GS. Hà Tôn Vinh: Không sáng tạo doanh nghiệp sẽ tự dập tắt cơ hội phát triển

author 06:36 27/08/2019

(VietQ.vn) - Đổi mới quản trị doanh nghiệp được ví như một cuộc hành trình luôn ở phía trước, mà trong đó hai tiêu chí cốt lõi chính là “sáng tạo” và “bền vững”.

Tốc độ đột phá của CMCN 4.0

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước phát triển và diễn ra với tốc độ chóng mặt tại các nước đang phát triển. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc “đổi đời” của các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam nếu đón được làn sóng này. Lẽ dĩ nhiên, nếu các DN tại Việt Nam không muốn bị “chìm xuồng”, việc cốt yếu chính là phải thay đổi hệ thống quản trị để có thể sống và sống bền vững.

Đổi mới quản trị là yếu tố cốt lõi nếu doanh nghiệp muốn sống và sống bền vững.

 

Theo Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới, chúng ta đang sống trong một thế giới liên tục thay đổi với những cuộc cách mạng: CMCN đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc CMCN 4.0 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

Tốc độ đột phá của CMCN 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng, chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Tại Việt Nam, theo số liệu gần đây nhất, dân số của chúng ta có khoảng 97 triệu người (35% dân số sống ở thành thị), số người sử dụng internet khoảng 65 triệu người (chiếm 67% dân số cả nước). Trung bình 1 người Việt Nam bỏ ra khoảng 4h đồng hồ để sử dụng internet. Trong vòng 5 năm tới, cuộc sống của chúng ta đều chịu tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0.

Vậy phải đổi mới quản trị như thế nào để DN không bị “hất văng” khỏi làn sóng ấy?

Đi tìm lời giải 

Theo Chuyên gia kinh tế, GS. Hà Tôn Vinh, để đổi mới quản trị DN, câu trả lời rất dễ và cũng rất khó là: “Bắt nguồn từ chính DN”. Đổi mới quản trị DN được ví như một cuộc hành trình luôn ở phía trước, mà trong đó hai tiêu chí cốt lõi chính là “sáng tạo” và “bền vững”.

Chuyên gia kinh tế, GS. Hà Tôn Vinh.

 

“Năm 1968, tôi bắt đầu kinh doanh bằng việc bán hàng. Sau này, tôi thấy rất nhiều người cũng bán mặt hàng giống tôi, trong khi hàng hóa của tôi không thể nào cạnh tranh được. Tôi nghĩ đến sự khác biệt trong sản phẩm và lúc ấy tôi bán “sự khác biệt” (sản phẩm có mẫu mã đẹp hơn, chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lí hơn…). Đến ngày hôm nay, người ta kinh doanh bằng một thứ vô cùng quan trọng, đó là “giải pháp”.

Đơn cử như hãng túi xách hàng hiệu nổi tiếng Louis Vuitton, nếu giá bán một chiếc túi xách là 1000 USD, trong đó chỉ có 130 USD là giá trị thật dành cho nguyên liệu, 870 USD còn lại chính là hãng Louis Vuitton bán “giải pháp”. Hãng này khẳng định, họ bán cho phụ nữ sự đẳng cấp và niềm tự hào, người phụ nữ đeo chiếc túi Louis Vuitton chắc chắn đó là người phụ nữ thành đạt”.

Như vậy, bản chất của quản trị DN chính là liên tục, liên tục thay đổi. Nếu bản thân DN không thay đổi, không sáng tạo, đồng nghĩa với việc DN tự dập tắt đi cơ hội phát triển.

Cùng với đó, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra bốn vấn đề cần thiết trong đổi mới quản trị chiến lược của DN để hướng tới phát triển bền vững, đó là: Hiệu quả về mặt kinh doanh, lợi nhuận thiết thực cho phát triển DN cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tinh thần thượng tôn pháp luật về kinh tế, môi trường và xã hội; xây dựng quy chuẩn đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội; cam kết mạnh mẽ trong hoạt động từ thiện, chia sẻ những khó khăn, ảnh hưởng của thiên tai trong cộng đồng và trên thế giới.

Đặc biệt, về khía cạnh luật pháp, để đạt được phát triển bền vững trong luật pháp cần hội tụ ba điểm: Thứ nhất, công khai, minh bạch, xây dựng các văn bản pháp luật thích hợp với điều kiện chấp hành của người dân; Thứ hai, nâng cao giáo dục và đào tạo, nhận thức về luật pháp từ gia đình đến trường học; Thứ ba, về chế tài thực hiện, nếu hệ thống văn bản pháp luật tốt, hạ tầng cơ sở tốt, nhận thức người dân tốt… nhưng chế tài xử phạt những người vi phạm pháp luật không nghiêm minh, không triệt để sẽ là rào cản rất lớn đối với phát triển bền vững. 

Ngoài ra, chiến lược kinh doanh cần hướng tới áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, áp dụng khoa học công nghệ cần phải nghiên cứu và ứng dụng, căn cứ vào khắc phục thế yếu và phát huy thế mạnh của DN.

Hành lang pháp lý KHCN và đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện(VietQ.vn) - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hành lang pháp lý về khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện.

QUANG TÔNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang