GS Bùi Công Quế đề xuất 'tái cấu trúc' các Hội đồng khoa học

author 11:45 30/10/2014

(VietQ.vn) – Theo GS Bùi Công Quế, cần "tái cấu trúc" và nâng cao chất lượng đánh giá của các hội đồng khoa học, vì nhiều nơi còn đánh gia qua loa.

GS Bùi Công Quế từng bảo vệ luận án Tiến sĩ về Địa chất ở Liên Xô năm 1975. Ông nguyên là Viện trưởng viện Địa chất và Địa Vật lý biển; sau đó từng là Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Khi chúng tôi thông báo qua về Nghị định Cơ chế tài chính trong khoa học vừa được Chính phủ phê duyệt, ông liên tục gật đầu, phấn khởi nói: “Được, được, đúng lắm…”

Nhà khoa học này sau đó đã chia sẻ với Chất lượng Việt Nam những trăn trở về việc “tái cấu trúc” các Hội đồng khoa học:

GS Bùi Công Quế

GS Bùi Công Quế

- Thưa GS, ông đánh giá như nào về cơ chế khoán sắp tới thực hiện trong các đề tài khoa học?

- Cơ chế khoán như thế là xác đáng, giảm được các thủ tục phiền hà cho nhà khoa học, hạn chế được các bất cập lâu nay về cơ chế tài chính. Nhưng muốn làm tốt thì phải nâng cao chất lượng hội đồng khoa học xét duyệt và đánh giá (đầu vào và đầu ra).

- GS có thể nói rõ thêm?

- Hội đồng phải có trách nhiệm và quyền lợi tương xứng. Phải có những cá nhân đặt hàng ngồi trong hội đồng xét duyệt và hội đồng nghiệm thu. Bởi có những đề tài kéo dài nhiều năm, chỉ có những người “đặt đề bài” mới biết rõ kết quả thực hiện có đúng không.

Bộ KH&CN cần lập ra một đơn vị cấp Cục, chuyên quản lý về đánh giá – nghiệm thu các đề tài. Ở Trung Quốc cũng có một Cục như vậy. Đương nhiên, không phải cán bộ của Cục này phải ngồi trong các Hội đồng và “tác động” vào Hội đồng, mà ngược lại, họ chỉ có nhiệm vụ lập các Hội đồng và theo dõi đánh giá sao cho khách quan nhất.

- GS đánh giá như nào về chất lượng các Hội đồng khoa học ?

- Có những Hội đồng làm việc nghiêm túc, đánh giá khách quan. Nhưng cũng có Hội đồng rất qua loa. Hội đồng không nên chỉ làm việc một buổi, càng không nên chỉ đọc báo cáo của nhóm nghiên cứu trước khi bảo vệ chỉ vài ngày, rồi bỏ phiếu theo cảm tính.

Có những người khi đánh giá thì phê phán rất “hăng”, nhưng lúc cho điểm lại “giơ cao đánh khẽ”, nên kết quả vẫn đạt hoặc ở mức khá…

Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài trọng điểm cấp nhà nước KC.06/11-15

Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài trọng điểm cấp nhà nước KC.06/11-15

Hội đồng bây giờ phải làm việc cả tháng, họp ít nhất 3 buổi. Trước đó phải đi kiểm tra, đánh giá, đo đạc, thử nghiệm…sản phẩm mà nhóm khoa học làm ra.

Vì vậy, khi lập dự toán, chủ nhiệm các đề tài có trách nhiệm dành một khoản chi phí nào đó (khoảng 3-5%) giống như chi phí thiết kế các công trình, để nộp cho cơ quan quản lý, sau đó chi cho các Hội đồng thực hiện nhiệm vụ.

Mỗi khi các công trình có vấn đề thì bên thiết kế cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Tương tự như vậy, nếu đề tài có vấn đề thì Hội đồng cũng phải có trách nhiệm liên quan. Không thể để xảy ra tình trạng, đánh giá thế nào cũng được.

- Như vậy, khi làm dự thảo, các chủ nhiệm đề tài phải xác định được các công đoạn có kiểm tra – đánh giá các sản phẩm trung gian?

- Đúng vậy. Trong bản thuyết minh các đề tài phải có các công đoạn để Hội đồng kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

- GS đánh giá như nào về ý tưởng công khai tất cả các sản phẩm nghiên cứu khoa học (trừ an ninh quốc phòng)? Có nên lập một website để bất kỳ người dân nào cũng có thể truy cập và biết được các nhà khoa học Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì?

- Tôi đồng ý. Làm như vậy để tránh trùng lặp các đề tài với nhau. Nhưng việc công khai cũng tránh lộ các bí quyết công nghệ.

Không mời những người "nghỉ" làm khoa học vào Hội đồng

GS Bùi Công Quế đánh giá cao việc Bộ KH&CN lập cơ sở dữ liệu các nhà khoa học, để chọn lựa vào các Hội đồng.

Song ông cũng cho rằng, chỉ nên mời những người vẫn còn làm nghiên cứu khoa học: vẫn có công bố, có sách, giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu...Nhưng nếu ai đó "nghỉ ngơi" thì không nên mời vào nữa.

 

Xin cảm ơn GS !

Hoàng Tuân
(thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang