Giật mình chịu phạt do bằng chứng từ camera trên mũ CSGT

author 12:09 14/04/2015

(VietQ.vn) - Nghe cảnh sát thông báo về lỗi không chấp hành tín hiệu đèn, cô gái nhăn nhó: “Lúc em đi qua đèn vẫn xanh mà”. Cô gái chỉ chịu ký vào biên bản vi phạm khi thiếu uý Nghĩa cho hay đã ghi được hình ảnh cô vi phạm và đề nghị hợp tác.

Theo tin tức từ báo VnExpress, tổ tuần tra đội CSGT quận 7 (TP HCM) làm nhiệm vụ trên đường Hoàng Quốc Việt chiều 13/4. Bước nhanh ra vệ đường, thiếu uý Phạm Minh Nghĩa ra hiệu lệnh dừng xe máy cô gái vừa vượt qua giao lộ khi đèn giao thông chuyển sang đỏ. Nghe cảnh sát thông báo về lỗi không chấp hành tín hiệu đèn, cô gái kéo khẩu trang, nhăn nhó: “Lúc em đi qua đèn vẫn xanh mà”.

Chỉ vào chiếc camera nhỏ gắn một bên mũ, thiếu uý Nghĩa cho hay đã ghi được hình ảnh cô vi phạm và đề nghị hợp tác. Vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy thiết bị trên mũ và tay của anh cảnh sát trẻ, cô gái phân bua “em tưởng lúc băng qua đèn còn vàng” rồi ký vào biên bản vi phạm.

Có ít nhất 5 trường hợp vi phạm luật giao thông bị cảnh sát "tuýt còi" xử lý trong buổi tuần tra. Cũng như cô gái, sau khi được cảnh sát thông báo camera đã ghi được hình ảnh vi phạm, họ đều tỏ ra vui vẻ, ký biên bản xử phạt.

Camera trên mũ CSGT vẫn còn hạn chế khi không cho phép xem lại tại chỗ

Camera trên mũ CSGT vẫn còn hạn chế khi không cho phép xem lại tại chỗ. Ảnh: VnExpress

Trao đổi với VnExpress, thiếu tá Phạm Hồng Nam - Đội phó CSGT quận 7 - cho biết, ý tưởng gắn camera trên mũ CSGT đã có từ lâu khi nhiều người vi phạm không hợp tác, bắt chứng minh lỗi vi phạm bằng hình ảnh. Từ khi luật xử lý hành chính có hiệu lực, đơn vị đã đề xuất triển khai gắn camera cho lực lượng tuần tra.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Trung Chính (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét thời gian qua tình trạng nhiều CSGT vi phạm, tiêu cực trong xử lý người vi phạm giao thông diễn ra khá nhiều. Vì vậy, việc gắn camera để ghi lại quá trình xử lý của CSGT là cần thiết, báo Thanh Niên đưa tin. 

Việc trang bị camera trên mũ của CSGT chỉ ghi được những hình ảnh và hành vi của người tham gia giao thông chứ không ghi lại toàn bộ quá trình xử lý và hành vi của CSGT. Điều này là thiếu công bằng vì việc ghi hình chỉ thể hiện một chiều theo hướng có lợi cho CSGT. Luật sư Chính cho rằng việc gắn camera như vậy chỉ mang ý nghĩa như một phương tiện hỗ trợ cho CSGT để xử lý người vi phạm.

Theo luật sư Chính, việc gắn camera giám sát ngoài việc dùng làm chứng cứ để xử phạt người vi phạm thì mục đích quan trọng hơn đó là để các bên, kể cả CSGT, phải tuân thủ theo đúng pháp luật. "Do vậy, không nên gắn camera trên mũ hay trên người CSGT mà phải gắn vào xe, hoặc ở những chốt kiểm tra ngoài công cộng để ghi lại được toàn cảnh xử lý của CSGT thì mới đảm bảo cho việc xử lý khách quan nhất", luật sư Chính đề xuất.

Thái Hà (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang