Giật mình trước ma trận… sách thiếu nhi

author 06:35 03/08/2014

(VietQ.vn) - Thị trường sách thiếu nhi hiện nay có quá nhiều loại, kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, trong khi đó chất lượng lại đang bị thả nổi.

Năm 2013, dư luận từng xôn xao vì cuốn sách “Hỏi đáp nhanh trí” của NXB Văn hóa - Thông tin. Đức Trí, tác giả của cuốn sách này đã đưa vào rất nhiều hỏi đáp dạng như: “Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?”, “Mồ côi!”; “Một người sau khi bị chặt đầu sẽ như thế nào?”, “Biến đổi chiều cao”... 

Nhiều bậc phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng khi biết trên thi trường lại có những đầu sách độc hại như vậy. Câu chuyện về cuốn “Hỏi đáp nhanh trí” đã thực sự rung lên hồi chuông báo động về chất lượng đang bị thả nổi của sách thiếu nhi nhưng xem ra từ đó tới nay, vấn đề này vẫn không có nhiều chuyển biến. Nhất là gần đây, cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” xuất hiện với trang sách được cho là có nội dung thiếu lành mạnh lại một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.

Chú trọng hình thức hơn nội dung

Dạo qua các tuyến phố lớn chuyên bán sách tại Hà Nội như: Chùa Láng, Phạm Văn Đồng, Đinh Lễ… người ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự phong phú của các đầu sách thiếu nhi. Mỗi hiệu sách đều có một góc khá rộng dành riêng cho sách, truyện thiếu nhi với đủ các loại bìa, mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Tất cả đều sặc sỡ và hút mắt trẻ nhỏ. Hình ảnh và màu sắc có lẽ là thứ được các NXB quan tâm hàng đầu bởi phần văn bản chỉ chiếm một dung lượng rất nhỏ. 

Cuốn truyện với hỉnh ảnh thiếu nữ ăn mặc gợi cảm, nội dung đơn điệu nằm trong kệ sách tại hiệu sách Nghĩa Tình trên đường Phạm Văn Đồng 

Cuốn truyện với hỉnh ảnh thiếu nữ ăn mặc gợi cảm, nội dung đơn điệu nằm trong kệ sách tại hiệu sách Nghĩa Tình trên đường Phạm Văn Đồng

Những truyện cổ tích nổi tiếng như: “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, “Cô bé lọ lem”, “Nàng tiên cá”… đều bị rút gọn và chuyển thể thành truyện tranh bắt mắt. Nội dung của chúng cũng theo đó mà bị rút gọn tối đa với những câu văn ngắn gọn, đơn giản. Điều đó được xem là phù hợp với tâm lý đọc sách của trẻ nhỏ nhưng ngược lại, nó sẽ đã làm mất đi giá trị thực sự của những câu chuyện hay. Nhiều trẻ sẽ không khỏi nghi ngờ khi thấy rằng: “Ồ, truyện cổ tích nổi tiếng khắp thế giới chỉ đơn giản vậy sao?”. 

Nhiều phụ huynh đi mua sách đơn giản là để chiều theo ý thích của con

Nhiều phụ huynh đi mua sách thiếu nhi đơn giản là để chiều theo ý thích của con

Ngọc Diệp, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nhân viên tại một hiệu sách đường Phạm Văn Đồng cho biết: “Hầu hết phụ huynh đều chiều theo sở thích của con mà ít khi lật giở, đọc hết cả cuốn sách. Vì thế, những cuốn sách đẹp mắt bao giờ cũng bán chạy hơn những cuốn chỉ toàn chữ là chữ”. 

Truyện cổ tích Alibaba và 40 tên cướp với câu cú tầm thường, nhạt nhẽo nhưng hình ảnh lại được đầu tư cắt dán, in ấn rất cầu kỳ

Truyện cổ tích Alibaba và 40 tên cướp với câu cú tầm thường, nhạt nhẽo nhưng hình ảnh lại được đầu tư cắt dán, in ấn rất cầu kỳ

Chị Minh, một người dân sống tại phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) tâm sự: “Mình đi mua sách theo yêu cầu của con chứ cũng ít để ý lắm. Nhiều khi chỉ nói tên sách và nhờ chủ quán lấy cho. Mình thấy con đọc toàn các loại sách quen thuộc như Doremon, Conan, truyện cổ tích Việt Nam nên nghĩ chắc không vấn đề gì”.

Tại hiệu sách Sư Phạm trên đường Phạm Văn Đồng, hầu hết sách thiếu nhi ở đây đều có nội dung đơn giản, câu cú khá buồn cười. Khi được hỏi về chất lượng của các đầu sách, chủ hiệu sách ở đây đã từ trối trả lời. Bà cho biết, mình hoàn toàn bán sách theo yêu cầu của độc giả chứ không quan tâm và hiểu biết về chất lượng của chúng.

Dễ dàng tìm sách thiếu nhi “nóng”

Cùng với truyện tranh, truyện cổ tích đang bị thả nổi về chất lượng, các loại sách gắn mác 15+ đến 18+ cũng xuất hiện nhan nhản. Việc gán mác không phải để cấm mà chỉ để tăng tính tò mò và sự hứng thú của trẻ nhỏ. 

Ngọc Diệp chia sẻ: “Hầu hết các đầu sách này không được bày chung với sách thiếu nhi mà được xếp vào dãy truyện của người lớn. Tất nhiên là vẫn có trường hợp thanh thiếu niên hoặc trẻ nhỏ cùng vào đọc và mua chúng mà mình thì không thể bảo khách hàng đừng mua sách”.

Tại hiệu sách Nghĩa Tình đường Phạm Văn Đồng, 100% cuốn sách bày trên kệ dành cho lứa tuổi thiếu niên đều là truyện tình yêu lâm li bi đát với những cái tên na ná nhau như: Anh nghiện em mất rồi, Anh sẽ lại cưa em, Anh sẽ mãi yêu em, Hãy nói yêu em, Hãy nói em yêu anh... Thay vì đọc sách khoa học để tăng cường hiểu biết, không ít thanh thiếu niên giờ đây chỉ chúi đầu vào những cuốn sách tình yêu lãng xẹt. 

Thanh thiếu niên rất dễ tìm kiếm các cuốn truyện “người lớn” tại các hiệu sách

Thanh thiếu niên rất dễ tìm kiếm các cuốn truyện “người lớn” tại các hiệu sách

Bên cạnh lượng sách giấy phát hành trôi nổi, khó kiểm định còn phải kể đến các trang web phát tán truyện sex độc hại. Nếu gõ cụm từ “truyện sex” hay “truyện 18+” lên Google sẽ thu được hơn 14 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,23s. Chưa bao giờ, việc tìm kiếm một truyện  “nóng” lại dễ dàng vậy. Đáng lưu ý là khi được phát tán trên mạng, các truyện này rất dễ được sao lưu và in lại. Nhiều học sinh cũng đã truyền tay nhau những cuốn truyện tranh phản cảm, in lại từ các website đọc truyện online. 

Văn Tín,  học sinh trường THPT Trần Đăng Ninh tâm sự: “Việc sao lưu truyện tranh 18+ bây giờ dễ ợt. Thỉnh thoảng, em vẫn thấy đám con trai trong lớp truyền tay nhau những cuốn truyện như vậy… chỉ để ngắm”.  

Truyện tranh “Chị tôi là giáo viên” được phát tán trên mạng với nhiều hình ảnh dung tục

Truyện tranh “Chị tôi là giáo viên” được phát tán trên mạng với nhiều hình ảnh dung tục

PGS-TS Trần Thị Trâm, giảng viên môn văn học dân gian tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Trong thời đại hiện nay, trẻ em có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn tri thức nhưng sách vở, truyện cổ tích bao giờ cũng là những thứ gây ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành tâm lý của chúng. Vì thế, cha mẹ, thầy cô  cần hết sức thận trọng khi sử dụng sách vở để giáo dục con cái. Nếu để trẻ đọc phải những cuốn sách có nội dung rẻ tiền thì chẳng khác gì việc cho chúng uống một liều thuốc đầu độc tâm hồn dài lâu”. 

PGS Trần Thị Trâm cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên lưu tâm đến việc sử dụng mạng Internet của con em mình để tránh xa các cuốn truyện tranh, truyện sex phản văn hóa.

Đánh giá về thị trường sách thiếu nhi, bà Trâm cho rằng, việc viết sách đáp ứng thị hiếu của trẻ nhỏ thường dễ hơn cho người lớn bởi những điều các em mong chờ rất đơn giản và dễ hiểu. Vì thế, nhiều người viết sách đã đặt lợi nhuận lên trên lương tâm nghề nghiệp, viết ra những cuốn sách chỉ để câu khách. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh lại yên tâm rằng đứa trẻ nào thích đọc sách là một đứa trẻ ham học hỏi. 

Trương Thu Hường 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang