Gỡ 'nút thắt', thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

author 23:00 14/06/2019

(VietQ.vn) - Chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách thuận lợi, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong thời gian gần đây, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của TOPICA năm 2018, các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với Mỹ năm 2017, khoảng 291 triệu USD.

Riêng đối với đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu (early stage investment, i.e. “Seed” or “Series A” investment), báo cáo của KrAsia, Bain&Co cho thấy Việt Nam đã thu hút khoảng 150 triệu USD đầu tư trong năm 2018, gấp đôi của năm 2017. Dự kiến trong các năm tới, các startups giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn với ước tính của các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 205 triệu USD, 320 triệu USD và 440 triệu USD.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp.

Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup ... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.

Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập đoàn Vina capital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…

Mặc dù khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã và đang mang lại nhiều tín hiệu tích cho nền kinh tế, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam thực sự phát triển, cần có thêm những đòn bẩy mạnh, nhất là từ chính sách của Nhà nước.

Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures. Ảnh: ST

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư công nghệ VinaCapital Ventures cho rằng, thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục hoạch định, thực hiện việc đổi mới các chính sách liên quan nhằm tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, tăng cường tính cạnh tranh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất để tăng trưởng ổn định và bền vững, bắt kịp các xu hướng đầu tư, công nghệ trên thế giới.

Bên cạnh đó, sau thời kỳ phát triển kinh tế vừa qua, Việt Nam đã xuất hiện một số doanh nhân thành đạt sẵn sàng đầu tư, hỗ trợ thế hệ trẻ. Các doanh nhân này chính là “nhà đầu tư thiên thần” đầy tiềm năng cho startup Việt giai đoạn mới thành lập, bên cạnh các quỹ đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu về quản lý vốn Bain&Company, trong vòng 3 -5 năm tới, sẽ có khoảng 70 tỷ USD vốn đầu tư vào Đông Nam Á. 90% nhà đầu tư trên thế giới xác định Việt Nam và Indonesia là điểm đến quan trọng nhất. "70% số lượng đầu tư vào Việt Nam, Indonesia liên quan đến lĩnh vưc công nghệ, mạo hiểm hoặc các giải pháp để thay đổi các ngành chủ chốt", ông Khanh nói.

Tuy nhiên, theo ông Trần Nhật Khanh, các doanh nghiệp Việt Nam với khát vọng vươn tầm quốc tế hiện còn đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư (nhất là những khoản vay nhanh).

Không những thế, thách thức lớn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang phải đối mặt là quy trình thủ tục chính sách còn tốn khá nhiều thời gian - nhất là các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử hay nội dung số,…  cần áp dụng mã ngành. Trong khi đó, chỉ cần chậm vài tuần thì đã mất cơ hội được nhận vốn phát triển.

“Theo tôi, tất cả các startup đều đang mong muốn các chính sách được ban hành sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho những mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Đối với những vấn đề về vốn, kết nối đầu tư hay thủ tục, phía Nhà nước nên có hỗ trợ nhiều hơn để tiết kiệm thời gian, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đi nhanh hơn một bước”, ông Trần Nhật Khanh kỳ vọng.

Cũng theo ông Trần Nhật Khanh, hiện tại, Quỹ của ông quan tâm đến những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các ngành truyền thống. Và theo nghiên cứu của HSBC, 300 tỷ USD sẽ được tạo ra từ những thay đổi số hoá về công nghệ trong thị trường Việt Nam từ đây đến năm 2030.

Nhưng đại diện VinaCapital Ventures cũng nói thêm rằng, hiện nay các ngành truyền thống đang đối mặt với việc chi phí vận hành và đặc biệt là chi phí tiếp cận khách hàng và bán hàng rất cao. Ví dụ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm, 60% dân số vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, tỉ lệ người Việt có bảo hiểm còn thấp hơn nhiều. Do vậy, các giải pháp công nghệ đóng vai trò chủ chốt để đưa những sản phẩm này tới nhiều người Việt hơn.

"Chúng tôi đã và đang đầu tư vào những giải pháp công nghệ cho lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách, giải pháp sinh trắc học cho tài chính và bán lẻ, cũng như có khoản đầu tư vào mô hình kinh tế chia sẻ và công nghệ bất động sản. Hiện tại VinaCapital Ventures đang liên tục tìm kiếm để hợp tác và đầu tư vào các khởi nghiệp hỗ trợ khối SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa được quan tâm đầy đủ”, ông Khanh khẳng định.

Bảo Lâm

Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tham gia thị trường chứng khoán? (VietQ.vn) - Doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gia nhập vào thị trường chứng khoán phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc, để tránh gây tác động, ảnh hưởng thị trường vốn chung.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang