Giống luật sư da đen, người tỉnh lẻ cũng có một giấc mơ

author 08:08 29/05/2013

(VietQ.vn) – Người tỉnh lẻ mơ rằng, con cái của họ cũng được học bình đẳng cùng con cái những người có hộ khẩu thành phố.

Cái lý của người thành thị…

Đề ra dự thảo sửa đổi Luật Cư trú, người ta cho rằng, phải hạn chế nhập cư, để tránh quá tải trường học, bệnh viện….khi mà người tỉnh lẻ về mưu sinh ở các thành phố ngày một tăng.

Bằng cách đó, họ đã coi, những người có hộ khẩu ở Hà Nội, TP HCM là những “công dân hạng nhất”, được ưu tiên cho con cái học những trường được đầu tư lớn, được chữa bệnh tại bệnh viện tuyến Trung ương (dành cho dân cả nước chứ không phải chỉ cho Hà Nội), được hưởng thụ các chương trình văn hóa đặc sắc, được đi trên các tuyến đường rộng thênh thang…

Còn những “công dân hạng hai” là  những người tỉnh lẻ. Chỗ của họ nên trở về với cánh đồng làng quê, dù bây giờ đã bị san bằng nhiều nơi để làm nhà máy, khu công nghiệp. Công việc của họ nên là làm nông, tiểu thủ công nghiệp…chứ không nên đặt chân ở chốn “công chức cổ cồn”, hoạt động toàn dùng trí thức.

Không hiểu Đại biểu Quốc hội – những người không phải lúc nào cũng làm việc ở làng quê nông thôn, có đồng tình với những luận điểm ấy không?

…và giấc mơ Người tỉnh lẻ

Hơn 50 năm trước, luật sư Luther King đã có bài diễn văn nổi tiếng: "Tôi có một giấc mơ" nói về khát khao của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng.

Bao giờ những giấc mơ của người tỉnh lẻ thành hiện thực?
Bao giờ những giấc mơ của người tỉnh lẻ thành hiện thực?

Ngày xưa, Luther King nói: “Hôm nay, tôi sung sướng có mặt ở đây cùng các bạn trong sự kiện sẽ đi vào lịch sử chúng ta như là cuộc tuần hành vì tự do vĩ đại nhất”.

Ngày nay,  Người tỉnh lẻ muốn nói: “Tôi xin gửi đến các đại biểu Quốc hội những ước mơ bình dị”.

Ngày xưa, Luther King nói: “Một trăm năm trước đây, một người Mỹ vĩ đại  đã ký bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ. Văn kiện trọng đại này đã đến như ánh sáng của ngọn hải đăng dẫn soi niềm hi vọng của hàng triệu người da đen, những con người bị thiêu héo trong ngọn lửa của sự bất công. Nó đã đến như bình minh rộn rã để kết thúc đêm dài tăm tối của kiếp nô lệ”.

Ngày nay, người tỉnh lẻ muốn nói: “Gần 70 năm trước đây, Bác Hồ - người Việt Nam vĩ đại – đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam. Sau đó là Hiến pháp 1946. Những ánh sáng đó thừa nhận quyền tự do sinh sống, đi lại, mưu sinh của tất cả mọi người”.

Ngày xưa, luật sư da màu nói: “Nhưng một trăm năm sau, người da đen vẫn chưa được tự do”.

Ngày nay, người tỉnh lẻ muốn nói: “Nhưng gần 70 năm sau, người tỉnh lẻ lại đối diện với nguy cơ bị phân biệt đối xử, ngay trên đất nước họ”.

Ngày xưa, Luther King nói to: “Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày khi đất nước này trỗi dậy để sống theo ý nghĩa thật của niềm xác tín của chính mình: Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người sinh ra đều bình đẳng”.

Ngày nay, người tỉnh lẻ muốn hô dõng dạc: “Chúng tôi có một giấc mơ, là người tỉnh lẻ và người thành thị đều sinh ra bình đẳng”.

Ngày xưa, Luther King nói: “Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại với nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ”.

Ngày nay, người tỉnh lẻ muốn nói: “Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên đất Thăng Long, con của người tỉnh lẻ và người có hộ khẩu Hà Nội, sẽ ngồi học với nhau trong những ngôi trường công lập, trong tình bạn hữu”.

Ngày xưa, Luther King nói: “Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bởi màu da, mà bởi tính cách của chúng”.

Ngày nay, người tỉnh lẻ mơ: “Chúng tôi có một giấc mơ, rồi một ngày, các con của chúng tôi sẽ sống trong một xã hội mà chúng không còn bị đánh giá bởi Sổ hộ khẩu mà bởi đạo đức và sự cống hiến của chúng”.

Ngày xưa, luật sư da màu làm mọi người nức lòng khi nói: “Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi đồi núi sẽ bị hạ thấp, chỗ lồi lõm sẽ được san bằng, chỗ quanh co sẽ thành ngay thẳng…”

Ngày nay, người tỉnh lẻ mong các Đại biểu Quốc hội không chỉ “mơ” mà hãy “hành động”, để có "một ngày, mọi kế hoạch và nguồn vốn đầu tư sẽ được “san bằng” – hài hòa giữa các tỉnh thành, không có nơi nào được quá nhiều ưu ái hơn các vùng khác”.

 

Nguyễn Phương - Thanh Nhàn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang