Hà Nội: 35 hạng mục công trình đang bị đình chỉ hoạt động do vi phạm PCCC

author 06:54 04/12/2019

(VietQ.vn) - Trong năm 2019, Công an Thành phố đã tổ chức kiểm tra 5.756 lượt cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 273 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 03 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, có 35 hạng mục công trình đang bị đình chỉ hoạt động; 19 hạng mục công trình đang bị tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm an toàn PCCC.

Theo báo cáo về công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với các khu chung cư, nhà tái định cư, nhà cao tầng nói chung của Công an Thành phố, qua rà soát, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.332 khu nhà cao tầng với 1.407 toà nhà, trong đó có 1.333 tòa nhà cao từ 25m đến 100m, (từ 10 đến 30 tầng), 74 tòa nhà siêu cao tầng trên 100m (trên 30 tầng); theo loại hình có 959 toà nhà chung cư, 448 toà nhà công năng văn phòng, khách sạn.

Đầu năm nay, Công an Thành phố Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số về thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với khu chung cư, nhà cao tầng; báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng xem xét luận chứng cho phép áp dụng biện pháp, giải pháp thay thế, nhưng chưa có ý kiến phản hồi. Đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các chủ đầu tư còn công trình vi phạm về PCCC tổ chức khắc phục trước khi được cấp phép các dự án xây dựng mới.

Đối với 79 công trình vi phạm về PCCC đã đăng công báo năm 2017, đến nay đã hướng dẫn 59 công trình khắc phục xong và được nghiệm thu về PCCC, 01 công trình đã dừng thi công, còn 19 công trình chưa khắc phục xong, trong đó: 11 công trình có khả năng khắc phục, 08 công trình khó có khả năng khắc phục.

Nguyên nhân dẫn đến công trình chậm khắc phục là do kinh phí của chủ đầu tư eo hẹp, phải phân kỳ từng giai đoạn thực hiện; do có công trình, người dân phản đối, không thống nhất cho chủ đầu tư khắc phục.

Công an thành phố Hà Nội đã tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị quản lý vận hành khắc phục ngay những lỗi vi phạm liên quan đến trách nhiệm của đơn vị quản lý cũng như ý thức của người dân trong quá trình sử dụng như hoàn thiện hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC; ban hành nội quy, quy định về PCCC; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và các hộ gia đình; thường xuyên tự tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC tại cơ sở, khắc phục tình trạng để đồ dùng, vật dụng cản trở hành lang, cầu thang bộ thoát nạn, đóng khóa cửa thoát nạn, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đúng nơi quy định...

Ảnh minh họa 

Trong năm 2019, Công an Thành phố đã tổ chức kiểm tra 5.756 lượt cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 273 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 03 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, có 35 hạng mục công trình đang bị đình chỉ hoạt động; 19 hạng mục công trình đang bị tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm an toàn PCCC. Đối với các công trình vi phạm trong đầu tư xây dựng, Công an Thành phố tiếp tục thông báo đến Tổng Công ty điện lực, đơn vị cung cấp nước không cấp điện, cấp nước khi chưa có văn bản nghiệm thu về PCCC theo đúng chỉ đạo của Thành phố.

Để đảm bảo an ninh trật tự, PCCC tại các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn Thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực, Công an Thành phố sẽ tham mưu đề Trưởng Ban chỉ đạo Nghị quyết 05 Thành phố thành lập Đoàn công tác của Thành phố trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn một số Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo nội dung phân công thực hiện tại Kế hoạch số 183 của UBND Thành phố. Trên cơ sở đó, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo.

Đồng thời tiếp tục tham mưu UBND Thành phố báo cáo các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tế; đồng thời chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và giải quyết dứt điểm những tranh chấp, phát sinh liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm giữa chủ đầu tư và người dân.

Phối hợp với các Sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND Thành phố trên Cổng thông tin điện tử Thành phố; đồng thời phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nội dung thực hiện NQ05 của HĐND Thành phố để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân biết, ủng hộ.

Bên cạnh đó,Công an Thành phố tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ về PCCC; trang bị kỹ năng phòng ngừa cho người đứng đầu cơ sở, Ban quản lý, Ban quản trị và người dân sinh sống tại các cơ sở; tiếp tục đăng tải công khai các cơ sở tồn tại, vi phạm về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở triển khai kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí để khắc phục tồn tại, thiếu sót về PCCC. 

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 05 trong thời gian tới, Công an Thành phố cũng sẽ đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương tổng hợp kết quả rà soát, phân loại các chung cư, nhà tập thể cũ theo hình thức sở hữu để xác định chủ thể thực hiện; từ đó hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện các bước tiếp theo; Sở Tài chính đôn đốc các đơn vị khẩn trương báo cáo kết quả rà soát, dự toán kinh phí để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, phê duyệt; UBND cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Nghị quyết 05 đối với các cơ sở phụ thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện và các cơ sở không phụ thuộc ngân sách nhà nước; các khó khăn, vướng mắc báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ đạo Thành phố để chỉ đạo kịp thời.

Trước đó, theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, công tác bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy, công tác quy hoạch, bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy chuẩn về quy hoạch xây dựng (QCVN 01: 2008/BXD) đối với hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị; công tác quản lý nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng chưa thực sự chặt chẽ, nhiều dự án, công trình chưa quan tâm bố trí, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ chữa cháy (như giao thông, khoảng cách, nguồn nước, trụ nước chữa cháy).

Tại nhiều thành phố lớn, nhiều khu dân cư nằm trong ngõ, hẻm sâu, mật độ xây dựng dày; quy hoạch nhà chung cư, liền kề không đảm bảo, không thể bố trí được giao thông, nguồn nước cho công tác chữa cháy, CNCH.

Việc phân công trách nhiệm giữa các cấp, các cơ quan, ban, ngành trong việc quản lý hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng chưa rõ ràng, cụ thể, còn chồng chéo nên hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng nhiều nơi bị xuống cấp và không được sửa chữa, khắc phục kịp thời. 

Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ưu tiên sản xuất, kinh doanh, ít quan tâm đầu tư cho công tác PCCC, việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ nhiều nơi còn mang tính đối phó, chưa đáp ứng với yêu cầu PCCC tại chỗ.

Trang bị, phương tiện quan sát, phát hiện cháy và chữa cháy rừng chưa đáp ứng được yêu cầu chữa cháy, công cụ còn thô sơ, phương pháp chữa cháy thủ công trong khi phương tiện cơ giới chuyên dùng không trực tiếp chữa cháy được. 

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang