Gỡ Thẻ vàng IUU: Quy trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp

author 14:48 13/07/2021

(VietQ.vn) - Mặc dù đã ngăn chặn được về cơ bản, nhưng thực tế hiện nay, vẫn còn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản còn hạn chế. Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, Bộ NN&PTNT đề nghị nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (khai thác IUU) lần thứ 5 ngày 13/7/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong những năm gần đây, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,3 - 8,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,5 - 8,9 tỷ USD, giá trị sản xuất đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Sự hiện diện của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển đã giải quyết sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân lao động trực tiếp trên biển và khoảng 4 triệu lao động gián tiếp ven biển; đồng thời góp phần rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 Họp Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (khai thác IUUlần thứ 5 ngày 13/7/2021. Ảnh: Đức Thịnh

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém chưa khắc phục được và chưa đáp ứng được xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Do đó, ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “Thẻ vàng” đối với các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (EU) với lý do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU.

Theo Bộ NN&PTNT, qua gần 4 năm chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng”, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã có tiến bộ. Tính đến nay, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915/30.778 tàu cá (đạt 87,45%). Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ, được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đồng thời phân quyền truy cập cho các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan của Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ được giao, bước đầu đã đạt được kết quả trong theo dõi, quản lý tàu cá hoạt động trên biển.

Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT là 85.620/94.572 tàu, đạt 90,53%.

Đây là con số đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực của các địa phương trong việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá Việt Nam để gỡ thẻ vàng IUU theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

Bộ NN&PTNT đã tăng cường công tác quản lý đội tàu khai thác hải sản theo quy hoạch bảo vệ và khai thác ngưồn lợi thủy sản, theo hướng duy trì, không tăng số lượng tàu cá hiện có.

Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan tăng cường kiểm soát hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp. Nhất là việc tổ chức kiểm dịch nhập khẩu nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác từ tàu trung chuyển cập các cảng Việt Nam tại Cảng Cam Ranh, Cảng Cát Lái, Cảng Quốc tế Long An…

Đồng thời, Bộ NN&PTNT siết chặt quản lý, thường xuyên kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là nơi có lô hàng bị cảnh báo từ phía EC (năm 2018-2019 đã kiểm tra 2.297 lô thủy sản khai thác xuất khẩu vào EU, năm 2020 là 1.195 lô và 5 tháng đầu năm 2021 kiểm tra 447 lô). Với việc tăng cường các giải pháp giải quyết hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, hiện nay về cơ bản đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Các địa phương có vụ việc vi phạm đã giảm đáng kể so với trước như: Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bến Tre… Một số tỉnh đã quyết liệt xử phạt các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt là 61.904.462.000 đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là 13.679.600.000 đồng.

Quyết liệt gỡ Thẻ vàng IUU

Việc EC cảnh báo “Thẻ vàng” đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Âu, bởi khi bị cảnh báo “Thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường Châu âu (EU). Ngoài ra, việc bị cảnh báo “Thẻ vàng” cũng như việc khắc phục “Thẻ vàng” chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.

Bộ NN&PTNT cho biết, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong việc khắc phục gỡ Thẻ vàng IUU, song đánh giá của phía EC gần đây đối với báo cáo cập nhật của Việt Nam là rất đáng quan ngại. EC cho rằng, vẫn còn những vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện khung pháp lý mới và việc tuân thủ, đặc biệt là công tác kiểm soát tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, thực thi quy định xử phạt hành chính đối với công tác kiểm soát tàu cá và kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm.

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra, còn diễn biến phức tạp, các tỉnh như Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến, tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Việc điều tra, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, vẫn chưa đưa ra xử lý được trường hợp nào để răn đe, giáo dục.

Mặt khác, việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm về khai thác IUU chưa thật sự nghiêm minh, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn rất thấp so với thực tế. 

Lý giải về vấn đề này, các địa phương cho rằng, mức phạt trong Nghị định số 42/2019/NĐ-CP là quá cao so với thu nhập của ngư dân hoạt động khai thác thủy sản, đặc biệt là mức phạt đối với các hành vi nghiêm trọng. Một số chủ tàu khi bị xử phạt và tịch thu tàu đã không còn khả năng tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản, bên cạnh đó một số chủ tàu còn lâm vào cảnh vô cùng khó khăn vì không có khả năng để trả nợ ngân hàng tiền vay đóng tàu, nhà cửa, đất đai bị xiết nợ…; Hơn nữa, việc tìm chứng cứ, thông tin đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài còn khó khăn cũng dẫn đến việc xử lý vi phạm đối với hành vi này còn ít. 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống khai thác IUU, sớm gỡ “Thẻ vàng”, Bộ NN&PTNT đề nghị, cần tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm trong năm 2021. 

Theo đó, phải kiểm tra, rà soát, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá (đặc biệt là tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh…); hoàn thành việc đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đúng quy định của pháp luật. 

Cụ thể, đối với tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên tại địa phương phải xong trước 30/8/2021, đảm bảo kết nối thông suốt với Hệ thống giám sát hành trình tàu cá, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng hoạt động của thiết bị trước khi cho tàu cá đi khai thác thủy sản trên biển. 

Hoàn thành việc cấp giấy phép khai thác thuỷ sản đối với những tàu tham gia khai thác xong trước ngày 30/10/2021. Hiện còn 42.959 tàu chưa cấp giấy phép khai thác thuỷ sản. Đối với các trường hợp không lắp đặt thiết bị VMS, không thực hiện việc Cấp giấy phép khai thác thủy sản phải được lập danh sách, có lý do cụ thể, theo dõi quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm khi không tuân thủ quy định nhưng vẫn đưa tàu cá đi khai thác thủy sản. 

Nếu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân tiếp tay, dung túng, cố tình vi phạm các quy định về IUU phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống khai thác IUU, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông suốt, đồng bộ, hiệu quả về công tác phòng, chống khai thác IUU; bảo đảm mục tiêu sớm gỡ “Thẻ vàng” trong thời gian tới.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang