Gói 30.000 tỷ: Mập mờ pháp lý, người mua nhà 'trở đi mắc núi, trở lại mắc sông'

author 11:40 30/03/2016

(VietQ.vn) - LS.Trần Tuấn Anh- Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Tp.HN đã “bóc mẽ” sự mập mờ về pháp lý của gói 30.000 tỷ khiến người mua nhà "lãnh đủ"

Gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ - được xem là “vị cứu tinh” thị trường bất động sản, bắt đầu triển khai từ 6/2013. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31/12/2015, tổng số tiền đã cam kết là 26.999 tỷ đồng (đạt 90%), đã giải ngân là 17.711 tỷ đồng (đạt 59%).

Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân, đã ký hợp đồng cam kết cho vay 40.037 hộ với số tiền là 19.225 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 39.883 hộ với số tiền là 13.771 tỷ đồng. Đối với tổ chức, đã cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỷ đồng và giải ngân cho 58 dự án, dư nợ là 3.940 tỷ đồng.

Khi gói 30.000 tỷ tăng tốc để về đích cũng là lúc một số ngân hàng ra thông báo về việc áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016. Lúc này, nhiều khách hàng mới hoảng hốt, ngã ngửa người vì cứ tưởng lãi suất ưu đãi sẽ được hưởng trong suốt thời gian vay.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, “giờ đây những người mua nhà đang rơi vào tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, bởi không vay nữa thì không biết lấy đâu số tiền để đóng tiếp cho chủ đầu tư, mà tiếp tục vay thì lấy tiền đâu để trả lãi, gốc theo lãi suất thị trường?”.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Rõ ràng ở đây đang có sự mập mờ về thông tin pháp lý của cả phía ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này mà ở đây cụ thể là Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước”.

Luật sư Trần Tuấn Anh giải thích: Nghị quyết số 02/2013/NQ-CP của Chính phủ trong thời điểm đó mang rất nhiều ý nghĩa về mặt Chính sách điều tiết vĩ mô nhằm “cứu” thị trường bất động sản cũng như chính sách nhân văn đối với các đối tượng có thu nhập thấp đang có nhu cầu về nhà ở. Trong nội dung Nghị quyết đã không giới hạn về thời gian để thực hiện chính sách này.

Tuy nhiên, đến Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã quy định “Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực” - tức là ngày 01/6/2016.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định như vậy, tuy nhiên khi công bố trên các thông tin đại chúng thì tuyệt nhiên không có bất kỳ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào nhắc đến việc gói này sẽ kết thúc vào thời gian nào.

Theo LS.Trần Tuấn Anh, người mua nhà rơi vào cảnh "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông".

Đối với các Ngân hàng thì lại mập mờ khi chỉ ghi nhận trong Hợp đồng tín dụng về Nghị quyết số 02/2013/NQ-CP của Chính Phủ mà không căn cứ vào Thông tư số: 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước - là văn bản trực tiếp điều chỉnh đối với nghiệp vụ cho vay này. Bên cạnh đó, đến nay Ngân hàng Nhà nước ít nhất đã ban hành tới 03 Quyết định quy định về mức lãi suất cho vay đối với chính sách này và cho đến Quyết định số: 2645/QĐ-NHNN ngày 30/12/2015 của Ngân hàng Nhà Nước cũng vẫn ghi nhận mức lãi suất cho vay là 5%/năm và không quy định về thời gian hết hiệu lực của Quyết định này là vào ngày 01/6/2016, mặc dù thời hạn này đã được ghi nhận tại Thông tư số: 11/2013/TT-NHNN do chính Ngân hàng Nhà Nước ban hành.

“Như vậy, chúng ta có thể thấy, chính sự “không minh bạch” về mặt thông tin đã gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong dư luận trong thời gian qua. Về đạo đức kinh doanh của các ngân hàng, tôi xin phép không đánh giá, với kinh nghiệm hành nghề của mình, tôi cho rằng, để xảy ra sự việc đáng tiếc này có lẽ cũng xuất phát từ nhiều phía, có nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Xây dựng, có nguyên nhân xuất phát từ chính các tổ chức tín dụng và một phần cũng xuất phát từ sự “không chịu tìm hiểu pháp luật một cách cặn kẽ” của người mua nhà trước khi đặt bút ký vào Hợp đồng tín dụng” – luật sư Trần Tuấn Anh đánh giá.

Nhưng cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì bây giờ thiệt hại cũng đang là phía người vay vốn. Bởi xét cho cùng, đối tượng vay vốn là những người có thu nhập thấp, những người cần sự hỗ trợ của Nhà nước mới dám đi mua nhà. Họ mua nhà, một phần là vì lãi suất thấp, phù hợp với thu nhập của họ.

Trong trường hợp không còn được ưu đãi đối với các khoản giải ngân sau ngày 01/6/2016, luật sư Trần Tuấn Anh e rằng đây sẽ là một gánh nặng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những người vay vốn.

“Thiết nghĩ, trong trường hợp này, các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và cao hơn là Chính phủ cần có những đánh giá, nghiên cứu và quyết sách phù hợp để “chính sách không làm khó dân” - luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Dương Phương Ngọc


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang