Giao lưu trực tuyến: "Sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương với năng suất chất lượng"

author 08:22 17/01/2017

(VietQ.vn) - Vào lúc 9h ngày 17/01/2017, giao lưu trực tuyến “Sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương với năng suất chất lượng” được tổ chức tại Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn).

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Ông Trần Văn Dư - Tổng biên tập Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến.

Ông Trần Văn Dư - Tổng biên tập Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến.

Phát triển hàng hóa chủ lực là một trong những chiến lược trọng điểm của các địa phương để phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong môi trường kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã và đang thành công trong việc định hướng chiến lược cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực.

Song song với những thành công bước đầu vẫn còn nhiều thắc mắc của doanh nghiệp về định hướng chiến lược, áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ,... với chiến lược phát triển thị trường đối với sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương.

Nhằm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, độc giả về định hướng chiến lược phát triển thị trường, các mô hình, điểm sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực của địa phương; Định hướng xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ sở cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa chủ lực, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tại các doanh nghiệp ở địa phương.

Chất lượng Việt Nam có kế hoạch tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương với năng suất chất lượng”, vào lúc 9h ngày 17 tháng 01 năm 2017.

Tham dự chương trình có các khách mời:

- Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang

- Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương

- Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL

Ông Nguyễn Đình Vương - Trưởng phòng chuyên ngành – Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

- Xin ông cho biết tình hình chung về năng lực của các phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam hiện nay. Trong thời gian tới, để nâng cao năng lực các phòng thử nghiệm này cần đề xuất những giải pháp gì? ( Văn Tâm - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc quan tâm gửi về chương trình

1. Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã dành nguồn lực đáng kể đầu tư tăng cường năng lực cho các tổ chức thử nghiệm thuộc phạm vi quản lý:

- Hệ thống các phòng thử nghiệm của Tổng cục TCĐLCL đặt tại ba Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL ở Hà Nội, Đà Nẵng và Đồng Nai (Biên Hoà) được bổ sung nhiều thiết bị thuộc loại thế hệ mới, tiên tiến ngang với trình độ quốc tế có khả năng thử nghiệm được nhiều chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh, an toàn của nhiều loại SPHH;

- Tổ chức thử nghiệm chất lượng SPHH của các địa phương đã có năng lực thử nghiệm để phục vụ hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH, công tác giám định, trọng tài xử lý các vụ vi phạm về chất lượng SPHH trên địa bàn. Thực hiện Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 17/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL tỉnh, thành phố trực thuộc Chi cục TCĐLCL địa phương đã được đầu tư tăng cường năng lực thử nghiệm đáng kể để có khả năng thử nghiệm được các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh, an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;

- Các Bộ, ngành khác cũng đã đầu tư tăng cường cho các tổ chức thử nghiệm, giám định trực thuộc đủ năng lực để ĐGSPH sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; 

- Một số Bộ quản lý chuyên ngành đã sử dụng các tổ chức thử nghiệm thuộc các ngành khác để phục vụ cho yêu cầu đánh giá sự phù hợp SPHH nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của mình với QCVN;

Đến ngày 31/6/2016 đã có 219 tổ chức thử nghiệm được đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN và Thông tư số 10/2011/TT-BKHCN. Ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện KD dịch vụ đánh giá sự phù hợp (Nghị định này có hiệu lực tử ngày 01/7/2016).

Đến ngày 12/01/2017 có 14 tổ chức thử nghiệm đã đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP. Các tổ chức thử nghiệm đăng ký hoạt động tại Tổng cục TCĐLCL đều xây dựng, áp dụng HTQLCL theo chuẩn mực của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Cả nước đã có hơn 1000 tổ chức thử nghiệm được công nhận theo các chuẩn mực quốc tế.

2. Để nâng cao năng lực của các tổ chức thử nghiệm, cần đẩy mạnh triển khai đồng bộ các hoạt động sau:

- Khi hoạt động thử nghiệm, các tổ chức thử nghiệm phải tuân thủ pháp luật, tức là phải thực hiện đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP;

- Để đảm bảo độ chính xác, thống nhất của kết quả thử nghiệm giữa các tổ chức thử nghiệm, vai trò của cơ quan quản lý, cơ quan quản lý là phải định hướng, kiểm tra, thanh tra các tổ chức thử nghiệm đã đăng ký, được chỉ định. Các tổ chức thử nghiệm được chỉ định phải có trách nhiệm tuân thủ đúng theo phương pháp thử nghiệm do Bộ quản lý chuyên ngành quy định, đồng thời phải tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về lĩnh vực thử nghiệm (Phải xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, các thử nghiệm viên phải được đào tạo phù hợp với lĩnh vực thử nghiệm, phải tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo và so sánh liên phòng, phải xác định độ không đảm bảo đo...);

- Luôn đảm bảo tiêu chí chính xác, độc lập và khách quan trong quá trình hoạt động;

- Đối với chỉ tiêu mà các phòng thử nghiệm trong nước chưa có năng lực thử nghiệm, cần tăng cường hoạt động thừa nhận lẫn nhau, sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm nước ngoài.

- Xin cho biết vai trò của các sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương trong phát triển kinh tế địa phương? ( Thảo Nguyên - [email protected] )

Ông Nguyễn Đình Vương – Trưởng phòng chuyên ngành – Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên:

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đạt mức tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tăng được kim ngạch xuất khẩu. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 2 tỷ 097 triệu USD. Trong năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ 400 triệu USD. Với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh và sự chủ động của các doanh nghiệp, trong 2 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt trên 355 triệu USD, đây là tín hiệu khả quan cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Để tạo điều kiện cho sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển, tăng giá trị xuất khẩu, trong những năm qua, tỉnh có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực như: Hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

- Theo ông để phát huy hết thế mạnh của địa phương thông qua ứng dụng KH&CN thì các địa phương, doanh nghiệp sẽ phải làm gì? ( Hải Yến - [email protected] )

Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương:

Các địa phương phải có chiến lược phát triển các sản phẩm này một cách rất rõ ràng, trên cơ sở đó ban hành cơ chế chính sách phù hợp, kêu gọi, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng năng suất chất lượng cao, đồng thời tập trung nguồn lực từ kinh phí, nhân lực, đổi mới công nghệ để phát triển đồng bộ sản phẩm đó theo chuỗi giá trị như phân tích ở trên.

Doanh nghiệp cần chủ động tính toán hiệu quả kinh tế, đề xuất phương án sản xuất và tìm kiến sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân cùng hợp tác để phát triển sản phẩm. Lựa chọn và đầu tư các công nghệ hiện đại, tính toán được thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm.

- Từ những kết quả đã đạt được, việc nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm hàng hóa đã được các ngành và địa phương rất quan tâm thực hiện. Vậy, ông có thể cho biết một số giải pháp trong thời gian tới trong việc nâng cao NSCL các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang? ( Đặng Văn Linh - [email protected] )

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang:

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, muốn tiêu thụ được sản phẩm thì vấn đề xây dựng thương hiệu và nâng cao NSCL là yếu tố sống còn của doanh nghiệp cũng như các địa phương, rộng hơn nữa là quốc gia.

Nhận thức được điều đó, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang rất chú trọng và quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu và nâng cao NSCL của sản phẩm chủ lực của Tỉnh.

Tỉnh đã ban hành kế hoạch 802 ngày 02/4/2014 và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, có 33 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ. 7/8 sản phẩm chủ lực của tỉnh được xây dựng thương hiệu dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hieju tập thể.

Một số sản phẩm tiêu biểu được tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, gạo thơm Yên Dũng, sâm Nam núi Dành đang đứng vững trên thị trường.

Đồng thời năm 2017 tỉnh Bắc giang ban hành đề án phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế trong đó tập trung vào vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế và nấm Lạng Giang.

- Những năm gần đây các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường như thế nào để tăng trưởng và phát triển? ( Thái Hà - [email protected] )

Ông Nguyễn Đình Vương – Trưởng phòng chuyên ngành – Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên:

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàm lượng chất xám công nghệ lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bảo đảm năng lực sản xuất và môi trường bền vững, tạo ra mức tăng trưởng cao. Nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng và xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới như: Sản phẩm may mặc của Tổng công ty may Hưng Yên - Công ty cổ phần; Công ty TNHH Global Sourcenet, Công ty liên doanh may Kyung Việt; Công ty may Minh Anh; sản phẩm điện tử, điện lạnh của Công ty TNHH 4P; Tập đoàn Hòa Phát. Thép hình, thép xây dựng là những sản phẩm mới của công nghiệp tỉnh nhưng có chất lượng cao và đã thâm nhập được thị trường với hai thương hiệu thép Hòa Phát và thép Việt Ý. Sản phẩm của hai doanh nghiệp này đều sản xuất trên dây chuyền công nghệ của Italia, với hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000.

Cùng với các sản phẩm công nghiệp chủ lực trên, các sản phẩm sản xuất từ da như túi, cặp, giầy xuất khẩu các loại cũng là những sản phẩm có nhiều đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, sản phẩm da, giầy có thương hiệu, uy tín, sức cạnh tranh cao trong nước và trên thị trường thế giới là của các doanh nghiệp như: Công ty giầy Thuận Thành và Công ty TNHH Ngọc Tề, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại sản phẩm da LADODA. Ngoài ra, sản phẩm mây tre đan đã từng bước khẳng định được uy tín, sức cạnh tranh cao, nhiều sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước như các nước châu Âu, Nhật Bản...

- Theo ông hoạt động xây dựng tiêu chuẩn có vai trò như thế nào đối với hoạt động nâng cao NSCL, đặc biệt là đối với các sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương? ( Phạm Hữu Công - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL:

Để có thể nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa chủ lực cần nhiều các thành tố khác nhau và trong đó tiêu chuẩn đóng một vai trò quan trọng.

Việc doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn hiệu quả, duy trì tốt việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến sẽ góp phần nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa.

Đồng thời đây cũng là một công cụ quảng bá hiệu quả đến người tiêu dùng, đối tác về thương hiệu doanh nghiệp.

 

- Xin cho biết thủ tục xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm được thực hiện như thế nào? ( Nguyễn Hữu Dũng - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL:

Căn cứ theo luật TC và QCKT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thủ tục thực hiện xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở bao gồm một số bước cụ thể:

- Xác định đối tượng mục tiêu xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.

- Lập kế hoạch xây dựng TCCS

- Thành lập tổ soạn thảo TCCS

-Tổ chức họp chuyên đề để góp ý cho dự thảo TCCS  

- Xử lý các ý kiến góp ý và hoàn chỉnh dự thảo TCCS, hoàn thiện hồ sơ dự thảo.

- Lãnh đạo doanh nghiệp xem xét và ra quyết định công bố TCCS để áp dụng trong phạm vi của tổ chức đó.

- Với vai trò làm đầu mối hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương xây dựng các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN đáp ứng nhu cầu cấp thiết của địa phương. Bộ KH&CN có những kế hoạch gì để công tác này đạt hiệu quả? ( Minh Hải - [email protected] )

Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương:

Hiện nay Nhà nước nói chung và Bộ KH&CN nói riêng đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, đối tượng hỗ trợ chủ yếu trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Cụ thể, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ  hình thành một số chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia để hỗ trợ các tổ chưc, cá nhân ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ như Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa; Chương trình hỗ trợ chuyển giao tiến bộ KH&CN cho nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số; Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam bộ…

Đồng thời, hàng năm Bộ KH&CN đều hướng dẫn các địa phương đề xuất đăt hàng các nhiệm KH&CN cấp quốc gia để giải quyết những vấn đề cấp thiết ở địa phương.

- Sở KH&CN được xem như cánh tay nối dài đưa chính sách KH&CN vào cuộc sống, đồng thời cũng là nơi ứng dụng hiệu quả các kết quả nghiên cứu vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.Theo ông, công tác này được Bắc Giang triển khai như thế nào? ( Lê Văn Hường - [email protected] )

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang:

Trong những năm qua, hầu hết các sản phẩm chủ lực của địa phương tỉnh Bắc Giang như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, nấm Lạng Giang, gạo thơm Yên Dũng, mì Kế, mì Chũ, na Lục Nam, lợn sạch Tân Yên.. đều được ngành KHCN phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp triển khai ứng dụng vào thực tiễn.

Từ việc nghiên cứu giống, quy trình canh tác, đến công nghệ bảo quản.. có thể nói rằng ngành KHCN đã đóng góp tích tực quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang như: chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, xây dựng thương hiệu và nhân rộng gạo thơm Yên Dũng.

Các hoạt động của ngành KHCN đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang được các cấp các ngành và người dân đánh giá cao và ghi nhận.

- Có ý kiến cho rằng, các sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu. Theo ông cần phải làm gì để tháo gỡ vấn đề này? ( Việt Đức - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL:

Về phía doanh nghiệp cần phải chủ động tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn thông qua các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Hiệp hội ngành hàng, cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia để có được các thông tin đầy đủ về các rào cản kỹ thuật dưới dạng các tiêu chuẩn của nước xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, nên có sự tham gia của các tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia độc lập để hỗ trợ xây dựng kế hoạch, phương án triển khai áp dụng các tiêu chuẩn liên quan nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, vượt qua rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải đổi mới các cơ chế tiếp cận, tuyên truyền, xử lý thông tin doanh nghiệp, thiết lập các cơ chế, các kênh thông tin tư vấn hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn của nước xuất khẩu.

 Quang cảnh hội trường buổi giao lưu trực tuyến, các khách mời đang tham gia trả lời câu hỏi bạn đọc gửi về

- Trước vấn nạn các thương hiệu đặc sản địa phương bị làm nhái dẫn đến các sản phẩm kém chất lượng trà trộn làm giảm uy tín các sản phẩm hàng hóa gắn với địa danh đã được bảo hộ. Vậy theo ông về mặt nhà nước cần phải có giải pháp nào giải quyết triệt để vấn đề này? ( Huyền Trâm - [email protected] )

Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương:

Điều này thì quá rõ, không cách nào khác các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.

Tôi nghĩ hành lang pháp lý cũng cần phải bổ sung các chế tài xử phạt thật nặng đối với các hành vi gian lận này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội về tác hại của việc sử dụng hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Các doanh nghiệp cũng cần phải có biện pháp tự bảo vệ sản phẩm của mình thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại để người tiêu dung dễ dàng nhận biết được sản phẩm chính hiệu thông qua hệ thống tem, nhãn, bao bì.

- Được biết, những sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ tốt, tuy nhiên trong thời gian tới để sản phẩm chủ lực tỉnh Bắc Giang phát huy được hiệu quả thì Bắc Giang cần có giải pháp gì để thu hút được nhiều DN tham gia, tiêu thụ sản phẩm. Điều này có tạo nên khó khăn và trở ngại gì trong công tác ứng dụng KHCN tại địa phương hay không? ( Dương Hoài Vũ - [email protected] )

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang:

Việc tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang trong những năm qua được các cấp, các ngành và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Hằng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực ở các địa phương khác nhau như Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn. Trong cuộc xúc tiến thương mại này, mời cả các doanh nghiệp của Trung Quốc và một số quốc gia khác, các doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu trong cả nước.

Do vậy, việc tiêu thụ sản phẩm chủ lực, nhất là vải thiều được thuận lợi. Thu hút được nhiều doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước tham gia. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, trong đó ngoài những doanh nghiệp của Trung quốc sẽ mở rộng mời các doanh nghiệp của các nước châu Âu và một số quốc gia khác tham dự, để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2016, tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trái cây tại huyện Lục Ngạn, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia và được đánh giá cao. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp hiểu biết hơn sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang cũng như người dân có cơ hội trao đổi tìm hiểu các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

- Hiện nay, việc hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe của các nước nhập khẩu. Xin cho biết tỉ lệ hài hòa của các tiêu chuẩn Việt Nam so với thế giới đang ở mức nào? ( Đăng Sơn - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL:

Hiện nay, việc doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thường phải  chịu 2 dạng rào cản kỹ thuật chính của thị trường nhập khẩu. Khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường của một nước trước tiêu sẽ phải chịu sự điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở cấp quốc gia thường thể hiện qua các quy định về yêu cầu kiểm tra về an toàn, chất lượng, môi trường tại cửa khẩu trước khi hàng hóa được phép thâm nhập vào thị trường. 

Ở cấp độ 2 thì doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt của các hệ thống bán lẻ lớn thường thể hiện thông qua các tiêu chuẩn của hiệp hội, doanh nghiệp và theo thuật ngữ chuyên môn gọi là hệ thống tiêu chuẩn riêng (Private Standards), các tiêu chuẩn này hiện có xu  hướng đi sâu vào các vấn đề về quyền người lao động, bảo vệ môi trường và chống tham nhũng...

Việc hài hòa tiêu chuẩn được triển khai ở cấp độ tiêu chuẩn quốc gia, với mục tiêu là hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực nhằm thuận lợi hóa thương mại, loại bỏ rào cản. Hiện nay chúng ta đã đạt ở mức hài hòa tiêu chuẩn quốc tế khu vực trên 47%; một số nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển tiêu chuẩn cao như Singapore có tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực trên 80%, Malaysia trên 75%, Thái Lan và Indonesia trên 60%. 

- Hiện nay việc khai thác lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, từng địa phương để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực đang rất được các địa phương rất chú trọng. Vậy theo ông cần phải làm gì để thúc đẩy hoạt động này một cách hiệu quả? ( Hương Giang - [email protected] )

Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương:
Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Đòi hỏi thực tế hiện nay là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để phát triển các sản phẩm đặc hữu của từng vùng sinh thái là rất bức thiết. Làm cách nào để khai thác các tiềm năng này phục vụ cho phát triển sản phẩm chủ lực trở thành quy mô hàng hóa lớn là vấn đề đã được đặt ra. Có nhiều giải pháp để thực hiện việc này. Tuy nhiên với góc độ nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thì các địa phương nên tập trung vào một số công viêc:

Đánh giá đúng tiềm năng và giá trị kinh tế có thể khai thác được từ sản phẩm, dự báo quy mô phát triển, có thành hàng hóa được không, thị trường có chấp nhân không và hiệu quả kinh tế-xã hội mang lại như thế nào? Trên cơ sở đó, tiên hành quy hoạch phát triển sản phẩm phù hợp với từng vùng sinh thái đó.

Nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp nhất để phát triển sản phẩm, tư duy phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, hướng đến thị trường xuất khẩu trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Có chiến lược phát triển lâu dài, bền vững. Không phát triển theo trào lưu hoặc chỉ khai thác tự nhiên mà không quan tâm phát triển vùng nguyên liệu.

Điều quan trọng nhất là phải có sự tham gia của doanh nghiệp, nhà sản xuất. Bởi vì chính những nhà sản xuất kinh doanh họ mới có tư duy cách làm kinh tế đem lại hiệu quả cao nhất.

- Bắc Giang nổi tiếng với nhiều đặc sản như Gà đồi Yên Thế, Vải thiều Lục Ngạn…Sở KH&CN đã có giải pháp như thế nào để nâng cao năng suất chất lượng cũng như phát huy thương hiệu sản phẩm? ( Trần Văn Chiều - [email protected] )

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang:

Đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế, hằng năm có tổng đàn gà khoảng 3,4 triệu con, là một trong những địa phương có đàn gia cầm lớn của cả nước. Gà đồi Yên Thế đã được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, đồng thời Sở KHCN đã ứng dụng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tập trung vào lai tạo giống, đảm bảo năng suất chất lượng, tăng giá trị sản phẩm.

Sau khi được xây dựng thương hiệu cũng như ứng dụng KH&CN thì sản phẩm gà đồi Yên Thế được tiêu thụ tốt hơn, giá thành cao hơn giúp cho người dân có đời sống tốt hơn. Sở KH&CN Bắc Giang đã tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành nhiều đề án nâng cao NSCL sản phẩm gà đồi Yên Thế. Cùng với Sở NN&PTNT tham mưu UBND Tỉnh hợp tác với Bộ NN&PTNT giúp Bắc Giang lai tạo, sản xuất giống. Ngoài ra, nhiều DN trong và ngoài tỉnh làm đầu mối tiêu thụ giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, tỉnh Bắc Giang phối hợp tốt giữa 4 nhà: nhà khoa học, nhà nông, nhà quản lý và doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế. Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ tại một số quốc gia như Singapore, Lào, Trung quốc, Thái Lan, Campuchia. 

Đối với sản phẩm vải thiều Bắc Giang, hằng năm sản lượng vải thiều BG đạt khoảng 200 nghìn tấn, tập trung ở các huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam, Lạng Giang. Tập trung nhiều nhất ở huyện Lục Ngạn với khaorng trên dưới 100 nghìn tấn. Riêng năm 2016, tổng thu từ vải thiều đạt khoảng 5600 tỷ (ngoài việc bán quả vải thiều, thu từ các dịch vụ khác..). Vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ tại một số quốc gia như Trung quốc, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Singapore, Mỹ, Úc, Malaixia. Vải thiều Lục Ngạn đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý và hiện nay đã có 15 nghìn ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.

Bên cạnh đó, việc bảo quản vải thiều để xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Mỹ được Bộ KHCN và tỉnh Bắc Giang quan tâm. Nhiều công nghệ như Jural của Israel, công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ NANO, công nghệ màng MAP được giới thiệu và ứng dụng tại Bắc Giang, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm vải thiều.

Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh BắcGiang trong việc bảo hộ và phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang. 

- Mục tiêu xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập hiện nay tạo thuận lợi và tiền đề cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa một cách có bài bản. Xin cho biết công tác này đang được triển khai như thế nào? ( Minh Phúc - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL:

Theo quy định số 1041/QĐ-TTg ngày 01/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng TCVN, QCVN cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực nền kinh tế. Theo đó, việc xây dựng TCVN chia ra làm 2 giai đoạn :

- Giai đoạn 1 từ 2011-2015 : Mục tiêu xây dựng mới 4000 TCVN cho sản phẩm hàng  hóa chủ lực của nền kinh tế, trong đó 80% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.

- Giai đoạn 2 từ 2016 - 2020: Sẽ xây dựng 2000 TCVN cho sản phẩm hàng  hóa chủ lực của nền kinh tế, trong đó 90% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.

Thực hiện mục tiêu trên của Chính phủ, tính đến hết giai đoạn 1 số lượng TCVN các bộ ngành xây dựng mới và công bố đạt 4485 TCVN trong đó có 2905 TCVN hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt tỷ lệ 65% góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ xuất khẩu và là một công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 

- Có ý kiến cho rằng, tại nhiều địa phương chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao NSCL đã được ban hành nhưng việc tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ còn phức tạp. Đối với Bắc Giang có tình trạng này hay không và hướng giải quyết vấn đề này như thế nào? ( Đặng Văn Linh - [email protected] )

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang:
Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang trong chương trình giao lưu trực tuyến: ''Sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương với năng suất chất lượng'' do Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức

 Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang trong chương trình giao lưu trực tuyến: "Sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương với năng suất chất lượng" do Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức

Đối với tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm Sở KH&CN đã có văn bản gửi các doanh nghiệp đề nghị tham gia chương trình nâng cao NSCL, trên cơ sở đó Sở đã tổng hợp và đưa vào kế hoạch hằng năm. Sau khi rà soát, những doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu Sở cấp kinh phí theo kế hoạch.

Trên cơ sở đó doanh nghiệp và Sở KH&CN không có bất cứ vướng mắc, khó khăn gì. Việc giải ngân, thanh toán thuận lợi. Hằng năm, Sở tiến hành đối thoại các doanh nghiệp và chủ nhiệm đề tài dự án KHCN để giải quyết những khó khăn vướng mắc.

Hầu hết các doanh nghiệp chủ nhiệm đề tài dự án đồng thuận với cách làm của Sở KH&CN. Việc giải ngân cho các doanh nghiệp tham gia chương trình nâng cao NSCL đảm bảo thuận lợi tối đa, không có bất cứ rào cản nào.

- Thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã tổ chức rất nhiều hội thảo liên kết vùng trong ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển hàng hóa chủ lực địa phương. Ông nhận thấy có những thay đổi nào trong việc liên kết và ứng dụng KH&CN tập trung như vậy? ( Huyền Nguyễn - [email protected] )

Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương:

Xu hướng hợp tác liên kết địa phương, vùng trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển các sản phẩm đặc hữu, sản phẩm chủ lực của các vùng sinh thái liên quan đến nhiều phương là rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Hợp tác liên kết tốt sẽ huy động được nhiều nguồn lực để nâng cao năng suất chất lương và giá trị kinh tế của sản phẩm.

Qua theo dõi chúng tôi thấy, thông qua các hội thảo về liên kết vùng thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực trong thời gian vừa qua đã góp phần nâng cao sự hiểu biết, nhận thức của mọi người về tầm quan trọng, lợi ích của vấn đề này. Hiện nay cũng đã có một số nhiệm vụ KHCN được triển khai theo hướng liên kết hợp tác, ví dụ như một số nhiệm vụ nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen sinh vật, nghiên cứu khai thác lợi thế của các lòng hồ, thủy điện để sản xuất cá nước lạnh...

Tuy nhiên thực tế thì vấn đề này cũng còn nhiều hạn chế như chưa có cơ chế về tài chính để triển khai nhiệm vụ liên kết, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp, người dân và kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Đồng thời, sự phối hợp của chính quyền các địa phương trong vùng còn chưa chặt chẽ. 

- Xin lãnh đạo Tổng cục cho biết công tác xây dựng mới TCVN để đáp ứng yêu cầu của việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó có các sản phẩm hàng hóa chủ lực được triển khai đến thời điểm này như thế nào? ( Hoa Bằng - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Theo quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 01/7/2011 của Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được chia thành 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 từ 2011 - 2015: là 4000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được xây dựng mới cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế trong đó có 80% TCVN hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, nâng tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia hài hòa tiêu chuẩn quốc tế trên toàn hệ thống lên 45%.

- Giai đoạn 2: 2016 - 2020: xây dựng 2000 TCVN cho hàng hóa chủ lực của nền kinh tế trong đó 90% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế TCVN hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, nâng tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia hài hòa tiêu chuẩn quốc tế trên toàn hệ thống lên 60%.

Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, đến hết giai đoạn 1 của Dự án số lượng TCVN do Bộ khoa học và Công nghệ tổ chức xây dựng và các Bộ ngành khác xây dựng thông qua Bộ khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố là 4.485 TCVN; trong đó có khoảng 2.905 TCVN (65%) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong toàn hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt trên 45%, đáp ứng đúng mục tiêu của giai đoạn 1 đề ra.

Năm 2016, năm đầu tiên của giai đoạn 2, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 912 TCVN (gồm 608 TCVN do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và 304 TCVN do các Bộ, ngành xây dựng).

Như vậy, tính đến hết tháng 12/2016, toàn hệ thống tiêu chuẩn quốc gia có 9.500 TCVN trong đó tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 47% (trong số 9.500 TCVN có khoảng trên 7.500 TCVN do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, khoảng 2.000 TCVN do các Bộ ngành khác xây dựng), các tiêu chuẩn ngày càng hoàn thiện cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ; cơ bản đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước, phục vụ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt nam trên thị trường quốc tế và được áp dụng rộng rãi trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh đáp ứng tốt mục tiêu của Chính phủ về nâng cao năng suất chất lượng và sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác triển khai, ứng dụng KHCN vào sản xuất tại các địa phương trong năm qua. Kết quả của nó có tác động như thế nào đối với việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương? ( Kiều Anh - [email protected] )

Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương:

Công tác triển khai, ứng dụng KH&CN vào sản xuất tại các địa phương những năm gần đây đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng phục vụ thiết thực hơn cho sản xuất nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói chung. Quy mô của mỗi nhiệm vụ cũng lớn hơn, nhiều nhiệm vụ tập trung giải quyết vấn đề theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu, đầu vào đến chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm hướng đến xuất khẩu.

Điều quan trọng nữa là triển khai các nhiệm vụ KH&CN đã lấy doanh nghiệp, nhà sản xuất là trung tâm để hỗ trợ. Điều này có tác động trực tiếp và rất tốt đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy khâu chế biến, bảo quản và phát triển thương hiệu của các sản phẩm chủ lực còn nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ việc lựa chọn và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chưa được đồng bộ. Bởi lẽ, sản phẩm nông nghiệp hầu hết theo mùa vụ do vậy yêu cầu về công nghệ chế biến và bảo quản rất quan trọng. Điều này dễ thấy qua một số sản phẩm như vải thiều, các sản phẩm mơ, mận của vùng miền núi. Công nghệ chế biến để đa dạng sản phẩm còn ít, chủ yếu vẫn là tiêu thụ tươi, chưa đem lại giá trị kinh tế cao. 

- Hiện nay tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm hàng hóa đang là rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp địa phương khi tham gia xuất khẩu, theo ông nguyên do chính ở đây là gì? ( Nguyễn Thị Mai - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL:
Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL
 Ông Nguyễn Văn Khôi đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình giao lưu trực tuyến

Số lượng doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 90% nên có sự hạn chế trong đầu tư phát triển hệ thống tiêu chuẩn doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ còn yếu và bản thân doanh nghiệp cũng chưa quan tâm và nhận thức đầy đủ về vai trò của việc áp dụng tiêu chuẩn hóa trong doanh nghiệp của họ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp. 

Mặt khác, trong thời gian qua dù đã có những kết quả,  thành công đáng ghi nhận nhưng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước nhằm loại bỏ các rào cản kỹ thuật còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển khách quan của thị trường, cũng như phản ứng nhanh với các loại hình rào cản kỹ thuật mới đối với doanh nghiệp của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa xuất khẩu chủ lực Việt Nam.

- Xin ông cho biết sự phối hợp, lồng ghép các Chương trình KHCN khác với Chương trình Quốc gia nâng cao năng suất chất lượng (NSCL)? ( Nguyễn Nam - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Hiện nay, Bộ KH&CN đồng thời chủ trì triển khai một số Chương trình, đề án KHCN. Các Chương trình, đề án này đều có những mục tiêu, yêu cầu, nội dung và đối tượng cụ thể, xác định. Tuy nhiên, điểm chung của các chương trình này đều hướng tới mục tiêu chung là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng. Vì vậy, việc lồng ghép, phối hợp thực hiện giữa các chương trình, đề án KHCN với Chương trình quốc gia NSCL là hết sứ cần thiết, giúp tập trung được nguồn lực, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ các gói giải pháp KHCN cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

1. Các Chương trình/đề án KH&CN có khả năng phối hợp, lồng ghép với Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá bao gồm 07 chương trình chính:

- Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 (Quyết định 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ);

- Chương trình Sản phẩm quốc gia đến năm 2020 (Quyết định 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ);

 - Chương trình Phát triển Công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ);

- Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ 2016-2020 (Quyết định 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ);

- Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển KTXH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025 (Quyết định 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ);

- Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN và tổ chức KHCN công lập (Quyết định 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ);

- Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

2. Nội dung phối hợp, lồng ghép:

- Phối hợp thực hiện hỗ trợ các giải pháp KHCN phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp...

- Trao đổi thông tin về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp từng năm, từng giai đoạn của các Chương trình;

- Chia sẻ dữ liệu về doanh nghiệp tham gia Chương trình;

- Phối hợp trong điều tra, đánh giá thực trạng doanh nghiệp;

3. Nguyên tắc phối hợp, lồng ghép:

- Đảm bảo các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được thống nhất, liên thông; có trọng tâm, trọng điểm; tập trung được nguồn lực KH&CN để hỗ trợ có hiệu quả hơn cho một số đối tượng SPHH trọng điểm, chủ lực, sản phẩm thế mạnh của nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương và sản phẩm quốc gia;

- Đảm bảo sự hỗ trợ, gắn kết giữa các chương trình góp phần hoàn thành các mục tiêu cụ thể của từng chương trình và mục tiêu chung của hoạt động KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp.

- Các hoạt động phối hợp, lồng ghép giữa các chương trình, đề án được thực hiện từ khâu hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH&CN cho các Bộ, ngành, địa phương; đặt hàng/xác định nhiệm vụ đến cân đối, phân bổ kinh phí và tổ chức thực hiện cho các Chương trình.

4. Phương thức phối hợp, lồng ghép:

- Phối hợp trong hoạt động và lồng ghép về nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về mục tiêu, nội dung của các chương trình và đề án;

- Phối hợp trong  hoạt động đào tạo cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thông qua việc lồng ghép các nội dung đào tạo liên quan đến các chương trình và đề án; giới thiệu và hướng dẫn tham gia các chương trình, đề án;

- Tạo cơ chế liên thông trong cung cấp các giải pháp KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm giải pháp  hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đổi mới công nghệ; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; bảo hộ, khai thác và phát triển  tài sản trí tuệ và các giải pháp khoa học và công nghệ khác. 

- Xin ông cho biết, hiện nay nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được các địa phương triển khai tập trung vào các lĩnh vực nào? ( Trịnh Châu - [email protected] )

Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương:

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở địa phương được thực hiện đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, khoa học nhân văn, khoa học nông nghiệp. Tuy nhiên theo thống kê, tổng hợp của Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho thấy, số lượng nhiệm vụ triển khai thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp là chủ yếu, chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 60% số lượng các nhiệm vụ).

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, vùng sinh thái của từng địa phương nông nghiệp vẫn là lĩnh vực có nhiều sản phẩm đặc hữu, có giá trị kinh tế, giá trị thực phẩm phục vụ cho cuộc sống. Chính vì vậy, các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cũng tập trung để khai thác tiềm năng này. Điều này cũng phản ánh thực tế của KH&CN phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. 

- Thưa đại diện lãnh đạo Sở KH&CN Bắc Giang, trong năm 2016, Sở đã có những chính sách gì hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn để nâng cao năng suất chất lượng? ( Đặng Tiến Thành - [email protected] )

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang:

Ban hành 2 đề án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL, theo đó tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các dự án hỗ trợ kinh phí như tuyên truyền, tập huấn; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước triển khai ISO, các Sở đoàn hợp quy và các doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Theo đó đến nay, Tỉnh đã hỗ trợ 56 lượt doanh nghiệp với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng, giúp cho các doanh nghiệp nâng cao NSCL. Nhu cầu của các doanh nghiệp tham gia vào đề án hỗ trợ nâng cao NSCL của tỉnh Bắc Giang ngày càng tăng. Năm 2017 đã có hơn 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia với kinh phí gần 500 triệu đồng.

Năm 2017, Sở KH&CN sẽ trình UBND Tỉnh ban hành đề án hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.

Gửi câu hỏi
captcha
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang