GS.TS Trần Đình Thiên:'Hội nhập, phải làm sao biến con kiến thành thỏ'

author 13:13 02/01/2016

GS.TS. Trần Đình Thiên: “Trong hội nhập, quan trọng nhất là phải làm sao biến con kiến thành con thỏ, đừng cố gắng quá nhiều trong việc tăng tốc con kiến”

Nhìn lại kinh tế Việt Nam trong năm 2015, GS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, những tăng trưởng kinh tế nhìn thấy rất rõ. Đó là phục hồi tăng trưởng với một con số mà đầu năm không ai nghĩ đến. Tăng trưởng rất cao trong 10 năm lại đây, lạm phát ở thấp. Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đã đưa được nhiều vụ ra xét xử, làm được nhiều việc theo hướng cải cách. Có lẽ trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu thì tái cơ cấu ngân hàng làm một cách bài bản nhất. Cùng với đó, trong hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng đã đàm phán xong được nhiều Hiệp định quan trọng.

Phải “mổ xẻ” vì sao DN trong nước đông nhưng không mạnh

Tuy nhiên, GS.TS. Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh, nếu mổ xẻ thì cũng còn nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Tăng trưởng phần lớn do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam còn khu vực trong nước đóng góp còn rất hạn chế, đặc biệt khu vực doanh nghiệp trong nước đóng góp chưa nhiều. Tuy thành lập nhiều doanh nghiệp nhưng số đóng cửa cũng rất nhiều.

GS.TS. Trần Đình Thiên

“Một xu hướng rất rõ là số doanh nghiệp nhỏ trong nước tăng lên rất nhanh. Hội nhập mà doanh nghiệp cứ bé “tí xíu” thì rất nguy hiểm. Cần phải đặt vấn đề tại sao doanh nghiệp trong nước cứ yếu đi? Khu  vực doanh nghiệp Nhà nước thì kết quả cải thiện cũng không rõ ràng. Vay nợ tăng lên, khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa mạnh lên. Cần mổ xẻ ra xem việc kinh tế tốt lên nhưng tốt lên ở khu vực nào, vì nếu tốt không đồng đều thì lại rất nguy hiểm. Nếu chỉ tốt ở mỗi phần nước ngoài đầu tư thì cũng không gọi là tốt”- GS.TS. Trần Đình Thiên phân tích.

Theo GS.TS. Trần Đình Thiên, khi hội nhập, mọi thứ sẽ được mở thông, sự phân biệt giữa trong nước và ngoài nước cũng ở mức độ vừa phải, nhưng nên phân biệt doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì tận dụng được cơ hội nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không tận dụng được, không lớn lên được. Phải phân biệt cho rõ việc này, nếu không sẽ có cách nhìn không đúng thực chất.

“Cũng cần đặt vấn đề là tại sao từ khi gia nhập WTO đến giờ, khu vực trong nước yếu đi hoặc không mạnh lên như mong đợi, doanh nghiệp trong nước cứ bé li ti, còn khu vực nước ngoài thì tốt lên? Đây là câu chuyện rất nghiêm túc, quan trọng”- GS.TS. Trần Đình Thiên nói.

Theo GS.TS. Trần Đình Thiên, cần phải có cơ chế chính sách để làm cho doanh nghiệp trong nước mạnh lên. Hiện nay có nhiều vấn đề quan trọng phải giải quyết, nhưng cũng cần phải coi việc doanh nghiệp trong nước không mạnh lên được là vấn đề sống còn, không được sao nhãng. Đây là một trong những điểm mấu chốt trong phát triển.

GS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp của Việt Nam yếu có một lý do rất quan trọng là ta thiếu trụ cột. Trụ cột này phải làm thành chuỗi mới nối được các doanh nghiệp khác vào, hoặc đội hình doanh nghiệp Việt Nam bám theo những trụ đó để đi lên. Ta chưa làm được việc này. “Một cấu trúc doanh nghiệp tuy đông nhưng lại bé li ti, không có trụ cột thì đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm doanh nghiệp Việt Nam yếu đi. Vì thế, tới đây không chỉ cải thiện môi trường kinh doanh mà còn phải tạo ra các trụ cột. Nếu chỉ dựa vào nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam không lớn được. Một nguyên nhân nữa là chúng ta thiếu chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, hiện giờ chủ yếu vẫn là nhập khẩu. Đã nhập khẩu thì chỉ có lắp ráp, gia công”- GS.TS. Trần Đình Thiên phân tích.

Tận dụng cơ hội hội nhập để đẳng cấp doanh nghiệp vượt hẳn lên

Nhận định về bức tranh kinh tế 2016, GS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, năm 2016 cũng không khác 2015, có thể vẫn tăng trưởng giữ được bởi đầu tư nước ngoài sẽ tăng, đà cải thiện trong nước cũng tốt. “Nhưng quan trọng là ở điểm khác. Khi chúng ta hội nhập là một giai đoạn khác hẳn về chất thì đòi hỏi cach tiếp cận thay đổi hẳn, chứ còn nếu vẫn giữ như từ trước đến nay, thì chưa giải quyết vấn đề gì cơ bản”.

Theo GS.TS. Trần Đình Thiên, nêu tập trung vào việc tái cơ cấu để thay đổi căn bản, bởi vì hội nhập là đòi hỏi thay đổi căn bản. Hội nhập khác với mở cửa. Mở cửa là ta chủ động về chính sách, hội nhập là ta chơi chung sân, không có riêng nữa và không có cửa để đóng, mở. Điều kiện để hội nhập đỏi hỏi những cam kết rất mạnh, đẳng cấp rất cao, nếu vẫn “chơi” theo kiểu cũ sẽ thua. Cho nên 2016, phải làm sao phải là năm khởi đầu cho một cuộc chơi phải khác về chất.

“Ở đây có 2 vấn đề, cấu trúc doanh nghiệp phải thay đổi và chương trình khởi nghiệp phải căn bản. Khởi nghiệp doanh nghiệp phải mới hoàn toàn, chứ không thể khởi nghiệp theo kiểu kiếm sống. Doanh nghiệp sinh ra là để làm giàu, cạnh tranh thắng lợi chứ không phải để kiếm sống. Tư duy doanh nghiệp phải khác hẳn. Nhà nước phải làm sao để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp khác đi, chứ còn khởi nghiệp như vừa qua thì doanh nghiệp khó lớn lên”- GS.TS. Trần Đình Thiên nói.

GS.TS. Trần Đình Thiên  cũng nhấn mạnh việc phải tận dụng cơ hội. Có rất nhiều cơ hội, ví dụ như vào cộng đồng Kinh tế ASEAN, họ hỗ trợ rất tích cực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước chậm phát triển hơn. Phải tranh thủ tận dụng để vượt lên chứ không thể tranh thủ tận dụng để được “hà hơi, thổi ngạt” thì không giải quyết được vấn đề. Phải tận dụng để đẳng cấp doanh nghiệp vượt hẳn lên, phải mới hoàn toàn. Học kiểu sáng tạo, cạnh tranh, bám vào chuỗi, tiến vượt lên chứ kiểu mạnh ai ấy làm thì muôn đời không phát triển được. Quan trọng là thay đổi chất lượng bên trong thì sẽ thay đổi căn bản.

“Trong hội nhập, quan trọng nhất là phải làm sao biến con kiến thành con thỏ, nghĩa là phải thay đổi cấu trúc của con kiến, đừng cố gắng quá nhiều trong việc tăng tốc con kiến. Singapore ngày xưa cũng là con kiến nhưng dần dần họ thành con thỏ vì họ đã thay đổi cấu trúc của họ”- GS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo VOV


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang