GLTT: 'Cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia'

author 09:00 01/03/2016

(VietQ.vn) - Chất lượng Việt Nam tổ chức buổi Giao lưu Trực tuyến: “Cộng đồng doanh nhân-Doanh nghiệp với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia" vào lúc 9h ngày 01/3/2016.

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

GLTT: Cộng đồng doanh nhân - Doanh nghiệp với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

Ông Trần Văn Dư (giữa) - Tổng biên tập Chất lượng Việt Nam (vietq.vn) tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình GLTT

Với bề dày 20 năm triển khai và hoạt động, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã và đang ngày càng nâng cao vị thế, uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực cho phong trào năng suất và chất lượng trong hai thập niên qua, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. 

Nhằm tư vấn cho doanh nghiệp về các tiêu chí đánh giá, hồ sơ tham gia Giải thưởng, chia sẻ những khó khăn, nguyện vọng của doanh nghiệp trước và trong quá trình tham gia Giải thưởng. Đồng thời cập nhật thông tin về tình hình trao giải và quảng bá ý nghĩa to lớn của Giải thưởng với hoạt động của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vào lúc 9h ngày 1/3/2016, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Cộng đồng doanh nhân-Doanh nghiệp với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia" với sự tham gia của các khách mời:

- Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng  - Tổng cục TCĐLCL

- Ông Đặng Quang Huấn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ KH&CN - Thành viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015

- Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

- Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

- Ông Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime

 Xin mời doanh nghiệp, quý vị độc giả quan tâm xin gửi câu hỏi cho các khách mời về địa chỉ: [email protected]

BBT

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

- Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã triển khai được 20 năm (từ năm 1996). Vậy ông có thể chia sẻ những tác động tích cực mà Giải thưởng mang lại cho doanh nghiệp? ( Nguyễn Thị Minh Anh - [email protected] )

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại Giao lưu trực tuyến

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại Giao lưu trực tuyến

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia ngoài ý nghĩa tôn vinh doanh nghiệp còn là một mô hình kinh doanh tuyệt hảo đã được sử dụng làm mô hình giải thưởng ở các nước tiên tiến. Chính vì vậy, doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có cơ hội sử dụng tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia như một công cụ tự đánh giá, đối chiếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và cải tiến hoạt động quản lý nói chung, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh doanh.

Vấn đề năng suất chất lượng được xem xét trong các hạng mục cụ thể của 7 tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia,  thể hiện ở các nội dung như: Thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh vững chắc của doanh nghiệp; Xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp; Cam kết phấn đấu vươn tới sự tuyệt hảo về quản lý chất lượng; Quản lý và đổi mới không ngừng quá trình quản lý; chú trọng vào hiệu quả hoạt động SXKD. Đồng thời việc áp dụng tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực, hướng tới xu thế phát huy sự chủ động và sáng tạo của người lao động, lấy khách hàng làm trọng tâm trong động lực cải tiến và phát triển.

Vì vậy, việc tham gia trong các chương trình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hàng năm đã và đang tạo ra những cơ hội cho các Doanh nghiệp trong việc học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý của mình. Bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp đạt giải đều là những doanh nghiệp làm ăn tốt, có “tiếng tăm”, áp dụng hiệu lực và hiệu quả các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến trên thế giới.

- Được biết năm 2016, Bộ KH&CN có tổ chức nhiều giải thưởng, xin ông cho biết các giải thưởng đó liên quan đến đến nội dung gì? ( Lê Hoàn - [email protected] )

Ông Đặng Quang Huấn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ KH&CN - Thành viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015:

Năm 2016, dự kiến Bộ KHCN sẽ chủ trì, tổ chức xét tặng các giải thưởng, cụ thể như sau:

Thứ nhất là Giải thưởng báo chí về KH&CN.

Thứ hai là Giải thưởng Tạ Quang Bửu - Giải thưởng của Bộ KHCN xét tặng cho tác giả, đồng tác giả có công trình, các công trình KH nghiên cứu cơ bản xuất sắc hoặc các công trình nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng.

Thứ ba là GTCLQG dự kiến sẽ công bố và trao tặng giải thưởng vào dịp kỷ niệm ngày KHCN Việt Nam 18/5.

Thứ tư là Giải thưởng về SHTT.

Thứ năm là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN.

- Là thành viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, theo ý kiến của ông, cần phải làm gì để giải thưởng xứng đáng với tầm vóc của nó thu hút được sự quan tâm của đông đảo DN tham gia? ( Bảo Khánh - [email protected] )

Ông Đặng Quang Huấn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ KH&CN - Thành viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015:

Theo tôi sau 20 năm tổ chức xét tặng GTCLQG, cần có bổ sung, sửa đổi để GTCLQG ngày càng xứng đáng tầm vóc của giải thưởng này. Cụ thể:

- Thứ nhất, về công tác xây dựng VBQPPL: Cần xây dựng văn bản tầm NĐ CP quy định về điều kiện, thủ tục xét tặng GTCLQG theo khoản 2 Điều 7 Luật CLSPHH.

- Thứ hai, nên cân nhắc để kế thừa nhưng có sửa đổi các tiêu chí xét tặng GT cho phù hợp xu thế phát triển KHCN cũng như hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước hiện nay. Ví dụ: Thay tiêu chí Đo lường, phát triển nguồn nhân lực bằng tiêu chí: Quy định về tỷ lệ đổi mới Công nghệ; mức độ đầu tư Công nghệ tiên tiến của doanh nghiệp,...

- Thứ ba, quy định về điều kiện, tiêu chí mà không khống chế số lượng doanh nghiệp đạt Giải Vàng CLQG, Giải Bạc CLQG như hiện nay.

- Thứ tư, nên đơn giản hóa quy trình, hồ sơ đề nghị xét tặng để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tham gia GTCLQG.

- Cuối cùng là nên bổ sung quyền lợi cụ thể cho các doanh nghiệp đạt giải Vàng CLQG và giải Bạc CLQG (Ví dụ: Tỷ lệ % miễn giảm thuế doanh nghiệp, thuế đất đai,...)

- Thưa ông, trong quá trình thực hiện, triển khai, kinh doanh, sản xuất, các đơn vị, doanh nghiệp… gặp phải những vướng mắc, khó khăn gì về việc phấn đấu phát triển để được vinh danh, tiếp cận với giải thưởng NCNSCL? ( Bùi Phượng - [email protected] )

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Giải thưởng CLQG cần sự ủng hộ của cơ quan Nhà nước và cơ quan quản lý, cộng đồng vì còn gặp khó khăn tiếp cận đến mặt bằng sản xuất ổn định, tiếp cận công nghệ tiên tiến; khó khăn tiếp cận thông tin. đại bộ phận DN không biết rõ về hồ sơ tham gia GT. Vì vậy, hội đồng Giải thưởng cần truyền thông để các địa phương tiếp cận được thông tin.

- Ban tổ chức gặp khó khăn vướng mắc gì trong việc chấm, xét, bình chọn đối với các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng năm nay? ( Hoàng Mạc - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Theo tôi đánh giá khó khăn nhất đối với các Hội đồng sơ tuyển và Hội đồng quốc gia là làm sao xem xét, đánh giá đảm bảo được tính chính xác cao nhất khi lựa chọn và đề xuất trao giải cho các DN tham dự. Bởi lẽ các DN tham dự đều xứng đáng được tôn vinh. 

- Theo ông vai trò của doanh nhân, người lãnh đạo trong doanh nghiệp như thế nào để kiến tạo một doanh nghiệp thực sự thịnh vượng? ( Vũ Hà - [email protected] )

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Theo tôi, người lãnh đạo phải có "tâm" - tâm huyết với nghề, đam mê, ước mơ, khát vọng...; Có trình độ nhất định trong quản lý, am hiểu về lĩnh vực hoạt động của mình; Dám hành động quyết liệt, dũng cảm dám chấp nhận rủi ro vì sứ mệnh của DN mà người ta hay ví như 1 con thuyền, thì phải hiểu con thuyền được đóng ra không phải để đỗ ở 1 neo đậu bình yên mà sứ mệnh của nó là ngoài biển khơi bao la; Quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ nhân viên trong DN; Biết coi trọng và động viên sự sáng tạo để hội tụ nhân lực, dẫn dắt đến thành công.

- Tôi thấy hiện nay có nhiều DN nhà nước, tập đoàn lớn có nhà máy, văn phòng nằm ở địa phương nhưng thuộc quản lý của TƯ. Vậy theo quy trình tham gia xét giải phải từ địa phương, như vậy các DN, tập đoàn này sẽ phải thực hiện như thế nào? ( Nguyễn Hoàng Anh - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Theo quy định của GTCLQG, DN đăng ký tham dự GTCLQG và nộp hồ sơ tham dự tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hội đồng sơ tuyển tại tỉnh, thành phố tiến hành xem xét, đánh giá hồ sơ và đánh giá tại DN trước khi trình kết quả đánh giá và đề xuất trao giải cho Hội đồng quốc gia. Trước khi trình Thủ tướng CP ký quyết định trao giải, Bộ KHCN lấy ý kiến hiệp y trao giải của UBND các tỉnh, thành phố có DN được đề nghị trao giải.

Do vậy, khi muốn tìm hiểu thông tin và đăng ký tham dự GTCLQG, DN liên hệ trực tiếp với cơ quan thường trực GTCLQG tại địa phương là Chi cục TĐC các tỉnh, thành phố.

- Việc xét tặng Giải thưởng trong những năm qua rất chặt chẽ, điều này đã khiến cho không ít doanh nghiệp dù rất quan tâm nhưng gặp khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này? ( Khánh Linh - [email protected] )

Ông Đặng Quang Huấn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ KH&CN - Thành viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015:

Theo tôi, GTCLQG được các Doanh nghiệp đánh giá là GT có uy tín và được Bộ KHCN (Tổng cục TDDC) tổ chức xét tặng chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình. Các DN đã rất tự hào đạt GTCLQG trong các năm vừa qua. Tự hào vì chất lượng SPHH của các DN đạt GTCLQG được xã hội và người tiêu dùng đánh giá cao (ví dụ như SP của Cty CP dược phẩm Trafaco, Ngân hàng CPTM Quân đội; Cty VT BVTV Nghệ An, Công ty May 10 thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam; Công ty Gốm sứ Hạ Long;....).

Trong thời gian tới để thu hút được nhiều doanh nghiệp có chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cần đơn giản hóa tối đa quy trình và hồ sơ xét tặng. Ví dụ, như một số các doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa có uy tín cao đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Tập đoàn Mỹ Lan, Gốm sứ Minh Long, Bóng đèn phích nước Rạng Đông,... thì nên thực hiện theo đúng quy trình thủ tục đã được quy định trong các văn bản QPPL. Tuy nhiên, Tổng cục TĐC - Cơ quan thường trực về GTCLQG sẽ hỗ trợ, tư vấn giúp đơn giản hóa các quy trình thủ tục này.

- Nếu có hai sự lựa chọn: “Chất lượng – Lợi nhuận” và “Số lượng – Lợi nhuận” ông chọn cách nào? ( Minh Lê - [email protected] )

Ông Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime:

Nếu có 2 sự lựa chọn đó thì tập đoàn chúng tôi lựa chọn "Chất lượng" vì nếu chúng ta lựa chọn sản xuất sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì sẽ đạt được thành công.

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả 20 năm giải thưởng đồng hành cùng doanh nghiệp? Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thực sự “chuyển mình” khi tiếp cận với giải thưởng hay không? ( Mỹ Hạnh - [email protected] )

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Theo tôi, công tác tổ chức giải thưởng đã chuyên nghiệp hơn, chất lượng cao hơn, có tác động tích cực tới cộng đồng Doanh nghiệp. Các DN được chọn thực sự là DN xứng đáng. Qua đó thấy được tính chuyên nghiệp và chuẩn mực của ban tổ chức giải thưởng.

Để đạt giải thưởng, DN cần phấn đấu hơn để đạt chuẩn của giải thưởng tạo động lực cho DN hiện đại hơn.

- Tập đoàn Prime hiện áp dụng HTQLCL và công cụ quản lý nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa như thế nào? ( Thu Minh - [email protected] )

Ông Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime:

Hiện nay về các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thì tập đoàn Prime đang áp dụng các hệ thống quản lý: ISO 9001:2008 (Hệ thống quản lý chất lượng); ISO 14001 (Hệ thông quản lý môi trường); OHSAS 18001 (Hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp); ISO 50001:2011 (Hệ thống quản lý năng lượng).

Ngoài ra tập đoàn còn áp dụng công cụ quản lý như: TQM (Quản lý chất lượng toàn diện). Quan trọng nhất là triết lý kinh doanh của tập đoàn mang tên SCG: Cam kết vì sự công bằng - Phấn đấu đạt đến sự xuất sắc - Tin tưởng vào giá trị con người - Quan tâm đến trách nhiệm xã hội. 

- Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã trải qua 20 năm, các văn bản về giải thưởng này đã có sự thay đổi như thế nào? ( Quỳnh Vân - [email protected] )

Ông Đặng Quang Huấn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ KH&CN - Thành viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015:

20 năm tổ chức GTCLQG dựa trên cơ sở TT 17/2011 và TT 07/2012. Mặt khác, theo QĐ tại Khoản 2 Điều 7 Luật CLSP, hàng hóa, điều kiện, thủ tục xét tặng GTCLQG do Chính phủ quy định. Tuy nhiên đến thời điểm này chưa có quy định cấp Chính phủ đối với riêng GTCLQG. Do vậy, theo tôi trong thời gian tới Tổng cục TĐC phối hợp với VỤ TĐKT xây dựng NĐ về GTCLQG trình Bộ để Bộ trình Chính phủ.

Tôi được biết, trong chương trình xây dựng VBQPPL năm 2014 của Bộ KHCN có trình Chính phủ dự thảo NĐ quy định về GTCLQG; tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương và Bộ sẽ cân nhắc và đề nghị Chính phủ cho phép sửa đổi NĐ 132/2008 ngày 31/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật CLSPHH trong đó có nội dung quy định về GTCLQG cho phù hợp tình hình phát triển kinh tế và hội nhập thương mại hiện nay. Điều kiện, quy trình xét tặng trong 20 năm qua chưa thay đổi nhiều về điều kiện, tiêu chí và hồ sơ cũng như quy trình xét tặng giải thưởng.

- Là một luật gia, theo ông Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cần phải điều chỉnh gì về mặt quy định để các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với giải thưởng? ( Hồng Nhung - [email protected] )

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

GTCLQG cần điều chỉnh cách thức, xét chọn các DN, mở rộng hơn kênh xét chọn như thông qua cơ quan thành viên trong hội đồng giải thưởng, hạn chế quy định về hồ sơ mang tính hành chính, tuyên truyền, truyền thông về giải thưởng rộng, mạnh mẽ.

- Tên của Giải thưởng là Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Vậy "Chất lượng" ở đây được hiểu là "Dịch vụ, sản phẩm chất lượng" hay không? ( Hoàng Anh Minh - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Giải thưởng chất lượng quốc gia là giải thưởng trao cho tổ chức, doanh nghiệp đạt những thành tích xuất sắc và thành tựu nổi bật trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Như vậy "Chất lượng" ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là chất lượng của cả hệ thống quản lý của DN, trong đó có cả chất lượng đầu ra của DN, đó là các sản phẩm, dịch vụ.

- Thưa ông, là đơn vị giúp Bộ trưởng trong công tác thi đua khen thưởng, xin ông cho biết sự phối hợp giữa công tác này đối với cơ quan thường trực của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia thời gian qua như thế nào? ( Vân Anh - [email protected] )

Ông Đặng Quang Huấn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ KH&CN - Thành viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015:

Ông Đặng Quang Huấn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ KH&CN - Thành viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015Ông Đặng Quang Huấn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi về Chương trình Giao lưu Trực tuyến do Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức

Vụ Thi đua khen thưởng (TĐKT) là đơn vị trực thuộc Bộ, tham mưu giúp việc Bộ trưởng thực hiện công tác TĐKT trong lĩnh vực quản lý về Khoa học và Công nghệ (Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Hoạt động và xây dựng tiềm lực Khoa học và Công nghệ, Sở hữu trí tuệ; An toàn, An ninh Hạt nhân, Năng lượng Nguyên tử).

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định 872 QĐ-BKHCN ngày 22/4/2013 về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Vụ TĐKT. Qua hơn 3 năm thành lập và hoạt động theo Nghị định 20/2013/NĐ-CP ngày 26/2/2013 của Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ KHCN, Vụ TĐKT đã thường xuyên phối hợp tốt với các đơn vị trực thuộc Bộ, giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước các lĩnh vực nêu trên, trong đó có Tổng cục TDC là cơ quan thường trực tổ chức Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (Các nội dung phối hợp như: Xây dựng văn bản QPPL; tham gia Ban tổ chức, cử người tham gia thành viên Hội đồng Giải thưởng Quốc gia và tổ chức công bố trao tặng giải thưởng hàng năm cho các doanh nghiệp trong các năm 2013, 2014 và dự kiến là 2015 vào dịp Kỷ niệm Ngày KHCN VN 18/5).

- Để đảm bảo uy tín cho giải thưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cập nhật tiêu chí như thế nào để phù hợp với xu hướng phát triển của doanh nghiệp? ( Lưu Anh Đào - [email protected] )

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Thông thường, theo chu trình 2 năm một lần, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ xem xét, cập nhập các tiêu chí của GTCLQG để đảm bảo các tiêu chí của Giải thưởng luôn phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, thực tiễn quản lý và đòi hỏi khách quan của người tiêu dùng. Việc cập nhật này cũng là thông lệ phổ biến được quy định ở những Giải thưởng chất lượng quốc tế có uy tín.

Trong quá trình cập nhật, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thường xuyên tham khảo những thay đổi trong tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Malcolm Baldrige hay Giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương. Những thay đổi và cập nhật này sẽ giúp cho DN tiếp cận đến những công cụ nâng cao năng suất chất lượng, tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến và mới nhất.

- Hiện nay có rất nhiều giải thưởng được trao cho DN hàng năm, vậy GTCLQG có gì khác so với các giải thưởng khác? ( Nguyễn Hải Sơn - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Đây là giải thưởng Quốc gia về chất lượng do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng hàng năm nhằm xem xét, đánh giá và trao giải thưởng chất lượng cho những doanh nghiệp đạt những thành tích xuất sắc và thành tựu nổi bật trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Giải thưởng chất lượng với những tiêu chí và mô hình áp dụng đều dựa trên các nguyên lý và phương pháp quản lý hiện đại.

GTCLQG chấp nhận mô hình Giải thưởng Chất lượng của các quốc gia tiên tiến.

GTCLQG thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - TBD, những DN đạt Giải Vàng xuất sắc nhất trong 02 năm gần nhất được lựa chọn và đề cử tham dự Giải thưởng này. Do vậy, GTCLQG mang tính hội nhập quốc tế và khu vực.

- Ông đánh giá như thế nào về Giải thưởng chất lượng Quốc gia? Tập đoàn Prime có kế hoạch chinh phục Giải thưởng chất lượng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hay không? ( Hoàng Anh - [email protected] )

Ông Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime:

Các tiêu chí xét giải của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia rất hữu ích đối với sự phát triển của DN vì 7 tiêu chí này đã bao quát mọi mặt hoạt động của DN. Đây là một giải thưởng uy tín của Việt Nam mà các DN đều mong muốn đạt được.

Tập đoàn Prime luôn hướng tới việc cải thiện chất lượng sản phẩm để mang đến cho khách hàng sự hài lòng tối đa. Việc tham gia các Giải thưởng Chất lượng là một vinh dự cho tập đoàn bởi vì sự nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm của chúng tôi đã được ghi nhận. 

- Tôi thấy Giải thưởng Chất lượng Quốc gia dành cho doanh nghiệp nhưng chưa có sự liên kết chặt chẽ Hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan thường trực của Giải thưởng. Theo ông cần giải quyết vấn đề này như thế nào trong thời gian tới? ( Thúy Quỳnh - [email protected] )

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Không phải liên kết mà là hợp tác, phối hợp tổ chức Giải thường. Hợp tác giữa các cơ quan khác nhau cần có cơ chế, quy trình chuẩn để các cơ quan dựa vào đó. Quy trình chuẩn cần đáp ứng 1 số yêu cầu như phát huy hết thế mạnh các bên tham gia; các thông tin phải rõ ràng, tức thời; hạn chế tối đa quy định về hành chính, giấy tờ; các cơ quan được hỗ trợ mạnh mẽ khi đánh giá chất lượng SP- DV. Thêm vào đó, việc xét tuyển sơ tuyển phải đa dạng.

- Doanh nghiệp phải hội đủ những tiêu chuẩn nào thì được tham dự xét tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia? ( Bình Nguyên - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

Doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là các doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục tại Việt Nam và không vi phạm các quy định của pháp luật trong thời gian gần nhất ít nhất là 3 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký của năm tham gia xét thưởng.

Trường hợp doanh nghiệp đã được tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia Việt Nam thì sau 03 năm kể từ năm được Thủ tướng Chính phủ tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia Việt Nam tiếp tục được tham gia lại Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tặng cho doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp đã được tặng Giải Chất lượng Quốc gia Việt Nam thì được tiếp tục tham gia lại Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tặng cho doanh nghiệp. 

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự đáp ứng các tiêu chí của giải thưởng Chất lượng Quốc gia trong việc giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực hội nhập quốc tế? ( Trần Hoàng Hạnh - [email protected] )

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ hiện nay, đặc biệt là khi Việt Nam đã hoàn tất đàm phán tham gia các Hiệp định thương mại tự do như TPP, DN có cơ hội mở rộng thị trường nhưng cũng gặp thách thức không nhỏ trong việc phải cạnh tranh với những DN hàng đầu ở những nước phát triển. Khi đó, GTCLQG cũng như các hệ thống, công cụ quản lý khác sẽ thực sự đem lại lợi ích thiết thực chỉ khi DN thấu hiểu được tầm quan trọng của nó, biết áp dụng và duy trì một cách có hiệu quả và hiệu lực chúng vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới mục đích cốt lõi là nâng cao năng lực cạnh tranh.

Như tôi đã trao đổi ở câu hỏi trước, ngoài giá trị tôn vinh, DN phải thấy được GTCLQG trên hết là một chuẩn mực, chuẩn đối sánh và phương pháp thực hành tốt để DN đánh giá thực trạng hoạt động của mình so với đối thủ cạnh tranh hàng đầu trong cùng lĩnh vực. Qua quá trình đánh giá thực trạng và so sánh đối chuẩn, DN sẽ thấp được những cơ hội cải tiến hoàn thiện quy trình, hệ thống, hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng của sản phẩm và dịch vụ mà mình cung cấp, đáp ứng nhu cầu của thị trường mà doanh nghiệp hướng đến.

- Tổng cục TĐC có tư vấn gì cho DN vừa và nhỏ tham gia giải thưởng hay không? ( Thanh Yến - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Theo tôi, doanh nghiệp - đặc biệt là DN nhỏ và vừa - cần chủ động và tích cực tìm hiểu các tiêu chí GTCLQG để nhận thức đầy đủ mục đích của Giải thưởng, để so sánh năng lực thực sự của mình có đáp ứng được hay không với các yêu cầu của Giải thưởng.

Tổng cục TĐC luôn chủ động hỗ trợ cho các DN đăng ký tham dự. Chương trình 712 về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có những hoạt động hỗ trợ rất cụ thể cho DN nhỏ và vừa tham gia hoạt động GTCLQG như: đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về Giải thưởng; tuyên truyền, phổ biến về Giải thưởng và cho DN đạt giải; tư vấn hỗ trợ DN trong quá trình viết báo cáo tham dự. Tại các địa phương, Tổng cục TĐC phối hợp chặt chẽ với các Hội đồng sơ tuyển tỉnh, thành phố tư vấn, hỗ trợ DN tham dự ngay từ ban đầu. Các DN sau khi đạt giải thưởng được địa phương hỗ trợ tham gia vào các chương trình năng suất chất lượng của địa phương, như áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, được tôn vinh và hưởng các ưu đãi, ưu tiên về đầu tư, chính sách hỗ trợ SXKD.

- Qua 20 năm triển khai, Bộ Khoa học và Công nghệ có định đổi mới hay cải tiến việc trao GTCLQG không, thưa ông? ( Bảo Ngọc - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có định hướng cải tiến, đổi mới hoạt động GTCLQG trong thời gian tới để bắt kịp với nhận thức của DN, xu thế phát triển và hội nhập của khu vực và thế giới. Đổi mới hoạt động xem xét, đánh giá và trao giải để GTCLQG không chỉ với mục đích là tôn vinh, khen thưởng mà còn trở thành một công cụ tác động tích cực nâng cao, chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của DN.

Hiện nay, Bộ KHCN đã có kế hoạch sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP, trong đó có việc sửa đổi những nội dung đến GTCLQG như: cơ cấu giải, quy trình xét thưởng, cơ cấu tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia, hội đồng sơ tuyển, quyền lợi và các hỗ trợ cho DN đạt giải, kinh phí tài chính cho hoạt động GTCLQG.

- Doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy như thế nào khi yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh cạnh tranh được xem là rất khốc liệt như hiện nay? ( Hoàng Oanh - [email protected] )

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Chất lượng là 1 trong những thành tố quan trọng nhất để tạo nên một sản phẩm dịch vụ, hàng hóa tốt. Tất nhiên cạnh tranh trong thị trường hiện đại, ngoài yếu tố chất lượng còn yếu tố về giá. Cần thay đổi về tư duy sáng tạo, đổi mới công nghệ làm chuyển biến năng suất. Năng suất tăng lên thì tính cạnh tranh sẽ cao lên. Cần lựa chọn công nghệ tốt và quan tâm đến đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế để tạo đột phá trong quá trình tổ chức sản xuất. Trước đây DN chỉ quan tâm đến sản lượng, ngày nay cần quan tâm đến chất lượng, an toàn sản phẩm.

- Ở Thái Lan, có giải thưởng nào về chất lượng hay không? Ông quan niệm như thế nào về “văn hóa chất lượng” trong DN? ( Thu Trang - [email protected] )

Ông Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime:

Ông Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn PrimeÔng Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime (ngồi ngoài cùng phía phải) đang trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình.

Thái Lan có một giải thưởng chất lượng thường niên tương tự với Việt Nam mang tên Giải thưởng chất lượng Quốc gia. Về phía đơn vị tổ chức cũng có sự tương đồng với Việt Nam đó là Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Theo tôi, "văn hóa chất lượng" trong doanh nghiệp là nội dung quan trọng, là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. "Văn hóa chất lượng" cần sự kết nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp. Cũng giống như việc áp dụng 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, "văn hóa chất lượng" giúp cho doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh vượt trội. Những doanh nghiệp có "văn hóa chất lượng" là kiểu mẫu và cũng là mục tiêu cho các doanh nghiệp khác cùng hướng tới. 

- Là doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, việc đổi mới công nghệ được Tập đoàn Prime được thực hiện như thế nào trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm? ( Bảo Anh - [email protected] )

Ông Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime:

Có thể nói, hiện nay tập đoàn Prime là tập đoàn hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Về công nghệ, tập đoàn luôn cập nhật công nghệ mới nhất trên thế giới áp dụng vào quá trình sản xuất của mình. Ngoài việc cập nhật liên tục công nghệ mới, tập đoàn còn chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực để tiếp thu hiệu quả các công nghệ mới. 

- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn chưa thực sự chú tâm vào cái “lõi” để hướng đến phát triển bền vững mà chỉ quan tâm đến danh hiệu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này? ( Thủy Hiền - [email protected] )

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Nếu DN chưa quan tâm đến chất lượng, uy tín, môi trường, quản lý... thì có nghĩa là chưa nhận thức sâu sắc và đầy đủ về 'tinh thần', trách nhiệm và công việc của một DN. Từ đó, nó làm hạn chế tầm nhìn hoạch định chiến lược của DN.

Và nếu DN chưa có tầm nhìn rộng mà chỉ chú trọng vào lợi ích trước mắt và không quan tâm đến lợi ích môi trường, cộng đồng thì "tuổi thọ" sẽ không được lâu dài.

- Được biết mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố chuỗi sự kiện kỷ niệm "20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 1996 - 2016, ông có thể cho biết về mục đích của chuỗi sự kiện này? ( Tuyết Nhung - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Việc tổ chức kỷ niệm "20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia" là nhằm tổng kết, đánh giá kết quả triển khai hoạt động Giải thưởng trong 20 năm qua; tôn vinh những doanh nghiệp đạt giải đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Giải thưởng; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội những giá trị của GTCLQG mang lại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động, sự đóng góp đối với cộng đồng, xã hội và sự phát triển bền vững của những doanh nghiệp; cổ vũ các doanh nghiệp tiếp tục tham gia GTCLQG trong thời gian tới; nâng cao vị thế và vai trò của GTCLQG đối với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

- Là một doanh nhân nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, ông cho biết văn hóa kinh doanh của người Thái và người Việt khác nhau ở điểm gì? Môi trường kinh doanh của Việt Nam có khó khăn gì đối với ông không? ( Minh Trang - [email protected] )

Ông Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime:

Về văn hóa nói chung, người Thái và người Việt có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như sự chăm chỉ, cần cù, sự đoàn kết, làm việc theo nhóm hiệu quả, sự nỗ lực hết mình để đạt được thành công. Đây là những ưu điểm giúp doanh nghiệp phát triển. 

Về môi trường kinh doanh, tập đoàn Prime hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. 

- Đã có nhiều doanh nghiệp được tôn vinh, nhưng để Giải thưởng tác động sâu rộng hơn nữa tới các doanh nghiệp, là động lực để các doanh nghiệp cố gắng và nỗ lực hơn trong việc nâng cao năng suất chất lượng thì chúng ta phải hướng đến những tiêu chí và có cách truyền thông như thế nào, thưa ông? ( Viết Cường - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Theo tôi, điều quan trọng nhất là các cơ quan tổ chức và điều hành giải thưởng phải giúp DN nhận thức rõ những giá trị đích thực của Giải thưởng, đó là GTCLQG không chỉ là một hình thức tôn vinh về hoạt động chất lượng ở cấp quốc gia mà còn là một công cụ, hệ thống quản lý hỗ trợ DN đánh giá hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý, nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả hoạt động SXKD của DN theo các tiêu chí Giải thưởng. Bên cạnh đó, Bộ KHCN phải truyền thông cho cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là thu hút sự quan tâm, hỗ trợ tích cực và chủ động của các bộ, ngành đối với hoạt động GTCLQG. Cụ thể là có các chính sách khuyến khích DN tham gia Giải thưởng và chính sách hỗ trợ DN đạt giải của các bộ, ngành.

- Là doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng Quốc gia, Tập đoàn Prime đã có kết quả như thế nào trong việc áp dụng 7 tiêu chí xét giải của Giải thưởng này trong doanh nghiệp? ( Thúy Hằng - [email protected] )

Ông Chinnachote-Mo-on - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime:

Có thể khẳng định rằng, 7 tiêu chí này là phương hướng, thước đo tốt cho Doanh nghiệp (DN) bởi vì nó giúp nâng tầm chất lượng sản phẩm DN. 7 tiêu chí này đã bao quát được mọi phương diện hoạt động của DN, từ việc định hướng hoạt động cho tới việc phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc khách hàng. Các tiêu chí này hướng cho DN có cách thức quản lý giúp DN hoạt động hiệu quả hơn. Nếu như 1 DN có thể đảm bảo 7 tiêu chí của giải thưởng thì chắc chắn DN này sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai. 

- Là thành viên hội đồng Giải thưởng chất lượng Quốc gia và là TTK của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông đề xuất gì về sự kết nối để giải thưởng được cộng đồng doanh nghiệp biết đến nhiều hơn? ( Tâm Thanh - [email protected] )

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt NamÔng Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang trao đổi với Biên tập viên về những nội dung mà bạn đọc hỏi

Tính chất GTCLQG khác với các giải thưởng khác. DN cần có tiêu chuẩn cao hơn và phải đạt được 1 chuẩn nhất định mới có thể được tham gia xét chọn. Chính vì vậy, DN đăng kí dự thưởng đương nhiên phải ít hơn vì tiêu chuẩn cao .

Muốn giải thưởng biết đến nhiều hơn, cần truyền thông mạnh mẽ và trên nhiều phương diện khác nhau như đài báo truyền thông, kênh tổ chức hiệp hội, kênh bộ ngành đoàn thể để cho nhiều DN biết đến giải thưởng và qua đó tăng tính "đẳng cấp" của Giải thưởng. Từ đó sẽ thu hút sự chú ý của CDDN.

1 giải thưởng có chất lượng đối vs DN sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thương hiệu của DN, khi tác động tốt thì dịch vụ, sản phẩm của DN sẽ tăng trưởng cao hơn. 

- Thưa ông Nguyễn Nam Hải, thời điểm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được thiết lập và triển khai là giai đoạn Việt Nam bắt đầu chính sách hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Vậy Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã lựa chọn các tiêu chí như thế nào để chọn các doanh nghiệp được giải? ( Phạm Minh Hoàng - [email protected] )

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được thiết lập và triển khai từ năm 1996 trên cơ sở chấp nhận mô hình Giải thưởng chất lượng của các nước tiên tiến. Năm 1999, Việt Nam tham gia Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương với tư cách là thành viên chính thức và ngay từ năm đầu Việt Nam đã cử doanh nghiệp Việt Nam tham dự Giải thưởng này. Giải thưởng Chất lượng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương cũng được xây dựng trên mô hình Giải thưởng chất lượng rất uy tín của Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển. Các tiêu chí Giải thưởng đều dựa trên các nguyên tắc và phương pháp quản lý hiện đại đã được những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới thừa nhận.

Qua 20 năm hoạt động, Giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội. Giải thưởng đã tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và khẳng định được vị thế trên thị trường, chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và quốc tế.

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ rõ hơn về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động ra sao? ( Nguyễn Viết Thành - [email protected] )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia ra đời từ năm 1996. Theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007, từ năm 2009 Giải thưởng Chất lượng Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia thực sự trở thành một công cụ góp phần nâng cao năng suất - chất lượng của doanh nghiệp. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia luôn trở thành một hoạt động năng suất - chất lượng hiệu quả và liên tục tại các địa phương trong cả nước. Các doanh nghiệp được đề cử tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là những doanh nghiệp tiêu biểu của địa phương, tham gia và đóng góp tích cực cho hoạt động năng suất - chất lượng tại địa phương và cả nước, áp dụng thành công các công cụ, mô hình và hệ thống quản lý tiên tiến. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức đúng lợi ích của việc áp dụng các hệ thống quả lý trong hoạt động SXKD, huy động mọi nguồn lực sẵn có, chỉ đạo và lôi cuốn mọi người cùng tham gia xây dựng, áp dụng và hoàn thiện hệ thống quản lý nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, luôn thoả mãn các yêu cầu của khách hàng. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia luôn chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực. Đây là yếu tố then chốt cho việc nâng cao NSCL và hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

- Xin ông đánh giá cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ trước thách thức hội nhập sâu rộng như hiện nay và việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp Việt Nam? ( Thanh Yến - [email protected] )

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

1 - Cơ hội của doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập sâu, có quy mô lớn sẽ có cơ hội lớn về mọi mặt.

2 - Thách thức lớn: Phải tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa mới tạo ra sự bền vững. Muốn tham gia chuỗi doanh nghiệp phải thay đổi nhiều quan tâm đên chất lượng hàng hóa - thành tố quan trọng xác định uy tín thương hiệu.

Trong ngày nay, thương hiệu trong thị trường tràn ngập như hiện nay. Doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng

Gửi câu hỏi
captcha
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang