Hà Nội: Chi hơn 1.700 tỷ đồng xây 2 hầm chui và 1 cầu vượt

authorĐỗ Thu Thoan 06:19 21/11/2017

(VietQ.vn) - Từ nay đến 2020, thành phố Hà Nội sẽ chi hơn 1.700 tỷ để xây dựng bổ sung 2 cầu vượt và 1 hầm chui lớn tại các nút giao thông quan trọng.

Sự kiện: Thời sự

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI ngày 19/11, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết đã điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, dẫn thông tin Zing đăng tải.

Theo đó, thành phố sẽ điều chỉnh 3 dự án để tạo điều kiện tốt nhất phát triển kinh tế xã hội.

ha-noi-chi-hon-1700-ty-dong-xay-2-ham-chui-va-1-cau-vuot

Hà Nội chi hơn 1.700 tỷ đồng xây 2 hầm chui và 1 cầu vượt. Ảnh minh họa

Đầu tiên là dự án xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (vành đai 2,5). Dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 500 tỷ đồng.

Thứ hai là dự án xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (quốc lộ 1 cũ), quận Hoàng Mai. Dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến gần 680 tỷ đồng.

Thứ ba là xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng theo hình thức BT do Công ty cổ phần Tasco đề xuất.

Theo Chinhphu.vn, thành phố Hà Nội cũng sẽ điều chỉnh thông tin một số dự án như: Điều chỉnh từ “Ngân sách thành phố, ODA” thành “Ngân sách Thành phố và BT” đối với 4 tuyến đường sắt đô thị và hiện đang nghiên cứu cơ chế thực hiện. Riêng 2 dự án: Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai vẫn giữ nguyên hình thức đầu tư “Ngân sách thành phố, ODA”.

Bên cạnh đó, 3 dự án: Cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu); Vành đai 4: Từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Đuống 2 - đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh) sẽ được điều chỉnh từ hình thức đầu tư “BOT” thành "BOT hoặc BT”. Đối với dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại quận Tây Hồ, Thành phố sẽ điều chỉnh từ hình thức đầu tư “PPP đặc thù” thành “Xã hội hóa theo Nghị quyết 93 của Chính phủ”.

Như vậy, theo Zing, danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 sau điều chỉnh, bổ sung gồm 55 dự án. Trong đó 27 dự án ngân sách và ODA, 26 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 2 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Với 2 dự án hầm chui được xây dựng, đến năm 2020, Hà Nội dự kiến có 5 hầm chui, gồm hầm chui Trung Hòa, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Kim Liên, hầm chui nút giao Long Biên và hầm chui vành đai 2,5 - Giải Phóng.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang