Giữ thói quen 'cú đêm', người trẻ có thể mắc phải căn bệnh nguy hiểm

author 06:09 30/12/2018

(VietQ.vn) - Theo các nhà khoa học, thói quen 'cú đêm' có thể khiến chế độ ăn uống thay đổi thất thường, từ đó tăng nguy cơ bị mắc bệnh tiểu đường.

Sự kiện: Cảnh báo sức khỏe

Các nhà nghiên cứu khoa học tại châu Âu cho rằng, họ đang có trong tay nhiều bằng chứng chứng minh rằng những người có thói quen “cú đêm” có nguy cơ mắc phải một số bệnh. Đồng thời, những người này sẽ có xu hướng ăn uống thất thường và tiêu thụ các thực phẩm không lành mạnh.

“Cú đêm” có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường

Theo các nhà khoa học, cơ thể con người hoạt động theo chu kỳ 24 giờ và được điều chỉnh bởi đồng hồ sinh học (hay còn được gọi là nhịp sinh học hoặc đặc điểm sinh học). Chiếc đồng hồ sinh học này điều chỉnh nhiều chức năng vật lý, chẳng hạn như cho chúng ta biết khi nào nên ăn, nên ngủ và thức dậy. Đặc điểm sinh học của mỗi cá nhân cũng là yếu tố góp phần quyết định thói quen dậy sớm hoặc ngủ muộn của mỗi người.

Những nhà nghiên cứu cho rằng, trong tay họ hiện có bằng chứng chứng minh về mối liên hệ giữa bệnh tim và bệnh tiểu đường cấp 2 với những người có đặc điểm sinh học ban đêm - những người có xu hướng làm việc hay tiến hành các hoạt động vào buổi tối nhiều hơn ban ngày. Cụ thể, những người đi ngủ muộn thường có chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ nhiều rượu, đường, đồ uống chứa caffein và thức ăn nhanh hơn những người dậy sớm (những người dậy sớm tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả hơn trong một ngày).

Thống kê cho thấy những người có thói quen “cú đêm” thường xuyên bỏ bữa sáng và ăn muộn trong ngày. Chế độ dinh dưỡng của họ cũng có ít ngũ cốc, lúa mạch đen hay rau củ và họ cũng ăn ít hơn hơn dù những bữa ăn thường lớn hơn.  Điều này có thể giải thích cho lý do những người "cú đêm" có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính cao hơn.

Thói quen thức muộn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: Life4share 

Việc ăn muộn trong ngày cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cấp 2 vì nhịp sinh học ảnh hưởng đến việc chuyển hóa glucose trong cơ thể. Thông thường, lượng glucose nên được giảm một cách tự nhiên trong suốt cả ngày và đạt đến mức thấp nhất vào ban đêm. Tuy nhiên, vì những người có thói quen thức muộn thường ăn ngay trước khi đi ngủ, nồng độ glucose của họ, trái lại, tăng cao trước khi đi ngủ. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trao đổi chất vì cơ thể chúng ta khi ấy lại không tuân theo quy trình sinh học bình thường.

Một nghiên cứu khác còn cho thấy rõ rằng, những người có sở thích "cú đêm" sở hữu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cấp 2 cao gấp 2,5 lần so với những người có sở thích dậy sớm.

Điều này cũng tác động đến những người làm việc theo ca - đặc biệt là thay ca luân phiên - vì họ phải liên tục điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình để phù hợp với giờ làm việc. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc điều chỉnh này làm giảm độ nhạy cảm với insulin và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ glucose, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cấp 2 cao hơn.

Đồng hồ sinh học có thể thay đổi theo thời điểm nhất định

Nghiên cứu về tác hại của việc thức khuya đối sức khỏe của con người cũng giúp các nhà khoa học phát hiện thêm một điều khá thú vị. Đó chính là sở thích dậy sớm và đi ngủ muộn của mỗi người sẽ thay đổi ở những thời điểm nhất định trong vòng đời.

Đặc điểm sinh học buổi sáng (có thể hiểu là thói quen dậy sớm) phổ biến hơn ở trẻ em và có thể xuất hiện ở những em bé mới 3 tuần tuổi. Đặc điểm này sẽ thay đổi trong suốt thời thơ ấu. Trong khi hơn 90% các bé 2 tuổi có sở thích hoạt động buổi sáng, tỷ lệ này giảm xuống còn 58% khi các bé được 6 tuổi và chuyển sang hướng ưu tiên buổi tối (có thể hiểu là thói quen thức muộn hơn) ở tuổi dậy thì. Xu hướng hoạt động vào buổi tối này thường giữ nguyên cho đến khi một người trưởng thành đạt tầm 50 tuổi, sau đó họ bắt đầu trở lại sở thích buổi sáng.

Các nhà khoa học còn chỉ ra rằng, đặc tính dân tộc và xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của mỗi người. Ví dụ, các nghiên cứu đã tiết lộ rằng người Đức thường thích hoạt động vào buổi tối hơn so với người Ấn Độ và người Slovaki. Cũng có thể có sự khác biệt giữa những người sống ở khu vực thành thị và nông thôn trong cùng một quốc gia.

Một nghiên cứu khác thì khẳng định, việc tiếp xúc với ánh sáng ban ngày ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tiếng ồn, ánh sáng xung quanh và sự đông đúc của môi trường đô thị có thể khiến những người ở thành phố có xu hướng hoạt động vào buổi tối nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng rằng những người "cú đêm" sẽ tích lũy "nợ ngủ" trong cả tuần làm việc và sẽ ngủ bù vào cuối tuần. Do đó, giấc ngủ cuối tuần của họ thường dài hơn những người khác.

Nói về phát hiện trên, tiến sĩ Almoosawi, thành viên nhóm nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng Northumbria, giải thích: "Chúng tôi nhận thấy gen, sắc tộc và giới tính có tính quyết định đối với đặc điểm sinh học của mỗi người. Ở tuổi trưởng thành, những người "cú đêm" có nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường loại 2 cao hơn. Điều này có thể là do hành vi ăn uống và chế độ ăn uống không khoa học”.

Bảo Lâm (Theo Medscape, Foodnavigator)

Tế bào não sẽ tự 'ăn' chính mình gây mất trí nhớ nếu thức khuya nhiều(VietQ.vn) - Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Bách khoa Marche ở Italy chỉ ra rằng, thiếu ngủ có thể là nguyên nhân khiến các phần của khớp thần kinh bị các tế bào não khác “ăn”.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang