GS Nguyễn Quang Hồng: Những đóng góp lớn lao về nghiên cứu chữ Nôm

author 08:28 26/01/2017

(VietQ.vn) - Công trình “Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng vừa được Hội đồng cấp Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Công trình “Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng là công trình đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu chữ Nôm từ góc độ của lĩnh vực văn tự học, một lĩnh vực nghiên cứu đi song song với ngôn ngữ học và cùng với ngôn ngữ học làm thành hai nội dung nòng cốt cho khoa học ngữ văn. Công trình này vừa được Hội đồng cấp Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) đợt V.

Công trình “Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng vừa được Hội đồng cấp Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) đợt V

Một trong những điểm đáng chú ý trong công trình của Giáo sư Nguyễn Quang Hồng là việc đưa thành công chữ Nôm Việt lên bàn phím máy tính. Nhân dịp này, PV đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Quang Hồng để tìm hiểu thêm về quá trình này.

Xin Giáo sư có thể khái quát những thành tựu nổi bật trong công trình của mình?

GS Nguyễn Quang Hồng: Công trình của tôi dành cho việc nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về những vấn đề chủ yếu đặt ra khi đi vào tìm hiểu chữ viết cổ truyền của các dân tộc Việt Nam, mà trọng tâm là chữ Nôm của người Việt.

Chữ Nôm Việt và các văn tự theo hình mẫu chữ Hán khác ở Việt Nam đã được nhiều học giả trong nước và thế giới quan tâm, nghiên cứu từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên có một chuyên luận nghiên cứu về văn tự học chữ Nôm một cách toàn diện, có hệ thống và sâu sắc. Công trình này là công trình đầu tiên đưa ra minh chứng về khởi nguồn và khởi điểm hình thành của hệ thống chữ Nôm Việt dựa trên một quan điểm hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, tôi còn đề xuất sự cần thiết trong việc phân biệt “cấu trúc chức năng và cấu trúc hình thể”, “cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu” trong cấu tạo chữ Nôm; cung cấp một bảng phân loại cấu trúc chữ Nôm Việt bao quát và sát với thực tế hơn những nghiên cứu đã có trước đây, với 3 tiểu loại: hội âm đẳng lập, hội ý chính phụ và chữ đơn giảm nét, điều mà trước đây chưa nghiên cứu nào phản ánh được.

Đặc biệt, tôi đã chỉ rõ sự tương đồng và đưa ra phát hiện mới về sự khác biệt đặc trưng giữa chữ Nôm và chữ Hán, qua đó chứng tỏ chữ Nôm không chỉ mô phỏng chữ Hán mà còn có sự sáng tạo riêng của nó. Cụ thể, trong chữ Hán không hề có một chữ “hội âm” nào và văn tự học chữ Hán cũng chưa hề có khái niệm “hội âm”, trong khi đó chữ Nôm có một bộ phận hội âm. Sự phát hiện mới mẻ này khi được công bố đã khiến các học giả quốc tế rất ngạc nhiên.

Không dừng lại ở đó, trong chuyên luận này, lần đầu tiên vấn đề chữ Nôm Việt hội nhập với khu vực và thế giới đã được đề cập. Tôi và những đồng nghiệp của mình đã dành 12 năm để xác lập các mã Unicode cho chữ Nôm, từ đó đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính, giúp người dùng máy tính có thể gõ chữ Nôm trên máy tính giống như gõ chữ Hán, chữ Hàn.

Việc đưa thành công chữ Nôm lên bàn phím máy tính có ý nghĩa như thế nào, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Quang Hồng: Việc đưa thành công chữ Nôm lên bàn phím máy tính đã cho nó một vị trí xứng đáng trong lịch sử, đồng thời góp phần quan trọng trong việc khai thông giao lưu quốc tế và đưa chữ Nôm xích lại gần với thế hệ trẻ.

Mặt khác, bộ mã Unicode này sẽ giúp các học giả, nhà nghiên cứu về chữ Nôm đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nếu như trước đây chữ Nôm phải viết bằng tay, vừa tốn thời gian lại dễ xảy ra sai xót thì nay, bộ mã Unicode này đã khắc phục được những hạn chế đó. Nhờ bộ mã Unicode này mà công trình nghiên cứu dày 2.400 trang của tôi chỉ mất 6 năm để hoàn thành công đoạn viết sách, chứ nếu viết tay chữ Nôm thì không biết bao giờ mới xong.

Cuốn sách Khái luận văn tự học chữ Nôm

 

Nói về công trình trên, theo GS.TS. Trần Đình Sử, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, “Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS. Nguyễn Quang Hồng không chỉ là một chuyên luận nghiên cứu nhiều mặt về chữ Nôm, mà qua đó còn xây dựng một hệ thống thuật ngữ cùng hệ thống phương pháp tiếp cận đối tượng, tạo thành một bộ khung lý thuyết, gợi mở cho sự phát triển bộ môn văn tự học ở nước ta. Bên cạnh đó, cuốn sách chứa đựng một khối lượng tư liệu phong phú,được lựa chọn công phu, có giá trị tiêu biểu.

PGS.TS. Đinh Khắc Thuận, Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định, công trình “Khái luận văn tự học chữ Nôm” là một chuyên luận sâu sắc được tiếp cận từ góc độ cả lý luận lẫn thực tiến. Công trình đã sử dụng phương pháp đối chiếu theo nhiều chiều, nhiều nguồn tư liệu phong phú, đa dạng. Những vấn đề cần được thảo luận, tác giả công trình đã hệ thống đầy đủ, phân tích và đưa ra nhận xét của mình trên cơ sở cứ liệu và lập luận xác thực.

Cuốn sách là một thành tựu nghiên cứu có bề dày và chiều sâu, có nhiều điều mới mẻ dựa trên cơ sở tích lũy và tổng kết tri thức. Cuốn sách khép lại sau 540 trang viết nhưng ẩn hiện đây đó trong từng phần, từng chương mục là những khơi mở cho các hướng nghiên cứu tiếp theo. Cuốn sách xứng đáng trở thành “tập đại thành” trong nghiên cứu chữ Nôm hiện nay.

Xin cảm ơn Giáo sư! 

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang