Goal mapping: Thành công nhờ... cây bút chì màu

author 08:03 03/05/2015

Henry Ford - một trong những doanh nhân thành công nhất mọi thời đại - đã từng nói: “Dù bạn nghĩ rằng mình có thể hoặc không thể làm được điều gì đó, bạn đều đúng”. Nghĩa là tâm trí đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công.

Vậy vấn đề là làm thế nào để tận dụng được sức mạnh của tâm trí. “Thiết lập mục tiêu là kỹ năng tuyệt vời nhất mà con người sở hữu, điều quan trọng là phải làm chủ được tiềm thức của mình”, Brian Mayne – tác giả của cuốn Goal Mapping – cho biết.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, tiềm thức là một “đối tác” hoàn hảo dẫn dắt chúng ta đến thành công. Bởi vì khi bạn đặt ra một mục tiêu trong ý thức, tiềm thức sẽ giữ cho bạn luôn hành động hướng theo mục tiêu đó, dù có thể chính bạn cũng không biết rằng mình đang làm như vậy.

“Về cơ bản, ý thức của bạn giống như màn hình hiển thị trên máy tính, còn tiềm thức thì giống như các chương trình vận hành bên trong”, Brian ví von.

Vì vậy, nếu muốn duy trì sự theo đuổi mục tiêu để nhanh chóng thành công, chúng ta phải học cách tác động liên tục đến tiềm thức.

Tác động đến tiềm thức bằng... bút chì màu

Brian Mayne cho rằng, việc thiết lập các chiến lược mục tiêu của mình chỉ bằng từ ngữ sẽ làm giới hạn năng lực của tiềm thức. Trong khi đó, việc vẽ ra "bản đồ chiến lược" này một cách sinh động bằng bút chì màu sẽ kích thích khả năng phân tích lẫn sáng tạo của não bộ, tác động hiệu quả đến tiềm thức.

Đưa hộp bút chì màu cho các nhà lãnh đạo rồi yêu cầu họ vẽ một bức tranh có vẻ như là một ý tưởng “điên rồ”, nhưng rồi bạn sẽ thấy được kết quả ấn tượng của nó.

Goal mapping - phương pháp thiết lập mục tiêu bằng cách tăng cường tính sáng tạo và khả năng phân tích của não bộ - được áp dụng hiệu quả tại nhiều công ty và hệ thống trường học trên khắp thế giới.

British Telecom sử dụng phương pháp Goal mapping để đánh giá hiệu suất làm việc đối với nhân viên mới. Chi nhánh của Microsoft tại Vương quốc Anh đã đạt được kết quả tốt nhất trong công việc vào năm họ được giới thiệu sử dụng phương pháp thiết lập mục tiêu này.

Nhà vô địch Kick-Boxing thế giới Katalin Konya cho rằng nhờ sử dụng Goal mapping mà cô đã giành được chức vô địch. “Thật khó để giải thích những tác động tích cực của phương pháp này. Nhưng thật sự là nó mang đến cho tôi cảm giác ‘Vâng, tôi có thể làm được, tôi có thể đạt được’. Nó giống như là cầu nối giữa những giấc mơ và thực tế”.

Tập trung từng bước để chinh phục mục tiêu

Việc thiết lập mục tiêu hiệu quả bao gồm việc lên kế hoạch và hành động.

“Khi đã hình dung được đỉnh núi nhưng không biết làm cách nào để leo lên đó, bạn sẽ không đến đó được. Do đó, hãy chia mục tiêu ra thành từng bước nhỏ”, Frank Niles – Tiến sĩ, nhà khoa học xã hội, đối tác quản lý của Scholar Executive Group cho biết.

Trong một cuộc khảo sát, các nhà nghiên cứu của Đại học California có hai nhóm sinh viên: một nhóm có khả năng thực hiện tốt bài kiểm tra và một nhóm có vẻ như cần thêm một vài giai đoạn nữa mới có thể làm tốt. Kết quả sau đó lại có lợi cho nhóm thứ hai, họ đạt được nhiều kỹ năng và kiến thức cần thiết hơn. Không chỉ làm tốt hơn, họ còn trải qua nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, tập trung vào từng bước và giảm lo lắng trong quá trình làm bài.

“Nhiều người cho rằng thiết lập mục tiêu là việc nên thực hiện mỗi năm một lần. Nhưng thật ra chúng ta nên làm thao tác này gần như bất cứ lúc nào cảm thấy cần thiết. Bất kể mục tiêu của bạn là gì, hãy lấy những cây bút chì màu ra, sau đó thuyết phục tiềm thức của mình rằng bạn đã có đủ tất cả những gì nó cần”, Brian Mayne nói.

Theo DNSG


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang