Hà Nội cần có chính sách đột phá thu hút cán bộ KH&CN

author 01:09 16/05/2012

Mới đây, Đoàn công tác do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH&CN trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khả Hùng -  Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, từ năm 2006 – 2010, Thành phố đã thực hiện được 545 đề tài nghiên cứu và 36 dự án sản xuất thử nghiệm thuộc chương trình KH&CN cấp Thành phố. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài khoảng 70% và dự án là 100%.

Kết quả của các đề tài, dự án được áp dụng đã tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng cao, dần thay thế hàng nhập ngoại, góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân Thủ đô.

Để nâng cao năng lực KH&CN, Thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng KH&CN như các dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Giao dịch công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm;…

Về đầu tư cho KH&CN, Thành phố luôn ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho phát triển KH&CN khoảng 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Trong 5 năm (2006 – 2010), ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động KH&CN của Thành phố đạt khoảng 1.739 tỷ đồng. Đầu tư ngân sách năm 2010 tăng gấp 3,7 lần năm 2006.

Đoàn công tác đến khảo sát tình hình ứng dụng KH&CN tại Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Đông Anh
Đoàn công tác đến khảo sát tình hình ứng dụng KH&CN tại Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Đông Anh

Bên cạnh đó, Thành phố luôn có chủ trương tăng cường thu hút các nguồn vốn khác ngoài ngân sách cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao KH&CN, khuyến khích, động viên các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp,… đầu tư phát triển KH&CN.

Mặc dù đã có những kết quả nhất định, song hoạt động KH&CN Thủ đô còn có những khó khăn nhất định. Cụ thể, hiệu quả của việc thực hiện các cơ chế, chính sách về KH&CN chưa cao; cơ chế tài chính cho đề tài, dự án còn nặng về thủ tục duyệt đề cương, cấp kinh phí, kiểm tra tiểu tiết; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chưa chú trọng nhiều đến hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng, dẫn đến bỏ phí nhiều kết quả nghiên cứu thành công từ các trường đại học, viện nghiên cứu;...

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thúc đẩy phát triển KH&CN thời gian tới như cần có đơn vị, tổ chức hướng dẫn, tư vấn về việc thực hiện các dự án đầu tư tiềm lực KH&CN; có chính sách đột phá thu hút cán bộ KH&CN; có bộ phận chuyên trách kết nối giữa bên cung và bên cầu công nghệ; có sự điều phối tầm vĩ mô giữa các thành phần quan trọng như: những người hoạch định chính sách của Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản ứng dụng tiến bộ KH&CN, nhà khoa học, nhà sản xuất; đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu khoa học xã hội… 

Qua buổi làm việc, những bài học thành công, kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị phát triển KH&CN trong thời gian tới nói trên sẽ được tổng hợp lại để góp phần hoàn chỉnh Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10/2012.

P.V

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang