Giò chả vẫn chưa an toàn

author 07:52 07/01/2014

Giám sát an toàn thực phẩm đã được thực hiện ở 63 tỉnh, thành cho thấy, việc sử dụng hàn the trong các loại đồ ăn như giò, chả, bún, miến… vẫn còn, tuy mức độ phổ biến đã giảm và mức độ sử dụng trong thực phẩm cũng không cao như trước.

Chỉ còn hơn ba tuần nữa là Tết Nguyên đán 2014, cũng là thời điểm vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) nóng nhất trong năm, khi khoảng thời gian này lượng thực phẩm được các gia đình, tập thể tiêu thụ nhiều nhất, đặc biệt là các mặt hàng thịt, rau, củ quả, mứt, giò, chả, bánh, kẹo, các loại hạt có dầu (hướng dương, hạt bí…) và rượu các loại. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển cũng tăng cường về số lượng nên chất lượng cũng khó kiểm soát, do nhiều người lợi dụng dịp nảy để buôn bán hàng nhập lậu, không có nguồn gốc… Mà chất lượng của các loại thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng nếu không được bảo quản đúng quy trình, hoặc cũng dễ ảnh hưởng do thời tiết khắc nghiệt.

Tại cuộc họp về vấn đề ATTP tổ chức ở Hà Nội, TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, để chấn chỉnh công tác ATTP, từ nay đến Tết, sẽ có 9 đoàn thanh tra liên ngành đi thanh, kiểm tra tại 18 địa phương, từ cấp xã đến cấp tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới. Việc thanh tra, kiểm tra không chỉ với việc sản xuất, kinh doanh mà cả việc nhập lậu thực phẩm. Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các sơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu thụ lớn trong dịp Tết như: rượu bia, bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm thịt, các loại mứt, trong đó, lưu ý cơ sở, sản xuất sản phẩm thủ công vv… Các đoàn cũng sẽ kiểm tra tại các chợ đầu mối.

Người tiêu dùng cần tẩy chay những sản phẩm không nguồn gốc

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, trong năm 2013, việc giám sát ATTP đã được thực hiện ở 63 tỉnh, thành và cho thấy, việc sử dụng hàn the trong các loại đồ ăn như giò, chả, bún, miến… vẫn còn, tuy mức độ phổ biến đã giảm và mức độ sử dụng trong thực phẩm cũng không cao như trước. Năm vừa qua, có phát hiện một số mẫu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhưng chỉ là đơn lẻ. Vì nhiều người sản xuất đã ý thức được hậu quả của việc lạm dụng chất cấm với sức khỏe con người, bên cạnh đó, số vụ vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh bằng việc tiêu hủy hết số sản phẩm vi phạm, kèm theo mức phạt cao hơn trước: mỗi vụ đã bị phạt từ 60-80 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm.

TS. Trần Quang Trung cho biết thêm, thông tin về việc hạt hướng dương có sử dụng chất cấm trên thị trường đã được Cục ATTP kiểm tra, giám sát, tuy nhiên, kết quả cho thấy, các chất sử dụng đều thấp hơn hoặc ở mức cho phép. Còn hóa chất để dùng cho trái cây nhanh chín không phải là vấn đề bất thường vì nhiều nước vẫn dùng, nhưng quan trọng đấy là loại hóa chất gì, liều dùng bao nhiêu để không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc ngộ độc rượu là vấn đề được báo giới đặc biệt quan tâm, sau những sự cố về loại rượu 29 Hà Nội vừa gây tử vong cho nhiều người.

Trả lời bên ngoài cuộc họp báo, ông Lâm Quốc Hùng cho biết: Cục ATTP đã tiến hành kiểm nghiệm 2.020 mẫu thực phẩm với 37 chỉ tiêu, 252 mẫu rượu và đã phát hiện nhiều mẫu không đạt. Hầu hết các cơ sở sử dụng cồn thực phẩm đúng cho rượu sẽ không có Methanol, chủ yếu có ở rượu nấu thủ công nhưng phụ thuộc vào thời gian trưng cất dài hay ngắn, để Methanol bay hơi. Các vụ ngộ độc rượu đã xảy ra ở Đồng Nai, Đăk Lăk, Bình Dương… đều do có pha lẫn cồn Methanol.

Cục ATTP cho biết, hiện nay, các làng nghề như làm giò chả, mứt đều có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ và tên cơ sở sản xuất, để chịu trách nhiệm về sản phẩm. Bên cạnh việc xử lý và tuyên truyền để người sản xuất phải có trách nhiệm với cộng đồng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm bán ra, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm sử dụng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên sản phẩm. Vì gần đây, có trường hợp phản ánh bánh dẻo của một khách sạn mua về sử dụng nhưng bị hỏng, nhưng khi kiểm tra lại toàn bộ quy trình, thì bánh bị hỏng do người dùng không theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất là để trong tủ lạnh sau khi đã mở hộp.

Cục ATTP khuyến cáo: người tiêu dùng cần phải đặc biệt phát huy vai trò quan trọng của mình trong kiểm soát ATTP, bằng việc không sử dụng hàng hóa không nguồn gốc và tẩy chay những nơi bán hàng không đảm bảo chất lượng. Trên thị trường hiện có bán nhiều sản phẩm không bảo quản đúng quy trình của nhà sản xuất như sữa, bánh ngọt không để trong tủ mát, nên đã bị hỏng dù vẫn còn hạn, khiến nhiều người tiêu dùng không để ý hoặc không biết là đã mua phải hàng hóa bị hỏng. Để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, nhất là có kiến thức sử dụng thực phẩm thế nào có an toàn. Riêng người sản xuất phải đảm bảo tuyệt đối kiến thức pháp luật về ATTP.

TS. Trần Quang Trung cam kết sẽ công khai ngay kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về vấn đề ATTP trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời những cơ sở vi phạm, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Theo Petrotimes


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang