Cấp mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho gần 2.000 doanh nghiệp

author 06:37 12/02/2019

(VietQ.vn) - Cho đến nay, cơ quan chức năng Hà Nội đã cấp mã quản trị tài khoản QR cho 1.984 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản.

Theo thống kê mới nhất từ Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện việc ứng dụng mã hình QR trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, đến nay, hệ thống chức năng thuộc Sở đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 1.984 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản.

Bên cạnh đó, có 766 cơ sở kinh doanh trái cây cũng đã được thiết lập tài khoản quản trị tại hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản. Các sở, ngành đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho trên 3.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm; cấp mã QR cho 200 dòng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản của 21 tỉnh, thành phố hiện đang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Không những thế, các Sở, ngành của Hà Nội thời gian qua cũng tích cực hướng dẫn, tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nhóm sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chủ lực của thành phố với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển để ứng dụng vào thực tiễn Quy trình xác thực chống hàng giả;

Sở Công thương Hà Nội đánh giá đây là một giải pháp hữu hiệu trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản Hà Nội với các chức năng kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, thương mại điện tử kết nối cung cầu. Đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng tại các địa điểm mua sắm văn minh, hiện đại sử dụng các thiết bị điện tử thông minh cá nhân để quét mã hình QR, tìm hiểu thông tin nguồn gốc, xuất xứ, giá cả, hướng dẫn sử dụng...

Ảnh minh họa 

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã đề cập, Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn Thành phố năm 2019.

Theo đó, việc sử dụng mã hình QR nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng xác định trực tuyến nguồn gốc, thống kê, theo dõi quá trình lưu thông, phân phối các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố; làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý, phát triển các mặt hàng, nhóm hàng cụ thể theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, gắn với đời sống; dân sinh.

Qua đó, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến hoặc mục đích khác cần ưu tiên áp dụng cho nhóm sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp (thực phẩm), tiểu thủ công nghiệp (sản phẩm thủ công, làng nghề tiêu biểu) và công nghiệp chủ lực của Thành phố.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời đại công nghệ 4.0, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là điều không thể thiếu. Truy xuất nguồn gốc phục vụ cho 3 đối tượng: người tiêu dùng, cơ quan quản lí nhà nước và chuỗi cung ứng. Quan trọng hơn, người nông dân được tiếp cận với công nghệ một cách nhanh chóng, cập nhật quá trình tạo ra sản phẩm từ khâu bắt đầu cho đến khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp được bảo vệ uy tín.

Còn bà Đặng Thị Phương Ninh - Tổng giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec) cho biết, việc truy xuất nguồn gốc đối với công ty là điều tiên quyết, bởi khách hàng hiện nay đòi hỏi rất cao tính minh bạch của sản phẩm. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ quét tem QR Code sẽ giúp người tiêu dùng nhanh nhất biết được: thông tin trang trại, nơi chế biến, nhà sản xuất, tên thực phẩm, giá cả, các địa điểm phân phối, thời gian cụ thể từng giai đoạn... Điều này đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp sản xuất, phân phối thực phẩm sẽ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về khâu nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển thực phẩm...

Mã QR hai chiều có thể lưu giữ hàng nghìn ký tự. Nhờ vậy, QR dễ dàng mã hóa mọi dữ liệu trực tuyến. Khi đó, bằng smartphone có kết nối Internet và cài ứng dụng quét mã QR, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, đảm bảo không rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bởi thông tin trả về từ mã QR đều được cung cấp trực tiếp bởi doanh nghiệp sản xuất. Một số loại tem còn mang thông tin cảnh báo nếu sản phẩm có nguy cơ bị làm giả hoặc đã được bán.

Bảo Lâm

Truy xuất nguồn gốc trực tuyến hàng hóa bằng mã QR: Lợi cả đôi đường!(VietQ.vn) - Nhờ các ứng dụng mã số mã vạch, đặc biệt là mã QR, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được bảo vệ quyền lợi khi sản xuất, phân phối, mua sản phẩm hàng hóa.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang