GS1 – Ngôn ngữ thương mại toàn cầu

author 11:34 19/12/2013

(VietQ.vn) – Ngày 19/12/2013, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 hoạt động của tổ chức GS1 quốc tế.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Là tổ chức trung lập và phi lợi nhuận GS1 thúc đẩy việc cộng tác giữa các bên thương mại, các tổ chức và các nhà cung cấp công nghệ, nhằm giải quyết các nhiệm vụ khó khăn của hoạt động kinh doanh thông qua tiêu chuẩn và đảm bảo tính minh bạch suốt toàn bộ chuỗi cung ứng.

Tổng cục trưởng Ngô Quý Việt phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

GS1 xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất trong chuỗi cung ứng trên thế giới phục vụ khoảng 2 triệu công ty hoạt động kinh doanh xuyên suốt 150 quốc gia ở nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp.

Hệ thống tiêu chuẩn của GS1 cho phép các công ty trên khắp thế giới phân định một cách đơn nhất trên phạm vi toàn cầu các đôi tượng vật chất của họ như sản phẩm và dịch vụ, tài sản, các đơn vị logistic, hàng gửi hay mối quan hệ dịch vụ giữa nhà cung cấp và người nhận.

Khi kết hợp hệ thống phân định hùng mạnh này với mã vạch GS1, nhãn mã điện tử cho sản phẩm- EPC, các gói tin kinh doanh trong thương mại điện tử- eCom và mạng đồng bộ hóa dữ liệu toàn cầu- GDSN, một sự liên kết được hình thành giữa các đối tượng vật chất hoặc lôgic và thông tin mà chuỗi cung ứng cần đến. Với sự liên kết đã được hình thành này, có thể thấy rõ về một thế giới thương mại toàn cầu.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Ngô Quý Việt, việc cung ứng các công nghệ, tiêu chuẩn của GS1 được hàng triệu người sử dụng hệ thống GS1 trong hoạt động của mình. Đây chính là lý do tại sao GS1 duy trì việc cung cấp các tiêu chuẩn hoặc giải pháp mới cho ngày càng nhiều lĩnh vực.

Năm 1995, xuất phát từ nhu cầu thực tế của việc sản xuất, kinh doanh thương mại trong nước, cũng như xuất khẩu Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Tổng cục TCĐLCL tham gia tổ chức GS1 quốc tế. Việt Nam đã được GS1 quốc tế cấp mã số quốc gia 893.

Qua 18 năm hoạt động, đến nay Việt Nam đã cơ bản xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động mã số mã vạch tại Việt Nam và đang tích cực nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu của GS1 quốc tế vào thực tế của Việt Nam.

Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, các nhà sản xuất, kinh doanh của Việt Nam ghi mã số mã vạch lên sản phẩm, dịch vụ và địa điểm của mình phục vụ cho việc quét và thu thập dữ liệu tự động, tạo thuận lợi và hiệu quả cho hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Tổng cục trưởng Ngô Quý Việt GS1 Việt Nam phải tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, các nhà sản xuất, kinh doanh Việt Nam ứng dụng các công nghệ của GS1; Đảm bảo chất lượng dữ liệu tại nguồn đang cung cấp lên mạng GEPIR về doanh nghiệp; Xây dựng giải pháp thu thập dữ liệu thương phẩm sử dụng mã số GTIN qua mạng để bổ sung vào mạng GEPIR và làm cơ sở cho việc hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về thương phẩm.

Quang Tuấn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang