GrabTaxi 'lật kèo', hàng loạt tài xế gửi đơn kêu cứu lên Bộ GTVT

author 19:45 30/05/2018

(VietQ.vn) - Nhiều tài xế đối tác của Công ty TNHH GrabTaxi gửi đơn kêu cứu lên Bộ GTVT phản ánh việc công ty này gây ảnh hưởng tới lợi ích của tài xế.

Một nhóm bao gồm nhiều tài xế đối tác của Công ty TNHH GrabTaxi vừa chính thức gửi đơn kêu cứu lên Bộ GTVT phản ánh việc công ty này có nhiều sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các tài xế.

Theo nội dung đơn thư của tài xế Grab và Uber, thời điểm mới vào Việt Nam, Grab đưa ra nhiều lời mời chào “có cánh” như thu nhập 35 triệu đồng/tháng (trừ chi phí phát sinh mỗi tài xế thu nhập khoảng 17 triệu đồng/ tháng) chủ động thời gian, công việc, được đào tạo để tăng thu nhập ... khiến nhiều tài xế gia nhập. Thậm chí, nhiều tài xế đã phải vay mượn tiền, thế chấp tài sản với ngân hàng để mua xe ô tô.

"Tuy nhiên, những chính sách mà GrabTaxi vừa đưa ra đã khiến chúng tôi không khỏi hoài nghi về việc có hay không hành vi áp đặt, đối xử bất bình đẳng, không ghi nhận sự cống hiến của đối tác. Ngoài ra, chúng tôi cũng hoài nghi sự tuân thủ pháp luật của đơn vị này", nội dung đơn thư của nhóm tài xế cho hay. 

Một phần nội dung đơn kêu cứu của tài xế đối tác GrabTaxi. 

Mức chiết khấu, cước phí làm khó tài xế

Lấy ví dụ cụ thể về những áp đặt có phần “vô lý” của GrabTaxi, nhóm tài xế đối tác cho biết đối với những người tham gia công ty thời điểm trước tháng 10/2017 sẽ chịu quy định mức chiết khấu là 20% và những tài xế tham gia sau tháng 10/2017 chịu mức chiết khấu 25%.

Các tài xế cho rằng, với mức chiết khấu này khiến họ phải đối mặt với việc thu nhập không đảm bảo cuộc sống chứ chưa nói đến việc trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, các tài xế ngày một phụ thuộc vào GrabTaxi bởi nếu không hợp tác sẽ thất nghiệp, không có tiền trả ngân hàng và tiếp tục thì không có quyền thỏa thuận về chính sách, phải chịu áp đặt.

Cũng theo phân trần của tài xế, GrapTaxi còn có hành vi tự ý trừ 3,6% cước phí của toàn bộ chuyến đi với lý do để đóng thuế thu nhập cá nhân cho đối tác. Điều này bắt đầu từ ngày 1/1/2018 và GrabTaxi giải thích tăng mức chiết khấu là thực hiện theo quy định của Tổng Cục thuế về chính sách thuế thu nhập cá nhân tham gia mô hình hoạt động của GrabBike và GrabExpress. Tuy nhiên, đối tác của GrabTaxi cho rằng họ không được trao đổi về vấn đề đóng thuế thu nhập cá nhân, thời điểm, lợi ích...

"GrabTaxi chỉ đưa ra một mức đóng và buộc chúng tôi phải tuân theo mà không cần giải thích, không phổ biến cũng như không cần biết chúng tôi có chấp nhận mức đóng đó hay không", các tài xế đối tác của GrabTaxi nói.

Theo đơn thư của tài xế đối tác, GrabTaxi đã áp đặt mức chiết khấu, cước phí không phù hợp khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Ảnh: báo Xây dựng

 

Trong đơn kêu cứu gửi Bộ GTVT, nhóm đối tác này cho rằng Sở GTVT có cắm biển cấm taxi ở một số tuyến phố của Hà Nội nhưng GrabTaxi không cập nhật lộ trình, không thay đổi cước khí làm ảnh hưởng đến tài xế. Cụ thể là việc cắm biển cấm khiến tài xế phải đi đường vòng nhưng cước phí vẫn giữ nguyên theo lộ trình cũ (đi qua phố cấm) khiến thu nhập bị giảm sút.

Không những vậy, nhóm tài xế còn cho rằng Công ty TNHH GrabTaxi đã có hành vi ngăn cản quyền trao đổi, làm việc với các đối tác. Cụ thể, sau khi GrabTaxi đột ngột thay đổi chính sách nhưng không thỏa thuận, nhiều tài xế có đặt lịch làm việc, muốn đối thoại nhưng không có phản hồi.

"Khi đưa ra các kiến nghị đến GrabTaxi, chúng tôi muốn được tôn trọng, lắng nghe. Chúng tôi tin tưởng nếu chúng tôi cùng làm việc với nhau trên tinh thần này thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt nhất, phù hợp nhất với tất cả các bên. Nhưng GrabTaxi không có bất cứ hồi đáp nào, không có bất cứ động thái nào trả lời cũng như mong muốn được gặp gỡ và giải quyết bất đồng với chúng tôi", nhóm tài xế bức xúc viết trong đơn.

Khóa tài khoản đối tác không lý do

Đáng chú ý là các đối tác của GrabTaxi cho rằng đơn vị này đang vi phạm đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định 24 của Bộ GTVT).

Các đối tác cho rằng, GrabTaxi là đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ, không có chức năng kinh doanh dịch vụ vận tải theo quy định pháp luật.

Do đó, việc đơn vị này không ký kết Hợp đồng với đối tác nhưng lại tự ý đưa ra và thực hiện các mức chiết khấu, trích cước phí với lý do để đóng thuế thu nhập cá nhân... là vi phạm Quyết định 24.

Nhiều tài xế phản ánh rằng tài khoản của họ bất ngờ bị khóa mà không có giải thích rõ ràng từ GrabTaxi. Ảnh: báo Dân Sinh

Ngoài các nội dung nêu trên, gần đây, tài xế đối tác của GrabTaxi cũng rất bức xúc với tình trạng tài khoản bị khóa mà không rõ lý do. Trước phản ánh này, GrabTaxi chỉ đưa ra lý do là "phản ánh của khách hàng về các tài xế lái xe không tốt".

"Điều bất hợp lý là GrabTaxi không xác minh, không gửi cho chủ tài khoản bị khóa đủ căn cứ chứng minh. Việc không xác minh, làm rõ sự thật mà chỉ dựa trên lời nhận xét chủ quan của hách hàng, tự tiện khóa tài khoản đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tác", các tài xế đối tác của GrabTaxi cho biết thêm.

Phong Lâm

Sau nhiều năm thua lỗ, Uber lần đầu báo lãi nhờ thương vụ bán mình cho Grab tại Đông Nam Á(VietQ.vn) - Sau nhiều năm thua lỗ, Uber cũng có thể tạm "ăn mừng" khi quý I/2018, doanh nghiệp ghi nhận mức lãi 2,5 tỷ USD trên giấy tờ, chủ yếu nhờ thương vụ bán mình cho Grab tại Đông Nam Á.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang