GS Đặng Hùng Võ: Bất động sản công nghiệp là cơ hội mới cho các nhà đầu tư

author 14:07 16/04/2019

(VietQ.vn) - Lượng vốn đổ vào BĐS công nghiệp hiện nay vẫn hẹp hơn các phân khúc khác, do đó, cần đa dạng hóa cách vận hành khu công nghiệp, đa dạng hóa nguồn vốn thì hiệu quả phát triển cao hơn nhiều.

Thị trường Bất động sản (BĐS) công nghiệp (bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics) ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ và bùng nổ. Cùng với đó, các chính sách mới của Việt Nam về BĐS công nghiệp: chiến lược cơ cấu lại ngành công nghiệp, khung pháp lý mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, cụm công nghiệp… đã mở ra nhiều cơ hội phát triển các khu công nghiệp trên cả nước.

Bất động sản công nghiệp ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ và bùng nổ.

Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, diện tích cần khoảng 500.000 ha. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.

Để phát triển BĐS công nghiệp, thị trường logistics (kho vận) cũng là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng. Rất nhiều chuyên gia cho rằng thị trường logistics sẽ phát triển “nổi bật” trong vòng 5-10 năm nữa. Dự báo, đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng lên đến 8 tỷ USD. Như vậy, bên cạnh công nghệ, các doanh nghiệp logistics cũng phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng để chiếm miếng bánh lớn trong tương lai. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào BĐS công nghiệp tại Việt Nam.

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã ban hành, đã bổ sung thêm một số loại hình khu công nghiệp và khu kinh tế đặc thù, trong đó có Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng: Khu công nghiệp là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của khu), được đầu tư xây dựng để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp. Quy mô diện tích khu đô thị - dịch vụ tối đa không vượt quá 1/3 quy mô diện tích khu công nghiệp.

Chính sách từ Nghị định này là “điểm mở” giúp các nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất, thay đổi cách thức vận hành các khu công nghiệp và thúc đẩy thị trường BĐS công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

 GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trao đổi về triển vọng của BĐS công nghiệp, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Phát triển BĐS công nghiệp đó chính là một cơ hội mới cho các nhà đầu tư hiện nay. BĐS công nghiệp không chỉ thu hút những người quan tâm đến khu công nghiêp mà còn thu hút các nhà đầu tư BĐS khác như về nhà ở, các loại dịch vụ khác để có thể phát triển trở thành khu đô thị. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng mang lại cơ hội tốt cho Việt Nam, bởi sẽ có làn sóng dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, lượng vốn đổ vào BĐS công nghiệp hiện nay vẫn hẹp hơn các phân khúc khác. Do đó, chúng ta cần đa dạng hóa cách vận hành khu công nghiệp, đa dạng hóa nguồn vốn thì hiệu quả phát triển cao hơn nhiều. Đồng thời, các nhà đầu tư sơ cấp cần thay đổi tư duy trước cơ hội khung pháp luật đã được đổi mới.

GS Đặng Hùng Võ cho hay, việc minh bạch thông tin trong BĐS nói chung và BĐS công nghiệp là điều tối quan trọng hiện nay. Đơn cử như, nhiều nhà đầu tư có ý định đầu tư vào Việt Nam. Họ chỉ cần ở tại nước mình nhưng vẫn có thể biết được tình hình BĐS công nghiệp ở mỗi địa phương ở Việt Nam như: Giá thuê mặt bằng ở đây cỡ độ như thế nào; địa phương đó có bao nhiêu khu công nghiệp; quy hoạch ra sao; hiện trạng và độ lấp đầy của từng khu vực cũng như hạ tầng về sản xuất ở mức độ nào.

Ngoài ra, để BĐS công nghiệp thực sự thu hút được nhà đầu tư, ông Võ cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn cần nỗ lực cải tiến tất cả các phương diện để thu hút các nhà đầu tư mạnh hơn nữa. Chính phủ phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng và mạng lưới vận tải đa phương thức để giảm chi phí hậu cần và phù hợp với các dự án có giá trị cao hơn trong tương lai. Để giữ chân các nhà đầu tư lâu dài, Chính phủ cũng cần cân nhắc đến giải pháp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hải quan phức tạp và cải thiện sự kết nối đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế.

'Thị trường mới', từ khoá có thể khiến nhà đầu tư bất động sản chú ý nhất 2019(VietQ.vn) - Đúng như dự báo từ các năm trước, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã không còn là điểm nhấn duy nhất của các nhà đầu tư bất động sản (BĐS). Năm 2019 ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thị trường mới như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Thanh Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang