GS.TS Lê Trần Bình: 'Hãy để các nhà khoa học cảm thấy được cần đến'

author 12:07 18/05/2019

(VietQ.vn) - Nhà nước nên làm nhiệm vụ gắn nền sản xuất, nhu cầu khoa học công nghệ của sản xuất với sự phát triển của khoa học công nghệ để các nhà khoa học được tôn trọng, hoạt động hiệu quả hơn.

Sự kiện: Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Những năm qua, khoa học và công nghệ không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp Đổi mới và phát triển.

Những thành tựu khoa học và công nghệ ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Khoa học công nghệ (18/5), Chất lượng Việt Nam Online (Vietq.vn) đã có buổi trò chuyện với GS.TS Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tìm hiểu về những gì mà các nhà khoa học đã, đang và tiếp tục cống hiến cho nước nhà.

Ngày 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ, với vai trò là một nhà khoa học, cảm xúc của ông như thế nào?

Cả xã hội, mỗi năm sẽ có một ngày tôn vinh lĩnh vực của mình. Vài năm trở lại đây, do sáng kiến của Chính phủ, Bộ khoa học và Công nghệ đã đề xuất ngày 18/5 là ngày kỉ niệm. Thực ra, nếu đúng nghĩa, ngày đó để cho cán bộ khoa học công nghệ tiếp xúc với công chúng và mở cửa giao lưu. Bên cạnh đó, họ có quyền được chất vấn việc sử dụng công quỹ vì làm nghiên cứu khoa học là lấy tiền thuế của dân để làm. Do đó, khoản tiền chi tiêu phải được minh bạch. Hiện nay chúng ta nặng về kỷ niệm, trao giải thưởng trong khi đó việc tiếp xúc, giao lưu với người dân, công chúng của những người làm khoa học còn hạn chế.

Quản lý đề tài khoa học còn nhiều bất cập

Hiện nay, việc phát triển đề tài khoa học gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Nói đến việc khó khăn trong nghiên cứu khoa học thì không hẳn nhưng mà cách quản lý của đào tạo khoa học còn vấn đề rất lớn. Nhân buổi trả lời Truyền hình Quốc hội, tôi đã nói rằng tình trạng quản lý đề tài khoa học còn nhiều điều bất cập.

Ở những Bộ chịu trách nhiệm với Nhà nước về đề tài nghiên cứu khoa học thường giao cho một số chuyên viên nhất định trong khi đó một số lãnh đạo bận việc nhiều quá. Chúng ta thấy rằng, một chuyên viên với trình độ tiến sỹ phải quản lý 2,3 chương trình chứ không phải một. Mỗi chương trình lại có hàng chục đề tài nhỏ. Do đó, họ không thể bao quát hết và không có tính khách quan.

GS.TS Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 

Ở quốc gia khác, người ta quản lý đề tài khoa học tốt hơn nhiều bởi họ có các công ty chuyên để đánh giá đề tài, kết quả triển khai. Gần đây, trong một cuộc tiếp xúc với nhà khoa học Hàn Quốc, họ cho thấy cách quản lý đề tài khoa học hiệu quả. Họ để một phía là các tổ chức mang tính chất nghề nghiệp (ngành, bộ, vụ… phụ trách vấn đề nghiên cứu đó) nhưng song song với đó là thuê các công ty ngoài đánh giá với kết quả độc lập. Từ đó, xem đề tài đánh giá lúc đăng ký và nghiệm thu có đúng không? Hai bên có khớp với nhau? Và dần dần tìm ra tiếng nói chung. Theo tôi, tốt nhất, chúng ta nên học theo cách làm có hiệu quả.

Nhà khoa học trẻ cần môi trường hơn lương bổng

Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ các nhà khoa học trẻ hiện nay?

Những nhà khoa học trẻ hiện nay được đào tạo khá bài bản. Họ có điều kiện tốt hơn nhiều so với chúng tôi ngày xưa. Tuy nhiên, vì cuộc sống hiện nay khác nên người trẻ có nhiều lựa chọn hơn. Trước đây, khi đi học nước ngoài về, được làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam, Viện Hàn lâm… là tuyệt vời lắm rồi. Nhưng bây giờ các bạn trẻ có nhiều lựa chọn hơn. Đây là điều tất yếu vì nếu nơi họ đến mà không đóng góp được nhiều, cái này mới là điều quan trọng hơn cả việc lương bổng. Có nhiều nơi trả họ lương rất cao nhưng họ không vào. Ở đâu họ được làm việc, được trân trọng, đánh giá đúng và đảm bảo cuộc sống thì họ sẵn sàng cống hiến.

Bên cạnh đó, người trẻ họ có năng lực, nhiệt huyết. Nếu nói họ bỏ đi theo công ty ngoài là không đúng vì cơ quan Nhà nước không đáp ứng được điều kiện làm việc chứ không phải là đời sống của họ. Vì nếu xét về đời sống, cả xã hội đều chung như vậy, chúng ta phải chấp nhận. Nhưng cái chính là môi trường làm khoa học.

Nhà khoa học trẻ cần môi trường hơn lương bổng. Ảnh minh họa

 

 

Hãy để các nhà khoa học cảm thấy được cần đến

Với tư cách là nhà khoa học, ông mong muốn như thế nào về cơ chế chính sách cho việc nghiên cứu khoa học công nghệ?

Nhà nước là cầu nối, là nơi tạo ra khuôn phép quan trọng để gắn sản xuất doanh nghiệp vào khoa học. Nhà nước cứ đi lo thanh toán tiền, cải tiến thuyết minh đề tài … rất phụ thuộc. Chúng ta cần xem xét nền sản xuất của chúng ta đang cần gì thực sự? thì Nhà nước bắt doanh nghiệp đó phải đầu tư cho khoa học bởi vì việc đầu tư cho một công trình lớn hơn nhiều so với tiền ngân sách nhà nước làm đề tài.

Ví dụ, để làm sân bay, số tiền rất khổng lồ như thế nào? Chỉ cần một tỷ lệ rất nhỏ được đầu tư cho các nhà khoa học hàng không, kiến trúc sư Việt Nam họ sẽ trưởng thành rất nhanh. Và họ cảm thấy đang được cần đến. Nếu bây giờ lại mời một ông nước ngoài đến đấu thầu xong xuôi, các nhà khoa học Việt đứng ngoài xem thì quả thực chúng ta đang lãng phí cán bộ. Đồng thời, chúng ta không gắn được hai cái đó lại với nhau. Mà trong sản xuất nông nghiệp, y học, bảo vệ sức khỏe, công nghiệp… cứ để nước ngoài làm chủ.

Nhà nước nên làm nhiệm vụ gắn nền sản xuất, nhu cầu khoa học công nghệ của sản xuất với sự phát triển của khoa học công nghệ thì các nhà khoa học sẽ trở nên được tôn trọng hơn, hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

 Thúy Ngân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang