“Giày độc” Trung Quốc khiến thế giới sợ hãi

author 10:17 14/07/2012

(VietQ.vn) - Mẫu mã bắt mắt, giá rẻ là điều khiến người tiêu dùng thế giới “thỏa mãn” với món hời khi mua giày dép xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chính "món hời" này khiến các cơ quan tiêu chuẩn, chất lượng của các nước đau đầu để ngăn chặn và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Lãnh thổ Đài Loan

Quý 1 năm 2012, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Đài Loan (TCF) và Tổng cục đo lường, Kiểm định tiêu chuẩn Đài Loan (BSMI) đã vào cuộc quyết liệt để kiểm nghiệm sản phẩm giày dép xuất xứ từ Trung Quốc. Hai tổ chức này tiến hành mua 30 đôi giày dép nhiều thể loại, bao gồm dép xỏ ngón, giày da cá sấu, dép đi biển đang được bày bán tại các cửa hàng lớn nhỏ.

Các mẫu hàng trên được đưa vào xét nghiệm độc tố. Kết quả cho thấy hàm lượng chất độc DEHP (Bis(2-ethylhexyl) phthalate) chứa trong các mẫu giày này rất cao, từ 37% đến 50%. Trong khi đó, tiêu chuẩn cho phép của loại chất này đối với mặt hàng giày dép tại Đài Loan chỉ là 0,1%. Hai tổ chức này đang cố gắng thu hồi 11 loại giày nhựa nói trên bởi chất độc DEHP rất có hại cho sức khỏe con người nếu được hấp thụ vào cơ thể.

Các loại giày độc hại đã được kiểm định bao gồm xăng-đan của nữ giới, dép đi trong nhà của trẻ em, dép đi trong phòng tắm và dép dành cho hành khách trên máy bay. Hai tổ chức này cũng yêu cầu các nhà nhập khẩu mặt hàng giày dép vào cuộc thu hồi và tiêu hủy các loại sản phẩm độc hại ngay lập tức. Trong trường hợp vẫn cố tình lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 2,067 đô la Mỹ đến 51,675 đô la Mỹ (từ 43 triệu đồng đến 1,2 tỉ đồng).

Mỹ

Mẫu giày trẻ em Trung Quốc bị thu giữ tại Mỹ
Mẫu giày trẻ em Trung Quốc bị thu giữ tại Mỹ

Tháng 5/2012, hơn 1.700 đôi giày trẻ em xuất xứ Trung Quốc đã bị kiểm định và thiêu hủy bởi Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ phối hợp cùng Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ tại cảng Seattle. Tổng trị giá của lô hàng này là hơn 23.000 đô la Mỹ (tương đương 500 triệu đồng).

Trước đó, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ đã đình chỉ xuất kho 1.700 đôi giày trẻ em để tiến hành kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Kết quả kiểm định cho thấy lượng chì có trong loại giày này lên tới 300 phần triệu, trong khi mức độ cho phép của tiêu chuẩn Mỹ là 100.

Trong năm 2011, gần 9.200 lô hàng giày dép của nữ giới và trẻ em bị kiểm định đã không đạt tiêu chuẩn để lưu thông trên thị trường Mỹ. Các chuyên gia y tế Mỹ cho biết giày độc một trong những sản phẩm nguy hại đến tính mạng của con người, đặc biệt là trẻ em bởi chất độc dễ ăn vào da trẻ hoặc thâm nhập vào cơ thể khi trẻ tiếp xúc với giày bằng tay rồi ngậm tay vào miệng.

Ý

Tháng 9/2011, chính phủ Ý đã tịch thu 1,7 triệu đôi giày da do Trung Quốc sản xuất ăn theo mẫu mã của các hãng thời trang danh tiếng Ý. Giới chức nước này cho biết, các mẫu giày trên vừa vi phạm luật bản quyền do ăn cắp thiết kế vừa chứa nhiều các hóa chất độc hại. Một cuộc tổng điều tra từ tháng 5.2008 đến 2011 đã lật tung đường dây tiêu thụ giày giả, bắt giữ 21 người Trung Quốc và 7 người Ý. Cảnh sát Ý đã lục xét 45 nhà kho và tiệm giày, tịch thu hàng ngàn đôi giày đang chuẩn bị tuồn ra thị trường. Các đối tượng này đều bị truy tố về tội xâm phạm tác quyền và cố tình gây hại sức khỏe cho cộng đồng.

Toàn bộ số giày trên được sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại dán nhãn quảng cáo làm từ da thuộc và sản xuất tại Ý. Cục Đo lường Tiêu chuẩn Ý đã tiến hành kiểm nhiệm các mẫu sản phẩm bị thu giữ và kết luận những đôi giày giả Ý này có hàm lượng Cr(VI) vượt mức cho phép, do đó có thể gây ung thư cho người sử dụng. Chất “hexavalent chromium”, gọi tắt là “Cr (VI)”, đuợc sử dụng trong kỹ nghệ nhuộm làm mực, sơn, thuộc da, bảo quản gỗ, có tác dụng chống mài mòn nhưng phải đuợc sử dụng với hàm lượng cho phép. Quá mức này, Cr(VI) sẽ bốc ra và tương tác với màng dịch sẽ tạo nên chất “carcinogen”, là chất gây ung thư phổi.

Giày Trung Quốc bị kết tội xâm phạm tác quyền và cố tình gây hại sức khỏe cho cộng đồng tại Ý

Úc

Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Úc (ACCC) đã phát hiện một hóa chất độc hại bị cấm ở châu Âu vì nó có thể gây bỏng, phát ban và khó khăn về đường hô hấp trong giày dép trẻ em nhập khẩu xuất xứ Trung Quốc. Một hãng bán lẻ nổi tiếng của nước này đã nhập lô hàng trên và phân phối cho nhiều trường trung học và tiểu học của Úc trong năm 2011-2012.

Theo kết quả kiểm tra của Hội đồng Công nghiệp Dệt may và Thời trang Úc, loại giày này chứa tới 25% chất DMF (dimethyl fumarate) trong khi chất này bị cấm hoàn toàn ở Úc và Liên minh châu Âu. Nhiều đơn khiếu nại vì bị dị ứng da chân do sử dụng loại giày này được gửi tới tấp đến ACCC trong tháng 5/2012. Tuy nhiên, hiện tổ chức này và những cơ quan kiểm duyệt, giám sát của Úc vẫn chưa có động thái nào để giải quyết vấn đề này.

Tây Ban Nha

Năm 2011, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Tây Ban Nha (SDC) phối hợp cùng Trung tâm tiêu chuẩn an toàn sản phẩm nước này đã ra quân tổng lực điều tra mặt hàng giày dép có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau khi nhận được đơn khiếu nại từ một phụ nữ ở Malaga (Tây Ban Nha) về việc bị dị ứng nặng khi vừa đi đôi bốt mới mua.

Hơn 1.900 đôi giày bị thu giữ do có chứa chất DMF sau kiểm nghiệm. Bộ Y tế Tây Ban Nha phải gửi thông báo khẩn đến các hiệp hội người tiêu dùng để kiểm tra và tịch thu mọi sản phẩm nghi ngờ độc hại trên toàn quốc. Hầu hết các sản phẩm giày dép này được bán ở các cửa hàng giá rẻ, nơi giá thành hiếm khi vượt quá 1 euro.

Anh Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang