GS Nguyễn Mại: Chuyển biến của 6 tháng đầu năm nay không phải là ngẫu nhiên

author 11:22 03/07/2018

"Chuyển biến của 6 tháng đầu năm nay không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả tích cực từ 6 tháng cuối năm 2017”, GS.Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trao đổi với PV.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, trong đó cho biết GDP 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Chúng ta đều biết từ 6 tháng cuối năm 2017 đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Tuy 6 tháng đầu năm 2017, mức tăng trưởng rất thấp, chỉ là 5,83% nhưng đến 6 tháng cuối năm, tăng trưởng gần 7% cho nên cả năm là tăng trưởng 6,83%.

Như vậy, chuyển biến của 6 tháng đầu năm nay không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả tích cực của chuyển động từ 6 tháng cuối năm 2017, và cái chuyển động đó làm thay đổi rất lớn từ quý I năm 2018 tăng trưởng GDP đến 7,38%, quý II tăng trưởng gần 6,8% nên bình quân cả 2 quý là tăng trưởng 7,08%.

Trong tăng trưởng này có những cái rất đáng chú ý: Thứ nhất là chưa bao giờ nông nghiệp tăng gần 4%.

Trong nhiều năm gần đây, năm nào cũng thiên tai, hạn hán, mất mùa, rồi được mùa mất giá, nhưng 6 tháng đầu năm nay nông nghiệp vẫn tăng gần 4%, tôi thấy là tốc độ tăng trưởng như vậy là cao, so với thế giới. Hơn nữa, với đất nước chúng ta những năm nào tăng được 4% là rất quý.

Thứ 2 là công nghiệp và dịch vụ cũng đều tăng. Trong công nghiệp, rõ ràng FDI đóng góp rất lớn vào việc tăng GDP. Trong FDI có Samsung và Formosa đóng góp đến 58% của tăng trưởng trong công nghiệp chế tạo.

Dịch vụ cũng tăng cho nên cái chúng ta cần nói đến là về chất lượng tăng trưởng thì trong công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nói nhiều. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc nghiên cứu gần đây của những cơ quan như Trung tâm Dự báo kinh tế của Việt Nam hay Viện Nghiên cứu Kinh tế quản lý Trung ương hay Báo cáo về kinh tế Việt Nam năm 2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Đại học Quốc gia đều có nhận định là tình hình chất lượng tăng trưởng có những dấu hiệu khả quan hơn.

Thứ nhất là các doanh nghiệp và cả nước ta đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến vấn đề tăng năng suất lao động. Các nghiên cứu gần đây có nói đến việc tăng năng suất lao động trong 5 tháng khoảng 5,1 - 5,2% cao hơn nhiều so với những năm trước đây.

Thứ hai là năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng tăng khá hơn. Không nói đến những mặt hàng như là dệt may, da giày hay sản xuất smartphone mà ngay những sản phẩm mà trước đây chúng ta rất khó khăn để xuất khẩu ra nước ngoài là rau quả thì tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay rất cao.

Từ chỗ mỗi năm chỉ xuất khoảng vài trăm triệu (năm ngoái là 3,2 tỷ USD, năm nay khoảng 6 tỷ USD) tức là một mức tăng không dễ, bởi vì chúng ta biết là sự nghiêm ngặt về điều kiện để có thể xuất ra các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật Bản là rất khắt khe nhưng tăng trưởng như vậy là rất ngoạn mục, điều này nói lên sự thay đổi về chất lượng.

Phần lớn rau quả là từ người nông dân và người ta đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn VietGab hay hình thành các vùng chuyên canh lớn rồi liên kết các doanh nghiệp với nông dân... tất cả những cái đó là thể hiện sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm xuất khẩu nông nghiệp thủy sản được khoảng 22 tỷ USD thì năm nay có khả năng được 42 tỷ USD...

Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh hiện nay có vài vấn đề mà chúng ta chưa được lưu ý: Thứ nhất, rất nhiều người cho rằng chúng ta đã ký được một loạt các FDI mới như CPTPP, hay sắp tới có khả năng thông qua hiệp định rất lớn là FDI với EU, rồi thì chúng ta đã thực hiện rất thành công FDI với Hàn Quốc. Như vậy rõ ràng hiện nay câu chuyện rất lớn của chúng ta là làm sao để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, có đầy đủ hướng dẫn để biết cách làm với những chỉ tiêu mới.

GS.Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Thứ hai, như báo chí đã đưa một câu chuyện rất nhỏ nhưng tôi cho rằng không hề nhỏ đó là câu chuyện thẻ vàng đối với mặt hàng cá, đánh bắt thủy hải sản ở biển. Sau khi phái đoàn EU đi rất nhiều nơi thì người ta tuyên bố chưa thể rút được thẻ vàng bởi vì có hai chuyện rất lớn là các doanh nghiệp, tàu thuyền đánh bắt tên biển hiện nay chỉ có 40% là có thiết bị gắn với cơ quan chỉ đạo, còn lại 60 % không biết người ta làm gì cả.

Hai là việc giảm thiểu tình trạng đánh bắt vô tổ chức, dùng mìn hay những thiết bị làm ảnh hưởng đến môi trường biển giảm không nhiều, vì vậy người ta tuyên bố nếu vẫn tiếp tục thì có khả năng nâng lên thẻ đỏ chứ không phải thẻ vàng.

Như vậy, tổ chức lại việc sản xuất trong nước từ công nghiệp cho đến nông nghiệp bây giờ là một câu chuyện chúng ta đặt ra là cấu trúc lại nền kinh tế quốc dân, cấu trúc lại các ngành kinh tế thì rõ ràng có những chuyện rất mới. 

Vì vậy, nếu các cơ quan nhà nước cứ làm như kiểu từ xưa mà không có những giải pháp cụ thể thì kinh tế chúng ta sẽ không thể chuyển biến thành chất được mà vẫn như kiểu cò con.

Ông vừa nói đến việc đóng góp của khối FDI vào việc tăng GDP trong thời gian vừa qua là rất quan trọng. Ông có thể nói rõ hơn đóng góp của khối này trong việc tăng GDP?

Ngay năm 2017, chúng ta đã có khoảng 542 nghìn doanh nghiệp trong nước và hàng trăm tập đoàn lớn như VinGroup, SunGroup... Vì vậy, câu chuyện chúng ta lo ngại nhất của FDI là việc tác động lan tỏa đối với các doanh nghiệp trong nước.

Chúng ta chưa có một tác động lan tỏa như kỳ vọng bởi rõ ràng là chúng ta đã tham gia các giá trị toàn cầu như trong dệt may, da giày. Trong dệt may, chúng ta đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu nhưng lại hưởng được công đoạn thấp nhất.

Dệt may có hai công đoạn, một là sáng tạo ra mẫu mã, cắt may và thứ hai là marketing làm sao đưa ra siêu thị rồi vận chuyển thì ở đây nhà đầu tư nước ngoài hưởng gần như trọn vẹn, còn chúng ta chỉ hưởng công đoạn cắt và may.

Công đoạn ấy chỉ làm cho giá trị gia tăng hưởng 10-15% so với kim ngạch xuất khẩu, như năm nay khoảng 34 tỷ USD xuất ra nước ngoài, trong đó phần lớn là của FDI.

Câu chuyện thứ hai là làm doanh nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngay cả các mặt hàng chúng ta có sản lượng sản xuất lớn như xe máy nhưng các công nghiệp hỗ trợ về xe máy hiện nay vẫn nằm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Honda chiếm thị phần 60% tổng lượng xe máy của Việt Nam, nếu như Honda có 100 nhà làm công nghiệp hỗ trợ thì trong đó chỉ có 20 nhà làm công nghiệp hỗ trợ là Việt Nam.

Đây là câu chuyện đại sự, nếu chúng ta không quan tâm đến đầu tư vào công nghệ, nguồn nhân lực, trình độ quản lý của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì năng lực của doanh nghiệp Việt Nam không đủ để thay cho doanh nghiệp nước ngoài làm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn xuyên quốc gia vào đầu tư như Samsung.

Vậy với tình hình kinh tế- xã hội như hiện nay, ông dự đoán thế nào về mức tăng trưởng GDP quý III và 6 tháng cuối năm nay?

Hiện nay có 3 dự báo mà tôi cho khả quan nhất, là dự báo điều chỉnh mới nhất của WB là 6,8% và họ đã thay đổi tăng thêm 0,3% so với dự báo vào tháng 4, có nghĩa là chỉ sau gần 2 tháng, WB đã thấy tình hình kinh tế Việt Nam tích cực hơn cho nên điều chỉnh tăng thêm.

Dự báo thứ 2 khả quan hơn, tôi thiên về dự báo này của ADB, họ cho rằng khả năng GDP của Việt Nam năm nay có thể đạt được 7.08% là nằm trong quý này, dự báo cũng đưa vào khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6.

Dự báo thứ 3 là của Trung tâm Dự báo quốc gia cũng đưa ra dự báo như của ADB là 7,08%.

Như vậy, có nghĩa là cho đến bây giờ các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế cũng như trong nước đều thống nhất rằng từ nay đến 2020 trừ những trường hợp không thể khắc phục nổi, ví dụ như có một cuộc khủng hoảng mà hiện nay người ta cũng đã dự báo là khủng hoảng chu kỳ 10 năm, Brexit, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung... thì đều tác động đến Việt Nam.

Trong trường hợp ấy, chúng ta không thể nói đến một kịch bản cao hay thấp hơn 6,8% được. Nếu trong trường hợp đó chúng ta không có các biện pháp căn cơ ngay từ bây giờ để đề phòng các cuộc khủng hoảng như giải pháp theo dõi dự báo kịp thời và đồng thời chuẩn bị những giải pháp trong những tình huống khác nhau lúc đó mới đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo DĐĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang