Hà Nội: Nhiều giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

author 08:50 29/12/2020

(VietQ.vn) - Trước tình hình đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, với sự nỗ lực, quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành mục “mục tiêu kép” với những kết quả quan trọng, toàn diện, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Chủ động đón làn gió đầu tư để có nguồn lực phục hồi kinh tế- xã hội 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2020, Hà Nội có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Có thể nói, TP Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng trong vấn đề thu hút đầu tư. Do vậy, khi đại dịch được kiểm soát bước đầu, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã chuẩn bị cho công tác thu hút đầu tư đạt kết quả hết sức nổi bật. 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

 

Cụ thể, tại hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển năm 2020, TP Hà Nội đã thu hút được 229 dự án với số vốn trên 400 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là đóng góp hết sức tích cực vào quá trình thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của TP. Do vậy, qua đánh giá về kết quả tăng trưởng GRDP năm 2020, Thành phố chúng ta là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao với 3,98%, đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước. 

Việc chọn ra nguồn vốn có chất lượng cao trong công tác đầu tư của thành phố, thu hút đầu tư FDI, nội dung được Bộ Chính trị ban hành trong Nghị quyết 50 về xác định cũng như định hướng thu hút đầu tư nước ngoài cho giai đoạn từ nay đến 2030, trong đó, Bộ Chính trị đã xác định và sàng lọc, chọn lọc, định hướng những ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn, những sản phẩm để thu hút đầu tư nước ngoài. 

Trên cơ sở đó, Thành phố cũng sẽ tập trung vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống quy hoạch trên địa bàn TP; lập các danh mục để thu hút đầu tư cho các địa bàn, lĩnh vực và sản phẩm. Thành phố chọn lọc các dự án có sử dụng công nghệ cao. Từ đó, ban hành các kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để thu hút được các dự án đầu tư nói chung và đặc biệt nhất là các dự án đầu tư vào Thành phố. 

Về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số PCI trong 3 năm gần đây của Thành phố đều đạt kết quả tích cực, lọt vào Top 10 của cả nước. Có thể nói đây là cố gắng của cả hệ thống chính trị. UBND Thành phố sẽ tiếp tục có chỉ đạo cùng các sở, ngành, các quận, huyện đẩy mạnh các thủ tục về cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách, có chiến lược về xúc tiến đầu tư hỗ trợ nhà đầu tư từ vấn đề gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp cho đến tiếp cận các dự án đầu tư trên địa bàn TP, để Hà Nội thực sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư. 

Nỗ lực vượt bậc thu ngân sách 

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn chia sẻ, năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, không những Thủ đô, mà cả đất nước bị ảnh hưởng rất nặng nề của dịch Covid-19. Doanh nghiệp trong một số lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động. Vì thế, công tác thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. 

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn 

 

 

Về thu ngân sách, qua đánh giá của Cục Thuế có thời điểm dự báo hụt thu rất lớn. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11/2020, có khoảng 14 quận, huyện, thị xã hoàn thành thu ngân sách. Đến nay, gần như 30 quận, huyện, thị xã đã tiệm cận với việc hoàn thành và vượt mức thu ngân sách. Về số thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô, ước tính đạt 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán pháp lệnh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nỗ lực rất lớn của Thủ đô Hà Nội góp phần vào thu ngân sách quốc gia.

Trong bối cảnh khó khăn trên, cùng với nỗ lực triển khai các giải pháp của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt và định hướng kịp thời; các cấp, ngành của thành phố đã phối hợp chặt chẽ, vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ. Đặc biệt, không thể không nhắc đến sự nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. 

Trong công tác quản lý, Cục Thuế luôn tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp mạnh với doanh nghiệp chây ì, đặc biệt là với doanh nghiệp có dự án, có doanh thu. Các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp của cơ quan thuế, các ban, ngành và sự vào cuộc các cơ quan thông tấn báo chí trong công khai thông tin doanh nghiệp chây ì nợ thuế.

Riêng về công tác thanh - kiểm tra, Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện đúng tinh thần không chồng chéo, những đơn vị có dấu hiệu gian lận, vi phạm, thực hiện thanh - kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; còn lại tập trung vào kiểm tra báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Khi phát hiện những vấn đề chưa thực sự đúng, chúng tôi thông báo để người nộp thuế điều chỉnh hạch toán của mình. Qua đó, đã góp phần tích cực, tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần vào kết quả thu ngân sách nhà nước trong năm 2020. 

Cục Thuế cũng tiếp tục thực hiện các chức năng quản lý thuế, triển khai đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn cơ sở thuế, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng điều kiện hoạt động của mình để có dòng tiền tiếp tục đóng góp ngân sách nhà nước. 

Nhiều giải pháp đột phá trong lĩnh vực công thương 

Theo Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, trước tình hình đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, ngành công thương đã đưa ra những giải pháp có tính chất đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cho TP Hà Nội.

Trong lĩnh vực của công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, ngành công thương là đơn vị đầu tiên tham mưu cho thành phố xây dựng kế hoạch kích cầu và triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu và chương trình khuyến mại tập trung để nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh sản xuất và giảm lượng tồn kho cho doanh nghiệp; tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh thành phố để cân đối cung cầu trên địa bàn thành phố. 

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

 

Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng quan tâm tăng trưởng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để phù hợp với tình hình mua sắm của người dân trong dịch Covid-19, thúc đẩy việc không sử dụng tiền mặt, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghiệp. Năm 2020, thành phố đã thành lập 25 cụm công nghiệp trên địa bàn, đưa tổng số cụm công nghiệp thành lập lên 43 cụm và tập trung tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở đã đề xuất giảm thu phí lệ phí từ 30-50% cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các thủ tục hành chính trong thời điểm phải cách ly xã hội…

Kết quả các chỉ tiêu phát triển công nghiệp năm nay tăng 4,7%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,7%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 2,7%. Chỉ số giá tiêu dùng của thành phố được kiểm soát. Phải nói rằng, đây là những cố gắng nỗ lực của ngành công thương cùng các doanh nghiệp và các cấp các ngành vào cuộc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng tổng mức GRDP của thành phố lên 3,98% và cao hơn so với bình quân chung bình cả nước- Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho hay.

Lê Kim Liên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang