Giáo viên mầm non tát bôm bốp, bóp cổ, dí đầu trẻ là người như thế nào?

author 07:15 20/12/2013

"Bảo mẫu Đông Phương là người có bằng cấp và được đào tạo về chuyên môn. Không biết tại sao lại ra nông nỗi này, chứ nó yêu trẻ lắm”, chị gái Đông Phương, cho biết.

Đông Phương, Thiên Lý không thể chợp mắt vì hối hận

Dư luận đang phẫn nộ với những hình ảnh và video clip về sự bạo hành trẻ mầm non vừa được đăng tải trên truyền thông. Theo đó, tại nhà trẻ tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM), 2 bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý tát trẻ tới tấp, vác trẻ dọa quẳng vào thùng nước; còn cô giáo vừa hành hạ trẻ, vừa dùng lời ngon ngọt đạo đức che mắt phụ huynh…

Theo chị Lài ở nhà đối diện, nhóm trẻ Phương Anh được thành lập cách đây khoảng 1 năm. Căn nhà bề ngang khoảng 4m, sâu 20m, sau cánh cửa sắt là 2 lớp cửa kính. Hơn 20 đứa trẻ được “quây kín” tít tận bên trong, nên cả năm qua sự bạo hành rùng rợn tại đây không hề bị phát hiện.

 

Hành động bảo mẫu Đông Phương hành hạ trẻ gây phẫn nộ.

Tại nhà tạm giam Công an quận Thủ Đức, TP.HCM chiều 18/12, so với lúc mới bị bắt thì chủ nhà trẻ Phương Anh là Lê Thị Đông Phương và bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý trông tiều tụy hơn nhiều bởi không thể chợp mắt vì hối hận.

Khi làm việc với các điều tra viên, Phương nói rất hối hận vì việc làm của mình đã ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín của gia đình mình và làm đau lòng các bậc phụ huynh có con bị hành hạ.

Lý cũng tỏ ra hối hận vì ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và sự nghiệp sau này. Tuy nhiên, Lý cho rằng hành động của mình chỉ là bột phát lúc nóng giận khi trẻ biếng ăn chứ không ngờ rằng hành động của mình lại gây phẫn nộ dư luận đến thế.

Lý phân trần: "Em ở quê mới lên TP.HCM được 6 tháng để học lớp cấp dưỡng ở Đại học Sài Gòn... Do một mình mà phải cho nhiều trẻ ăn trong thời gian chỉ khoảng 1 tiếng rưỡi nên em phải dọa cho trẻ sợ để ăn nhanh chứ không ý thức được là mình vi phạm pháp luật".

Còn cách hù dọa, đánh trẻ, Lý cho hay do mình tự nghĩ ra chứ không ai dạy và cũng nghĩ rằng đánh như vậy là gây nguy hiểm cho trẻ.

“Đông Phương yêu trẻ lắm”

Tuy vậy, những điều mà người thân nói về Đông Phương hoàn toàn trái ngược với những hành động bảo mẫu ra tay độc ác với trẻ thơ. Chị Lê Thị Oanh, chị gái thứ 2 của bảo mẫu Phương nói: "Bảo mẫu Đông Phương là người có bằng cấp và được đào tạo về chuyên môn".

Chị Oanh cũng cho hay, việc lựa chọn ngành sư phạm mầm non cũng là nguyện vọng của Phương. Tính đến nay, cả học và ra trường, Phương đã gắn bó với nghề này gần 10 năm. “Không biết tại sao lại ra nông nỗi này, chứ nó yêu trẻ lắm. Đứa trẻ đầu tiên nó nhận giữ lúc được 4 tháng tuổi. Thường ngày, thấy nó bồng bế, ôm ấp, chăm chút… đến khi được 10 tháng tuổi, gia đình đón cháu về với ngoại do phải đi xa.

Cách đây mấy tháng, nó vừa khoe với má từ nay chỉ nhận những trẻ trên 12 tháng, dưới 12 tháng không nhận nữa. Hễ cứ nhận được thêm đứa trẻ nào là nó lại về khoe có thêm người gửi trẻ nên gia đình cũng mừng cho nó. Ai ngờ sự việc ra nông nỗi này”, chị Oanh xót xa, nói.

Gia đình đã khuyên Phương làm nghề mầm non là phải thương yêu trẻ, giữ con người ta cẩn thận, trông con người khác cũng như con mình. Thường ngày, Phương là người vui vẻ, gần gũi với mọi người. Ở nhà có cháu nhỏ, Phương cũng yêu thương, chiều cháu nên khi xảy ra chuyện ai cũng bất ngờ.

Trong gia đình, Phương là con út, được cưng chiều nên có đôi chút bướng bỉnh, thích được làm theo ý mình. “Phương bảo, nếu xin được giấy phép, sau này sẽ tự mở trường đàng hoàng, nên nó đã học xong lớp quản lý chủ trường và tốt nghiệp loại giỏi. Ai dè cấp bằng được mấy tuần thì xảy ra chuyện như vậy”, chị Oanh kể.

Chủ tịch quận nhận trách nhiệm

Ngày 18/12, làm việc với Đoàn công tác của UBND TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân, chủ tịch UBND quận Thủ Đức nói trách nhiệm rõ ràng là do lãnh đạo phường thiếu quyết liệt trong việc kiểm tra xử phạt khi phát hiện nhà trẻ mầm non tư thực Phương Anh hoạt động không phép.

Tuy nhiên, ông Nhân lại nói, cái khó của quận hiện nay là hoạt động của các nhóm trẻ gia đình theo nhu cầu người dân, nhu cầu gửi con của công nhân lao động rất là lớn. Trong khi trường mầm non công lập chỉ giữ trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi. Độ tuổi từ 6 tháng đến 18 tháng hầu như nhu cầu rất nhiều nhưng khả năng đáp ứng không có, không có chỗ gửi. Mà hiện nay quận có đến 490.000 dân. Hệ thống trường công lập đã phủ kín 12 phường.

Ông Nhân kiến nghị: “Chúng tôi cũng thấy rằng thành phố hoặc trung ương phải có một giải pháp nào đó, làm sao có một mô hình nuôi trẻ ở lứa tuổi 6 đến 18 tháng để cho người dân gửi cháu, gửi con mình được yên tâm để đi lao động trong các công ty, xí nghiệp”.

Theo NDT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang