Giáo viên tố nhiều chuyện khủng khiếp xảy ra ở trường THPT Nguyễn Hữu Tiến

author 12:30 17/10/2014

(VietQ.vn) – Thiếu minh bạch trong thu chi học phí, đặt ra những khoản thu khó hiểu, bố trí sử dụng lao động không hợp lý…là những gì các giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Tiến nói về cô Hiệu trưởng của mình.

PV Chất lượng Việt Nam vừa nhận được phản ánh của tập thể giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Tiến – huyện Hóc Môn, TP.HCM xung quanh cách điều hành độc đoán, thu chi thiếu minh bạch tại trường của Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi diễn ra đã lâu, nhưng chưa được bất kỳ cơ quan nào vào cuộc, giải quyết dứt điểm.

Lạ đời: Thu tiền ủng hộ nhân xây đảo Gạc Ma

Một chuyện lạ đời, nhưng có thật, và đã xảy ra tại một ngôi trường thuộc TP.HCM quản lý. Trong phiếu chi lương dành cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên của trường THPT Nguyễn Hữu Tiến hồi tháng 5/2014, lãnh đạo nhà trường đã ghi rõ: “ủng hộ nhân dân đảo Gạc ma (quần đảo Trường Sơn) 100.000 đồng”.

Theo các giáo viên của trường Nguyễn Hữu Tiến, đây rõ ràng là một sự quá vụng về của nhà trường, khi đã nhầm lẫn từ Trường Sa sang Trường Sơn (không biết là vô tình hay cố ý). Cùng lúc, các giáo viên cũng không rõ khoản thu (ủng hộ nhân dân đảo Gạc Ma) là dùng để làm gì, cho ai, mục đích sử dụng như thế nào?

Phiếu chi lương cho GV có ghi rõ tiền ủng hộ nhân dân đảo Gạc Ma.

“Cho tới nay, đã mấy tháng trôi qua, nhưng cũng chẳng ai thông báo cho chúng tôi về kết quả chi tiết khoản thu này, nên ai cũng cảm thấy thắc mắc” – cô Bạch Thị Thanh Duyên nêu ý kiến.

Ngoài ra, tại chính ngôi trường do cô Đào Thị Kim Nhi làm Hiệu trưởng, các học sinh khối lớp 12 (đã tốt nghiệp) phải đóng đến 50.000 đồng cho việc lấy 3 bản giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để chuẩn bị đi thi Đại học, đóng 44.000 đồng/HS nếu muốn rút sổ sinh hoạt Đoàn.

Theo thầy Lê Văn Phước – Hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM, đây rõ ràng là những khoản thu (nếu có) quá đáng, lạm thu của trường Nguyễn Hữu Tiến. Thông thường, các trường không thu tiền đối với các học sinh lớp 12 nếu muốn lấy giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, rút sổ Đoàn.

Cũng theo thầy Phước, nếu có thu thì chỉ thu một khoản thu tượng trưng rất nhỏ, chứ không thể thu một số tiền lớn như thế.

Chuyện lạ: Trường THPT đề xuất mua xích đu

Vào năm học trước, cô Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi có đề xuất mỗi lớp học của trường đóng góp 200.000 đồng, gọi là tự nguyện để mua xích đu. Thế nhưng, sau một thời gian, vì nhận thấy lời đề nghị này quá buồn cười, nên chỉ có 10 lớp đóng, được chỉ có 2.000.000 đồng, nhưng cho đến nay, cả trường vẫn luôn thắc mắc ‘chiếc xích đu này đã đi đâu, về đâu’.

Các giáo viên của trường Nguyễn Hữu Tiến nêu lên thắc mắc: Học sinh trường THPT hầu hết các em đều đã lớn, ở độ tuổi đang trưởng thành, nên không biết cô Hiệu trưởng đề xuất mua xích đu để làm gì?

Thêm nữa, cô Hiệu trưởng còn tự mình đặt ra thêm khoản thu tiền mua máy chiếu, vận động mỗi học sinh lớp 10 đóng 400.000 đồng/HS, lớp 11 đóng 300.000 đồng/HS và lớp 12 đóng 200.000 đồng/HS.

Vì đây là khoản thu không bắt buộc, nên chỉ có 3/32 lớp của trường hiện đã đóng tiền, đạt chỉ 50% so với kế hoạch yêu cầu đóng tiền mua máy chiếu. Không từ bỏ ý định này, năm học này, cô Nhi tiếp tục tuyên bố sẽ vận động (tự nguyện) đóng góp tiền mua máy chiếu cho học sinh ở mỗi lớp học.

Những phản ánh của các giáo viên trường Nguyễn Hữu Tiến được gửi tới PV.

Thêm một chuyện lạ khác: Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến vốn dĩ vẫn chưa có phòng máy vi tính, nhưng không rõ là vô tình hay cố ý khi trong báo cáo tài chính năm 2014 của trường ghi rõ, dùng 190.000.000 đồng để mua 20 bộ máy vi tính để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.

Đây có thể là một việc tốt, đáng làm khi mua máy vi tính để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. Thế nhưng, sau khi đã mua đầy đủ máy vi tính, chờ mãi vẫn không thấy đem về, thấy giáo viên sốt ruột, thầy Dương Năm – Hiệu phó trường đã nói: Hiện máy vẫn đang gửi ở cửa hàng, dù tiền đã thanh toán hết.

Được một thời gian, sợ mang tiếng với giáo viên, thầy Dương Năm đã mang hết số máy vi tính nói trên về trường, nhưng đáng tiếc lại không để cho các em học sinh sử dụng, mà để trong phòng Hiệu phó với lí do “Không có phòng máy vi tính để”.

Cô Duyên băn khoăn: “Nếu không có phòng máy vi tính thi mua làm gì cho tốn tiền của các em học sinh, phụ huynh?”

Trường thu quỹ hội phụ huynh học sinh 170.000 đồng/HS/năm học. Hiện trường có khoảng 1.300 HS, có nghĩa là số tiền quỹ hội lên đến hơn 200 triệu đồng, nhưng khi các lớp học đề xuất mua thêm quạt máy vào mùa hè nóng bức, thì Hiệu trưởng nhất quyết không cho.

Chỉ đến khi phụ huynh và giáo viên phản ứng gay gắt quá, cô Nhi mới ‘nhượng bộ’ cho lắp quạt, nhưng yêu cầu lớp nào muốn lắp thì tự lo kinh phí, tự thuê thợ để lắp. Do vậy mà mỗi lớp lắp quạt mỗi kiểu, trông rất nhếch nhác, bẩn thỉu nên ai cũng kêu, ai cũng than thở.

Quạt cho HS không có, quạt cho giáo viên cũng hay hư hỏng, chờ mãi chẳng thấy sửa, hay có sửa thì cũng phải đợi vài tháng, quạt trần lớp học thì thường kêu đinh tai, nhức óc, rung lắc gây nhiều nguy hiểm cho các HS đang ngồi học.

Ngoài khoản thu tiền học phí hai buổi, mỗi tháng, cô Hiệu trưởng Kim Nhi còn cho thu thêm của học sinh khối lớp 10, 11 là 50.000 đồng/HS/tháng, khối lớp 12 là 70.000 đồng/HS/tháng. Nghiêm trọng hơn, năm ngoái, cô Nhi bắt mỗi HS khối lớp 12 cuối năm phải đóng thêm 200.000 đồng/HS thì mới được lấy phiếu báo danh để dự thi tốt nghiệp THPT.

Việc thu thêm tiền này đã vô tình đưa phụ huynh học sinh vào thế là nếu không có tiền đóng cho con thì không có phiếu báo danh để đi thi, HS thì bị rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý trước ngày thi, Hiệu trưởng nói với các phụ huynh là thu thêm tiền để bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 12, nhưng trên thực tế hoàn toàn không có chuyện này xảy ra.

Không minh bạch trong thu chi học phí

Theo phản ánh của cô Bạch Thị Thanh Duyên và rất nhiều giáo viên khác đang giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, theo quy chế chi tiêu nội bộ năm học 2013 – 2014 và những năm học trước tại trường, số tiền học phí buổi thứ 2 thu được của các học sinh sẽ được chi cho: 65% dành cho giáo viên trực tiếp đứng lớp, 15% chi cho các bộ phận phục vụ gián tiếp, 20% chi cho các hoạt động khác.

Thế nhưng, thông tin với PV, cô Duyên khẳng định, nhà trường đã không làm đúng quy định này khi kế toán của trường trích 40% của số tiền này để lập quỹ riêng không rõ ràng, không có chứng từ, chỉ chi 65% của 60% còn lại (mỗi tiết chỉ trả 65.000 đồng cho GV dạy khối 10, 11, 75.000 đồng cho GV dạy khối 12), chi cho bộ phận gián tiếp là 40% (của phần 60%) dùng để cho thi lại, khen thưởng học sinh đậu ĐH, bồi dưỡng học sinh giỏi, tiền trả dư giờ dạy…

Qua 4 lần tổ chức những cuộc họp với các giáo viên của trường, hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi mới đồng ý trả thêm cho mỗi giáo viên tham gia giảng dạy 51.000 đồng/tiết học. Khi các giáo viên đòi truy thu số tiền cho những năm học trước, thầy hiệu phó Dương Năm trả lời rằng: Số tiền đã qua thì cho qua luôn, không thể truy thu lại được, mong các thầy cô thông cảm.

Bảng công khai thu chi tiền học phí 2 buổi của trường Nguyễn Hữu Tiến.

Nhằm tìm hiểu một cách rõ ràng hơn những phản ánh của các giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, trong suốt buổi chiều ngày 16/10, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với Hiệu trưởng của trường – cô Đào Thị Kim Nhi, đề nghị có buổi gặp gỡ để làm rõ những vấn đề này.

Tuy nhiên, trái ngược lại với thiện ý của phóng viên, cô Đào Thị Kim Nhi đã nhắn tin lại, từ chối cuộc gặp gỡ này, và chỉ đồng ý gặp sau khi có kết quả làm việc của Thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM.

Thiết nghĩ, nhằm làm cho môi trường giáo dục thêm trong sạch, lành mạnh, thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM và các cơ quan cấp trên cần sớm vào cuộc, làm rõ những vấn đề băn khoăn, thắc mắc của tập thể hội đồng sư phạm trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc các diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang