GS Lưu Lệ Hằng nói về nguyên nhân chuyển hướng nghiên cứu

author 06:39 25/07/2015

(VietQ.vn) - GS Lưu Lệ Hằng cho biết, lý do bà chuyển từ nghiên cứu cơ bản sang ứng dụng là để thay đổi, vì không muốn làm mãi một thứ.

GS.TS Lưu Lệ Hằng được coi là một trong những nhà Vật lý - Thiên văn xuất sắc nhất thế giới.

Bà sinh năm 1963 tại TP. HCM. GS Hằng cùng gia đình sang Mỹ sinh sống từ năm 1975 – năm bà 12 tuổi. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Vật lý tại ĐH Stanford, bà làm tiến sĩ tại ĐH California, Berkely. Bà từng làm việc tại phòng thí nghiệp Jet Propulsion của NASA.

GS Lưu Lệ Hằng nói lý do chuyển hướng nghiên cứu
GS Lưu Lệ Hằng nói lý do chuyển hướng nghiên cứu

Sau khi học xong tại Berkely, bà đến làm nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Sau 5 năm quan sát, nhóm của bà khám phá ra vành đai Kuiper với 70 ngàn thiên thạch.

Năm 27 tuổi, bà giảng dạy tại ĐH Harvard, rồi tới ĐH Leiden ở Hà Lan. Khi quay lại Mỹ, bà làm việc trong Phòng thí nghiệm Lincoln tại MIT.

Năm 1991, Hội Thiên văn Mỹ trao tặng bà Giải thưởng Annie J.Cannon về Thiên văn học. Để ghi nhận đóng góp của GS.TS Lưu Lệ Hằng trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, một hành tinh được đặt tên theo tên của bà là 5430 Luu.

Năm 2012, bà được nhận hai Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli – những giải thưởng được coi là Nobel trong lĩnh vực thiên văn học.

Trả lời Chất lượng Việt Nam sau khi giao lưu với SV ĐH Bách Khoa Hà Nội chiều 25/7 về việc, vì sao đang nghiên cứu cơ bản, bà lại chuyển sang nghiên cứu ứng dụng, nhà khoa học nữ tài ba vui vẻ đáp: "Nếu làm mãi một công việc từ năm này sang năm khác thì rất chán. Quan trọng hơn, thay đổi là một điều tốt".

GS Lưu Lệ Hằng cho rằng khi người phụ nữ làm khoa học hay một lĩnh vực nào thì ở phương Tây cũng như Việt Nam, đều có những khó khăn nhất định dù trong xã hội đã có sự bình đẳng giới. Sự khó khăn của người phụ nữ khi làm khoa học tùy vào cá nhân của mỗi người, của từng gia đình và ở các quốc gia cũng có sự khác nhau.

“Tôi hy vọng những khó khăn của phụ nữ khi làm việc so với nam giới sẽ được giải quyết trong tương lai. Sự khó khăn lớn nhất trong quá trình làm khoa học của tôi là thuyết phục mọi người nghiêm túc hơn trong nhận xét về người phụ nữ làm khoa học và tạo điều kiện cho phụ nữ làm việc tốt hơn”, GS Hằng nói.

GS Lưu Lệ Hằng cho rằng để trở thành một nhà thiên văn học hay một lĩnh vực khoa học nào thì không bao giờ muộn đối với những người thực sự đam mê nhưng chúng ta nên bắt đầu từ bây giờ. Nếu không có điều kiện để thực sự nghiên cứu về khoa học thì chúng ta cũng nên tìm hiểu cho biết về vấn đề mình quan tâm.

Nhật Dương

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang