Vì sao GS Ngô Bảo Châu ủng hộ Hà Nội mặc ‘đồng phục’ biển quảng cáo?

author 09:33 14/05/2016

(VietQ.vn) - Khi nói về quy hoạch quảng cáo ngoài trời Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: "Cá nhân rất tôi hoan nghênh cố gắng của chính quyền Hà Nội".

Liên quan đến chủ trương quy hoạch quảng cáo ngoài trời Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu lại có suy nghĩ khá khác so với nhiều người khi bày tỏ ý kiến ủng hộ.  

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời Hà Nội

GS Ngô Bảo Châu ủng hộ chủ trương quy hoạch quảng cáo ngoài trời Hà Nội

Cụ thể, trên trang facebook cá nhân của mình, GS Ngô Bảo Châu viết: "Cá nhân rất tôi hoan nghênh cố gắng của chính quyền Hà Nội. Bước đầu trông nó sẽ hơi ngồ ngộ quê quê. Nhưng ít ra nó cũng có vẻ gọn gàng, cũng có vẻ có chút năng lượng. Người dân và chính quyền ít nhất cũng tỏ ra có cố gắng cho một đô thị ngăn nắp".

Về những tuyến phố hiện đang ngổn ngang biển quảng cáo ngoài trời ở thủ đô, GS Ngô Bảo Châu trải lòng: "Đi dọc phố phường Hà Nội, cả phố cũ và phố mới, chỉ thấy người người nhà nhà làm biển quảng cáo mỗi ngày một to hơn, biển mới đè lên biển cũ, biển cũ rách rồi cũng chẳng ai buồn tháo đi. Phố Huế yêu quí của tôi ngày một giống một phố quê luộm thuộm mà con người ở đó chỉ còn biết chép miệng với một cuộc sống ngày một xập xệ.

Việc dễ nhất trong công cuộc chỉnh trang bộ mặt đô thị là qui định kích cỡ, gam mầu, mẫu chữ cho biển báo cho từng khu phố buôn bán. Dường như chính quyền Hà nội đã bắt đầu quan tâm đến việc này. Có muộn còn hơi là không làm".

Bài viết của GS Ngô Bảo Châu về quy hoạch quảng cáo ngoài trời Hà Nội

Chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu về quy hoạch quảng cáo ngoài trời Hà Nội

Tuy nhiên, bên cạnh việc hoan nghênh và ủng hộ việc quy hoạch biển quảng cáo ở Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần có nhiều gam màu khác nhau, không nhất thiết là hai màu cơ bản xanh, đỏ.

Phố Lê Trọng Tấn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) trở thành tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội và cả Việt Nam dùng biển quảng cáo chỉ có hai màu xanh - đỏ. Hiện tại, các biển quảng cáo nhà hàng, tiệm quần áo, sửa xe máy, vịt quay hai màu xanh đỏ cùng kích thước ở tuyến phố này khiến người dân gặp một số khóc khăn như không nhận diện được thương hiệu, cửa hàng… và nhận được nhiều ý kiến chê của cộng đồng mạng.  

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cho rằng, biển quảng cáo là diện mạo thẩm mỹ, văn hóa.

Vì thế cần có sự hài hòa, đồng bộ, chứ không thể tùy ý thích nổi trội của cá nhân hay tổ chức nào đó.

Ông Nghiêm dẫn chứng một số nước tiên tiến như Pháp đã quy định biển quảng cáo cùng kích cỡ với 4 màu khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông cần phải hài hòa lợi ích của người dân với việc quản lý của Nhà nước để tránh tình trạng "đơn điệu và khó nhận diện thương hiệu" như hiện tại.

Còn dưới khía cạnh pháp luật, giới luật sư cho rằng, việc UBND Q.Thanh Xuân yêu cầu tất cả các hộ dân mặt đường Lê Trọng Tấn phải sử dụng biển quảng cáo một trong hai màu xanh hoặc đỏ và chữ trắng là quy định trái pháp luật.

Bởi theo các quy định hiện hành của Luật quảng cáo thì không có quy định nào bắt buộc phải tuân thủ như yêu cầu của Q.Thanh Xuân. Bên cạnh đó biển quảng cáo còn là biểu tượng hoặc nhãn hiệu doanh nghiệp theo quy định tại điều 72 Luật sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp các nhãn hiệu này đã được bảo hộ, chủ doanh nghiệp đương nhiên có quyền thực hiện các hành vi quảng cáo đối với hàng hóa dịch vụ của mình miễn là không vi phạm quy định tại điều 8 Luật quảng cáo. Do đó, việc ban hành lệnh cấm nêu trên sẽ làm cho UBND Q.Thanh Xuân có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại.

>>Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam sẽ được bảo vệ 'khủng' đến mức độ nào?

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang