Gmobile sau một năm thay tên đổi họ

author 08:21 07/10/2013

Gmobile vẫn là nhà mạng trẻ và nhỏ nhất Việt Nam với 4,7 triệu thuê bao. So với khi còn mang tên cũ, doanh nghiệp đã có những thay đổi về mặt chiến lược để phát triển và trụ vững trên thị trường viễn thông vốn đã ở thế "chân vạc".

Gần một năm rưỡi sau khi đối tác VimpelCom (Nga) nhượng lại thương hiệu viễn thông Beeline để rút khỏi Việt Nam, nhà mạng Gmobile (tên cũ Beeline) vẫn bám trụ thị trường dù không còn những chiến dịch rầm rộ như khi vừa ra mắt. Trẻ nhất trong số các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông di động, Gmobile cũng là mạng bé nhất còn hoạt động.

 

Trong bối cảnh thị trường gần như đã an bài với sự thống trị của bộ ba "đại gia" Viettel, Mobifone và Vinaphone, các doanh nghiệp nhỏ phải lay lắt tìm đường sống hoặc lặng lẽ rời thị trường. S-Fone nay chỉ còn là cái tên, vô vọng về khả năng phục hồi.

Vietnamobile đã "một lần chết" (khai tử tên HT-Mobile và chuyển sang tên hiện nay) là thương hiệu đứng thứ 4 thị trường hiện nay nhưng luôn tỏ ra trầm lắng. Gmobile đã tròn một năm dùng tên mới và lần gần nhất hãng có gói cước mới cũng chính là thời điểm công bố thay thương hiệu từ 12 tháng trước.

Ông Nguyễn Văn Dư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu (Gtel Mobile - đơn vị sở hữu Gmobile) cho biết thuê bao hàng tháng vẫn phát triển dù không mạnh, lưu lượng cuộc gọi và doanh thu trung bình trên thuê bao (ARPU) đã cao hơn gấp đôi thời là Beeline (thống kê 2011 cho thấy ARPU quý IV đạt 0,9 USD, trong khi bình quân của các mạng lớn là 4 - 5 USD).

Doanh thu năm 2012 gấp đôi 2011 còn tính riêng 6 tháng đầu năm 2013 thì cao hơn 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số cụ thể hơn về doanh thu cũng như lợi nhuận, chi tiêu ra sao không được phía đơn vị tiết lộ. Theo giải thích thì đây đang là lúc doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, thời điểm được xem là "nhạy cảm"

Gmobile cho hay năm qua đã xây dựng và phát triển hệ thống cửa hàng trực tiếp tại gần 20 tỉnh thành và dự kiến cuối năm nay sẽ tăng con số này lên 51 với trên 200 cửa hàng ủy quyền, 40.000 điểm bán lẻ. Nhà mạng đã hợp tác "nhờ sóng" với Vinaphone nên không phát triển thêm trạm BTS mà tận dụng 4.000 trạm hiện có.

Lãnh đạo Gmobile cho biết để hoạt động hiệu quả, hãng đã đi ngược xu hướng thị trường khi cắt quảng cáo hay truyền thông rầm rộ nhằm tập trung phát triển đại lý và thu hút thuê bao. Đó cũng là lý do khiến một năm qua không có chương trình nào và Gmobile đang lặng lẽ trên thị trường giống với cách của Vietnamobile đang làm.

Ông Dư cho rằng qua một năm hoạt động mới thấy mọi chuyện không quá khó khăn và cũng chưa đến mức "không thể vượt qua" như nhiều nhận định. "Đến nay công ty vẫn hoạt động tốt, phát huy điểm mạnh từ thời còn liên doanh", ông cho biết. Vị lãnh đạo cũng chia sẻ thêm, thành quả lớn nhất của doanh nghiệp là không có bất cứ khoản nợ xấu nào và vẫn sẵn sàng về tài chính.

Theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2013 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Gmobile đang chiếm 3,9% thị phần viễn thông, xếp thứ 5 (chỉ đứng trên S-Fone với 0,01%). Thông tin từ nhà mạng cho biết, tính đến hết tháng 8/2013 Gmobile có hơn 4,7 triệu thuê bao, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về tốc độ, Gmobile có sức tăng trưởng mạnh trên thị trường, tuy nhiên do lượng thuê bao ít nên số phát triển thêm "không thấm vào đâu" so với các doanh nghiệp lớn. Sau một năm, Gmobile vẫn chưa thực hiện được nguyện vọng trở thành mạng lớn thứ 4 Việt Nam. Chính vì thế, đại diện doanh nghiệp khẳng định chiến lược này tiếp tục được áp dụng trong tương lai, tập trung vào các vùng trọng điểm, tránh làm dàn trải.

ANH QUÂN/VNEXPRESS
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang