩn của Việt Nam, hàm lượng đạm được bổ sung vào trong các loại sản phẩm dinh dưỡng công thức hoặc sản phẩm thực phẩm bổ sung đều phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn này, do đó sẽ không có loại sữa cao đạm. Người tiêu dùng nên kiểm tra thông tin ghi trên nhãn sản phẩm trước khi mua.

- Xin ông cho biết những lỗi doanh nghiệp thường vi phạm với Hàng đóng gói sẵn là gì? ( Đức Thái - [email protected] )

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ:

Như đã đề cập ở câu hỏi trên, hành vi vi phạm thì vẫn tập trung vào các vấn đề:

- Giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép đối với HĐGS chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 34% số hành vi vi phạm);

- Số đơn vị HĐGS không phù hợp, vượt quá giá trị cho phép (chiếm khoảng 24% số hành vi vi phạm);

- Không ghi lượng HĐSG hoặc ghi không đúng đơn vị đo pháp định (chiếm khoảng 10% số hành vi vi phạm);

- Ghi nhãn hàng hóa (chiếm 19% số hành vi vi phạm) và một số hành vi vi phạm khác. 

- Công tác thanh kiểm tra mặt Hàng đóng gói sẵn trong thời gian qua được Bộ KH&CN triển khai có kết quả như thế nào? Những doanh nghiệp vi phạm có bị công khai trên báo chí hay không? ( Đinh Mạnh - [email protected] )

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ:

Thứ nhất, sau khi Thông tư 21 có hiệu lực, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các Sở KH&CN các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình quản lý trên địa bàn của tỉnh triển khai những hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư 21 đối với HĐGS. Tuy nhiên, để triển khai cuộc Thanh tra tổng thể diện rộng trên toàn quốc, theo chỉ đạo của Công văn 908/BKHCN-TTra ngày 30/3/2015, mới bắt đầu từ tháng 7 năm 2015, tuy chưa nhận đầy đủ kết quả của tháng đầu tiên thực hiện tại 63 tỉnh thành, nhưng với kết quả ban đầu của 27 tỉnh thành đã có báo cáo, tỷ lệ vi phạm chiếm khoảng 20%.

Thứ hai, chúng tôi luôn chỉ đạo các đoàn Thanh tra của các Sở KH&CN từng địa phương luôn công khai kết quả xử lý đảm bảo tính minh bạch, tính giáo dục và tính răn đe. 

- Xin cho biết Kem (thực phẩm) đóng gói sẵn thuộc hàng đông lạnh hay thuộc loại hàng khác? Định nghĩa về HĐGS dạng sệt? ( Lê Tuấn Anh - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Thông thường, Kem (thực phẩm) đóng gói sẵn thuộc loại HĐGS dạng rắn (không thuộc hàng đông lạnh hay thuộc loại hàng khác). Lượng kem được thể hiện theo đơn vị khối lượng.

Hiện nay quốc tế không có định nghĩa cụ thể về HĐGS dạng sệt. Một số loại HĐGS (như: sơn, dầu gội đầu, kem đánh răng) thuộc dạng sệt thường được ghi định lượng theo khối lượng.

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa

- Quy định về phương pháp lấy mẫu để kiểm tra HĐGS được thực hiện như thế nào? Doanh nghiệp có được chứng kiến hay không? ( Thanh Uyên - [email protected] )

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

Việc lấy mẫu để kiểm tra hàng đóng gói sẵn phụ thuộc vào cỡ lô (N), cỡ mẫu (n) tại nơi sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, để xác định lượng thiếu cho phép (T) và giá trị thiếu trung bình,  được quy định tại điều 5  và các  phụ lục  III, IV của thông tư số 21/2014/TT-BKHCN, mẫu được lấy ngẫu nhiên và có sự chứng kiến của doanh nghiệp được lấy mẫu.

- Để Thông tư 21 thực sự mang lại hiệu quả đối với cộng đồng, theo ông cần có những giải pháp đồng bộ nào? ( Vũ Ngọc Tiến - [email protected] )

Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Tôi cho rằng, để Thông tư 21 về đo lường thực sự có hiệu quả đối với cộng đồng, một số các giải pháp chính cần triển khai như: Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, lưu thông buôn bán hàng đóng gói sẵn tuân thủ các quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn tại Thông tư 21; Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân viên kỹ thuật của cơ sở nhằm tự thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn; Chi cục TCĐLCL các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, con người theo yêu cầu và điều kiện của Thông tư 21, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận công bố sử dụng dấu định lượng và chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát về đo lường hàng hóa tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, lưu thông các sản phẩm hàng hóa đóng gói sẵn để phát hiện các hành vi không thực hiện đúng quy định về đo lường định lượng, từ đó có các biện pháp và chế tài xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

- Thông tư 21/2014/TT-BKHCN Quy định về đo lường đối với lượng của Hàng đóng gói sẵn đã có hiệu lực 1 năm, ông đánh giá như thế nào việc chấp hành các quy định của doanh nghiệp? ( Thúy Hà - [email protected] )

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ:

Qua kết quả ban đầu 1 tháng thực hiện cuộc Thanh tra trên diện rộng của 27 tỉnh thành đã có số liệu báo cáo về Thanh tra Bộ, có thể đánh giá khái quát như sau:

- Tỷ lệ vi phạm còn lớn (110 cơ sở vi phạm /526 cơ sở được thanh tra - chiếm khoảng 20%).

- Hành vi vi phạm thì vẫn tập trung vào các vấn đề: Giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép đối với HĐGS chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 34% số hành vi vi phạm); Số đơn vị HĐGS không phù hợp, vượt quá giá trị cho phép (chiếm khoảng 24% số hành vi vi phạm); Không ghi lượng HĐSG hoặc ghi không đúng đơn vị đo pháp định (chiếm khoảng 10% số hành vi vi phạm); Ghi nhãn hàng hóa (chiếm 19% số hành vi vi phạm).

- Hiện nay, quy định chiều cao chữ và số thể hiện lượng danh định của HĐGS trên nhãn hàng hóa tại Thông tư số 21 không thống nhất với quy định tương tự tại Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27/10/2014 hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn. Đề nghị ông cho biết Bộ khoa học và Công nghệ đã giải quyết việc này như thế nào? ( Nguyễn Hà Anh - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/8/2014 được xây dựng hoàn toàn phù hợp với các Khuyến nghị của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML) như OIML R79 “Labelling requirements for prepackages” năm 2004 về ghi nhãn HĐGS và OIML R 87 “Quantity of product in prepackages” năm 2004 về lượng của hàng đóng gói sẵn. Các nước trên thế giới đều áp dụng các Khuyến nghị này để xây dựng, ban hành quy định về lượng của HĐGS của họ để bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế và với quy định của các nước khác. Trong đó có quy định  kích thước tối thiểu của chữ và số thể hiện lượng của HĐGS cho phép nhỏ nhất là 2 mm. Riêng EU có Directive về ghi nhãn thực phẩm có quy định về kích thước chữ và số nhỏ hơn (cụ thể là 1.2mm). Có sự không thông nhất như nêu trong câu hỏi là do Thông tư liên tịch 34 lấy theo quy định của EU Directive này.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn kiến nghị gửi Liên Bộ BYT-BNNPTNT-BCT xem xét, xử lý vấn đề này.

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ

- Việc ghi nhãn hàng hóa đối với HĐGS phải thực hiện như thế nào, đối với hàng thủ công như bánh kẹo gia truyền có phải thực hiện quy định về ghi nhãn và đo lường hay không? ( Hòa An - [email protected] )

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

1.Việc ghi nhãn hàng hóa đối với HĐGD phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP và các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định cụ thể các Nội dung ghi nhãn bắt buộc; Cách thức ghi nhãn; Ghi nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu….

Bên cạnh đó một số loại hàng hóa có văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành thì phải ghi nhãn theo cả văn bản chuyên ngành đó. Ví dụ như thực phẩm có Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27/10/2014 hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn…. Đối với đo lường của HĐGS  theo quy định tại  khoản 1 điều 4 Thông tư 21/2014/TT-BKHCN  ngày  15/7/2015 của Bộ KH&CN quy định về đo lường đối với lượng của hàng ĐGS

2. Hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đều phải ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP. Trừ trường hợp: a) Hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; b) Hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng.

Như vậy đối với bánh kẹo gia công gia truyền đóng gói sẵn lưu thông trên thị trường vẫn phải thực hiện việc ghi nhãn và đo lường theo quy định.

- Thông tư 21/2013/TT-BKHCN ra đời nhằm mục đích gì thưa ông? ( Thành Long - [email protected] )

Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Trong hoạt động thương mại từ trước đến nay, các loại hàng hóa đóng gói sẵn dù phần lớn có ghi chỉ tiêu khối lượng, định lượng trên nhãn bao bì, tuy nhiên trong một số trường hợp vì mục đích lợi nhuận hay nhập nhằng về lượng hàng hóa mà doanh nghiệp cố tình ghi sai định lượng để đánh lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, hoạt động ghi nhãn, ghi định lượng trên bao bì cũng không theo một chuẩn mực quy định, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát và khó hiểu cho người tiêu dùng.  Thông tư 21 ra đời nhằm 2 mục đích chính:

Thứ nhất, việc quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn sẽ góp phần bảo đảm công bằng lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do việc định lượng không có sự chứng kiến của bên mua nên cần phải quy định cụ thể yêu cầu kỹ thuật, đo lường đối lượng của hàng đóng gói sẵn để doanh nghiệp tự kiểm soát và đưa ra thị trường, tạo thuận lợi và căn cứ pháp lý cho quá trình kiểm tra, giám sát của người tiêu dùng, của các cơ quan thanh tra, kiểm tra đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.

Thứ hai, đảm bảo hài hoà quy định pháp lý, kỹ thuật về lượng của hàng đóng gói sẵn giữa Việt Nam và các nước, các khu vực khác nhằm tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập thương mại và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, hoạt động đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo sự chủ động trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận khách hàng và nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

- Pháp luật đo lường hiện nay quy định xử lý đối với vi phạm quy định về HĐGS như thế nào? ( Lê Văn Chinh - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đo lường đối với lượng của HĐGS thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính (theo quy định của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Nghị định 80/2013/NĐ-CP) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Hiện nay có rất nhiều sản phẩm sữa bột, mỗi loại ghi nhãn một kiểu, mỗi hãng lại có một bao bì, nhãn mác khác nhau, để người tiêu dùng chọn và dùng đúng sữa cho trẻ nhỏ, bà có lời khuyên nào không? ( Trần Đức Đoàn - [email protected] )

Đỗ Thị Khánh Hương- Giám đốc Pháp chế Công ty Sữa Dumex:

Người tiêu dùng nên kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trước khi mua. Việc ghi nhãn các sản phẩm đều phải theo quy định của pháp luật. 

- Cơ sở của tôi sản xuất mỳ ăn liền đóng gói sẵn, nước giải khát đóng chai. Xin hỏi mặt hàng này có phải đáp ứng quy định tại Thông tư 21/2014TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ? Trách nhiệm của cơ sở như thế nào? Hiện nay, cơ sở còn tồn nhiều bao bì, hàng hóa chưa phù hợp quy định này, đề nghị cơ quan nhà nước gia hạn sử dụng để tránh lãng phí cho doanh nghiệp? ( Nguyễn Văn Linh - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Mỳ ăn liền đóng gói sẵn và nước giải khát đóng chai đều thuộc HĐGS nhóm 1. Vì vậy, loại HĐGS này phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với lượng của HĐGS quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư 21. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán loại hàng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình được quy định tại Điều 25 của Thông tư 21.

Về kiến nghị của một số doanh nghiệp, Bộ KH&CN có ý kiến như sau:  HĐGS đã sản xuất, nhập khẩu trước ngày 30/8/2014 được tiếp tục lưu thông trên thị trường nhưng không quá hạn sử dụng của HĐGS này.

Đối với số lượng bao bì đã sản xuất trước ngày Thông tư 21/2014TT-BKHCN có hiệu lực (ngày 30/8/2014),  Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng số lượng bao bì đã sản xuất trước ngày Thông tư 21/2014TT-BKHCN có hiệu lực (ngày 30/8/2014) để đóng gói HĐGS nhưng không quá ngày 31/12/2015.

Năm 2015, Thanh tra KHCN đẩy mạnh thanh tra chuyên đề hàng đóng gói sẵn trên thị trường

Năm 2015, Thanh tra KHCN đẩy mạnh thanh tra chuyên đề hàng đóng gói sẵn trên thị trường

- Hàng hóa của chúng tôi nhập khẩu về và nằm trở trong kho, chưa đưa ra lưu thông trên thị trường thì có bị kiểm tra nhà nước về đo lường hay không? ( Trịnh Quốc Dũng - [email protected] )

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

Theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT- BKHCN quy định hàng hóa lưu thông trên thị trường . “Hàng hoá lưu thông trên thị trường bao gồm: hàng hóa trong quá trình vận chuyển, trưng bày, khuyến mại và lưu giữ trong quá trình mua bán hàng hóa, trừ trường hợp vận chuyển hàng hóa của tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hóa từ cửa khẩu về kho lưu giữ.” Như vậy, nếu hàng hóa nhập khẩu về và nằm ở trong kho, chưa đưa ra lưu thông trên thị trường  thì chưa  bị  kiểm tra nhà  nước  về đo lường .  hàng hóa này trong quá trình vận chuyển, trưng bày, khuyến mại và lưu giữ trong quá trình mua bán hàng hóa, thì vẫn bị kiểm tra nhà nước về đo lường .

- Thưa ông, các nhóm Hàng đóng gói sẵn thuộc diện thanh tra năm 2015 bao gồm những mặt hàng gì? Các sản phẩm nông sản đóng gói có nằm trong diện kiểm tra hay không? Nội dung của các đợt kiểm tra này doanh nghiệp có được biết trước hay không? ( Minh Hằng - [email protected] )

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ:

Thứ nhất, cuộc Thanh tra này tập trung vào 16 nhóm hàng hóa được quy định theo Thông tư 21 gồm: 1. Nông sản và sản phẩm từ nông sản; 2. Phân bón; 3. Thuốc Bảo vệ Thực vật; 4. Thức ăn chăn nuôi; 5. Sữa và sản phẩm từ sữa; 6. Thủy sản, sản phẩm từ thủy sản; 7. Bánh mứt kẹo, đường; 8. Bia, rượu, nước giải khát và nước uống; 9. Dầu ăn; 10. Muối, mì chính, bột gia vị; 11. Nước mắm, nước chấm, nước sốt; 12. Xà phòng, chất tẩy rửa; 13. Dầu nhờn; 14. Khí đốt hóa lỏng; 15. Sơn; 16. Xi măng.

Thứ hai, theo nội dung trên, hàng nông sản và sản phẩm nông sản là một trong những nhóm hàng hóa được chỉ đạo Thanh tra trong cuộc Thanh tra này.

Thứ ba, nội dung cuộc Thanh tra này tùy theo tình hình có thể báo trước hoặc không báo trước đối với doanh nghiệp được Thanh tra. Đối với một số đối tượng, để đảm bảo kết quả, cuộc Thanh tra sẽ không được báo trước. Bên cạnh đó, một số đối tượng sẽ được báo trước về cuộc Thanh tra để có sự chuẩn bị đảm bảo kết quả cuộc Thanh tra cũng như mục tiêu đánh giá việc tuân thủ pháp luật. 

- Ông có thể cho biết những quy định mới nổi bật tại Thông tư 21 về đo lường? ( Hải Yến - [email protected] )

Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Ngày 15/7/2014, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Thông tư số 21/2013/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn (viết tắt là Thông tư 21). Thông tư 21 có hiệu lực thi hành từ ngày 30/8/2014, trong đó có một số quy định mới như: Khoản 1 Điều 4 của Thông tư 21 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu phải ghi lượng danh định của hàng đóng gói sẵn trên nhãn; quy định chi tiết cách thể hiện, vị trí ghi lượng danh định... trên nhãn hàng đóng gói sẵn.

Thông tư cũng quy định yêu cầu về hình dáng, kích thước và các yêu cầu khác của bao hàng đóng gói sẵn. Tại khoản 2 Điều 4, quy định chi tiết về hình dáng, kích thước và các yêu cầu khác của bao hàng đóng gói sẵn nhằm tránh gây nhầm lẫn hoặc lừa dối người mua về lượng của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao hàng.

Ví dụ: Bao hàng đóng gói sẵn không được có đáy phụ, vách ngăn, nắp phụ, tấm phủ phụ; quy định thể tích của bao phải được điền đầy hàng đóng gói sẵn...

Các quy định chi tiết về yêu cầu kỹ thuật đối với lượng của hàng đóng gói sẵn tại Điều 4 của Thông tư này là các nội dung hoàn toàn mới, chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường trước đây.

Đặc biệt, Thông tư 21 quy định về dấu định lượng (ký hiệu “V”), công bố sử dụng dấu định lượng, chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng, việc thể hiện dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn được áp dụng nhằm xiết chặt việc quản lý định lượng các sản phẩm hàng hóa đóng bao bì sẵn.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta có quy định về dấu định lượng. Đây là một bước tiến trong quá trình hội nhập về đo lường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thương mại hàng hóa với quốc tế và khu vực (nhiều nước trên thế giới như các nước EU, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc... từ lâu đã quy định về dấu định lượng tương tự như tại Thông tư này).

Tuy nhiên, khi có yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ KH&CN sẽ quy định cụ thể Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2. Khi đó, dấu định lượng mới bắt buộc áp dụng đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 2 thuộc Danh mục.

- Việc kiểm tra HĐGS đối với hàng nhập khẩu được thực hiện như thế nào? Có cần phải ghi định lượng trên nhãn phụ bằng tiếng Việt hay không? ( Hà Chi - [email protected] )

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

Việc kiểm tra đo lường HDGS  nhập khẩu  đối với danh mục hàng ĐGS nhóm 2, nhưng hiện nay chưa áp dụng vì chưa ban hành Danh mục . Đối với  HĐGS nhập khẩu, định lượng hàng hóa là nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn.  Nếu chưa thể hiện nội dung  khối lượng tịnh  bằng tiếng Việt, thì  bắt buốc  phải ghi định lượng trên nhãn phụ bằng tiếng Việt trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. 

Ông Nguyễn Hùng Điệp (bên trái) và ông Trần Quốc Tuấn (bên phải) đang trao đổi nghiệp vụ liên quan đến các thắc mắc và câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình Giao lưu trực tuyến

Ông Nguyễn Hùng Điệp (bên trái) và ông Trần Quốc Tuấn (bên phải) đang trao đổi nghiệp vụ liên quan đến các thắc mắc và câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình Giao lưu trực tuyến

- Căn cứ để xử phạt các hành vi vi phạm về HĐGS là gì? ( Nguyễn Minh - [email protected] )

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

Căn cứ nghị định 80/2013/NĐ-CP  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TCĐLCL để xử phạt. Các hành vi, mức phạt quy định cụ thể tại điều 15,  Điều 16 của nghị định .

- Xin ông cho biết kế hoạch thực hiện công tác thanh tra năm 2015 về Hàng đóng gói sẵn được Bộ KH&CN triển khai như thế nào? ( Thái Hoàng - [email protected] )

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ:

Để triển khai thực hiện Luật Đo lường quản lý về Hàng đóng gói sẵn (HĐGS), ngày 15/7/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đã ban hành Thông tự 21 để hướng dẫn chi tiết về Luật Đo Lường đối với định lượng HĐGS. Sau 1 năm triển khai thực hiện Thông tư 21 và để đánh gia tình hình thực hiện các quy định của pháp luật đối với HĐGS, một đối tượng quản lý về đo lường đang ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của văn minh thương mại, Bộ KH&CN đã quyết định chỉ đạo triển khai cuộc thanh tra trên diện rộng chuyên đề về đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch đối với HĐGS (Công văn số 908/BKHCN_TTra ngày 30/3/2015).

Trên cơ sở của công văn 908 nêu trên, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tập huấn cho lực lượng Thanh tra chuyên ngành KHCN trên toàn quốc và triển khai hoạt động Thanh tra tập trung từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2015. 

- Thưa ông, doanh nghiệp phải làm gì để được in dấu định lượng trên nhãn HĐGS do mình sản xuất, nhập khẩu? Chi phí như thế nào? ( Đào Văn Khang - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Doanh nghiệp được sử dụng dấu định lượng (như in, khắc,... trên bao bì của hàng đóng gói sẵn) nếu bảo đảm đầy đủ các yêu cầu sau:

- HĐGS do doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với lượng của HĐGS quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN;

- Doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu quy định tại Điều 10, Điều 11 của Thông tư 21;

- Doanh nghiệp có nhu cầu và hoàn thành việc tự công bố sử dụng dấu định lượng theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 2 Chương IV của Thông tư 21.

Trong sử dụng dấu định lượng, doanh nghiêp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức sản xuất, nhập khẩu HĐGS quy định tại Điều 25 của Thông tư 21.

Hiện không có quy định về chi phí đối với việc dăng ký và sử dụng dấu định lượng trên nhãn HĐGS.

- HĐGS hiện nay được định lượng, đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa hóa theo đơn vị đo lường nào? ( Hồng Anh - [email protected] )

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

Điều 15 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP có quy định cách ghi định lượng hàng hóa:

1. Hàng hoá định lượng bằng các đại lượng đo lường phải ghi theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường.

2. Hàng hoá định lượng bằng số lượng thì phải ghi theo số đếm tự nhiên.

3. Trường hợp trong một bao bì thương phẩm có nhiều đơn vị hàng hoá thì phải ghi định lượng của từng đơn vị hàng hoá và định lượng tổng các đơn vị hàng hoá hoặc định lượng của từng đơn vị hàng hoá và số lượng đơn vị hàng hoá.

4. Cách ghi định lượng hàng hoá quy định tại Phụ lục I của Nghị định.

Theo Phụ lục 1 thì: Hàng hóa dạng rắn, khí thì ghi khối lượng tịnh; Hàng hóa là hỗn hợp rắn và lòng ghi khối lượng tịnh hỗn hợp và khối lượng chất rắn; Hàng hóa dạng nhão, keo, sệt ghi khối lượng tịnh hoặc thể tích thực; Hàng hóa dạng lỏng: ghi thể tích thực ở 20ºC........

Cụ thể cách ghi  Theo quy định tại khoản 1 điều 4 Thông tư 21/2014/TT-BKHCN  ngày  15/7/2015 của Bộ KH&CN quy định về đo lường đối với lượng của HĐGS 

- Có ý kiến cho rằng yêu cầu về dấu định lượng tại Thông tư 21/2014TT-BKHCN là một bước lùi từ cơ chế “hậu kiểm” sang cơ chế “tiền kiểm”, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? ( Trần Hoàng Nam - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Theo quy định, hàng đóng gói sẵn (HĐGS) được chia thành hai nhóm: HĐGS nhóm 1 và HĐGS nhóm 2.

HĐGS nhóm 2 là đối tượng phải quản lý chặt chẽ hơn và bắt buộc mang dấu định lượng. Tuy nhiên như đã nói ở trên, hiện nay chưa quy định cụ thể Danh mục HĐGS nhóm 2.

HĐGS nhóm 1 được quản lý theo nguyên tắc tự nguyện và tự công bố của doanh nghiệp. Nhà nước sẽ hậu kiểm, kiểm tra sự phù hợp, sự tuân thủ của doanh nghiệp so với mức công bố của doanh nghiệp. Theo quy đinh tại Thông tư 21/2014TT-BKHCN thì toàn bộ HĐGS tại Việt Nam hiện nay là HĐGS nhóm 1. Doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dấu định lượng được tự công bố theo quy định, không phải chi phí bất kỳ khoản tiền nào. Như vậy cơ chế kiểm soát về đo lường đối với lượng của HĐGS hiện nay ở Việt Nam là cơ chế tự công bố và “hậu kiểm”. 

- Tại sao Việt Nam phải quy định về HĐGS? Trên thế giới có những quy định về HĐGS hay không? ( Vũ Ngọc Hải - [email protected] )

Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Đa số các nước trên thế giới đã ban hành quy định về HĐGS, đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế phát triển, có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và lưu thông trong nước lớn. Có thể ví dụ: Cộng đồng Châu Âu đã ban hành quy định riêng (EU Directive) về HĐGS từ năm 1974, theo đó, các quốc gia thành viên EU bắt buộc phải tuân thủ quy định này; Hoa Kỳ đã ban hành quy định (Handbook) về HĐGS và các bang thuộc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều đã áp dụng quy định này vào luật pháp của từng bang; Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, ...đều đã ban hành và triển khai thực hiện các quy định về HĐGS trên cơ sở các Khuyến nghị về HĐGS của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML).

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện cơ chế kinh tế thị trường tại Việt Nam là động lực, nguyên nhân chính để Việt Nam xây dựng, ban hành các quy định về HĐGS.

Từ năm 1990, khi bắt đầu chuyển đổi, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã quy định quản lý đo lường đối với HĐGS (tại Pháp lệnh Đo lường 1990),. Các quy định này được tiếp tục sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh Đo lường năm 1999 và được cập nhật, hoàn thiện mới đây tại Luật Đo lường năm 2011.

Cùng với việc VN là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, việc thực thi các nghĩa vụ của VN trong xây dụng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), việc ký kết và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa VN với Hoa Kỳ, với EU, Hàn Quốc ..., lượng hàng hóa (trong đó HĐGS chiếm tỷ lệ khá cao)  trao đổi giữa VN với các nước, các khu vực trên thế giới gia tăng nhanh chóng.

Vì những lý do chính ở trên, VN phải ban hành quy định về HĐGS để hài hòa với quy định của các đối tác kinh tế, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế.

- Các vi phạm quy định về đo lường đối với HĐGS chủ yếu là gì? Làm thế nào để phân biệt được những vi phạm đó khi mua hàng? ( Hải Anh - [email protected] )

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

Năm 2015, Bộ KH&CN đang tổ chức triển khai cuộc thanh tra chuyên đề về đo lường đối với HĐGS trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, các cơ quan kiểm tra địa phương đang tiến hành kiểm tra.  Các vi  phạm chủ yếu được phát hiện như :Không ghi khối lượng tịnh trên hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; ghi sai đơn vị đo; thiếu khối lượng tịnh ...

- Trong Luật Đo lường có đề cập đến HĐGS nhóm 2, vậy nhóm 2 ở đây gồm những mặt hàng gì? Việt Nam chưa quy định Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2, vậy khi nào mới có? ( Lê Quốc Định - [email protected] )

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Ông Nguyễn Hùng Điệp tại chương trình giao lưu trực tuyến

Ông Nguyễn Hùng Điệp tại chương trình giao lưu trực tuyến

HĐGS nhóm 2 là hàng đóng gói sẵn có số lượng lớn lưu thông trên thị trường hoặc có giá trị lớn, có khả năng gây tranh chấp, khiếu kiện về đo lường giữa các bên trong mua bán, thanh toán, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, môi trường.

Theo Thông tư 21, hiện Việt Nam chưa quy định cụ thể tên HĐGS nhóm 2.

Căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước của từng thời kỳ, Bộ KH&CN sẽ xem xét, quy định cụ thể loại HDGS nhóm 2.

- Đã đến mùa bánh Trung thu, có cơ quan nào đi kiểm tra trọng lượng bánh trung thu hay không? Tôi được biết mặt hàng này ăn gian trọng lượng rất nhiều. ( Khải Ngân - [email protected] )

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

Sắp đến tết Trung Thu 2015,  Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có công văn số  1566/TĐC-QLCL chỉ đạo  chỉ đạo, hướng dẫn các Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương kiểm tra  hàng phục vụ Tết trung thu, đồ chơi trẻ em , Phối hợp BCĐ ATTP QG kiểm tra chất lượng VSATTP  tết trung thu  nếu phát hiện vi phạm ĐLCL sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Gửi câu hỏi
captcha
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang