Hà Nội: Chủ tịch phường Kiến Hưng làm trái luật?

author 10:28 18/10/2013

Bà Bùi Thị Nguyên (trú tại Mậu Lương, phường Kiến Hưng) phản ánh: Căn cứ vào hồ sơ xin cấp sổ đỏ của UBND phường Kiến Hưng, trong đó có một số giấy tờ không hợp pháp, UBND quận Hà Đông đã cấp sổ đỏ thửa đất mang tên bà ở phường Kiến Hưng cho bà Bùi Thị Khảm (em gái bà Nguyên, ở quận Phú Nhuận, TPHCM)…

Cấp sổ đỏ cho người đã chết

Trao đổi với PV, bà Nguyên cho biết: Bà bị mù từ nhỏ, sống độc thân và thuộc diện hộ nghèo quận Hà Đông. Bố bà Nguyên có cho bà mảnh đất 83m2 ở đội 1, Mậu Lương, phường Kiến Hưng. Năm 2006, UBND quận Hà Đông đã cấp sổ đỏ diện tích đất trên đứng tên bà. Tháng 11/2007, ông Biên (em rể bà Nguyên) cho biết, sắp tới, con bà Khảm sẽ ra Hà Nội nên cần bà Nguyên ký một số giấy tờ để con bà Khảm ở nhờ nhà bà Nguyên (nhà cấp 4 trên diện tích 83m2 đã được cấp sổ đỏ). Ông Biên và con trai đã đưa bà Nguyên ra UBND phường Kiến Hưng ký một số giấy tờ, có xác nhận của ông Đỗ Văn Hưng, chủ tịch UBND phường. Sau đó, bà Nguyên mới biết mình đã bị lừa ký vào hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất và giấy cho đất ở, nội dung, tự nguyện cho thửa đất của bà cho bà Bùi Thị Khảm. Ngày 10/1/2008, UBND TP Hà Đông đã cấp sổ đỏ đối với thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52, diện tích 83m2 ở tổ dân phố 9 cho bà Bùi Thị Khảm. Bà Nguyên có đơn khiếu nại với lý do bà Khảm đã chết trước khi được cấp sổ đỏ và bà Nguyên bị lừa ký vào hợp đồng chuyển quyền sử dụng thửa đất trên cho bà Khảm.

Diện tích nhà bà Nguyên

Qua tìm hiểu, ngày 27/7/2011, UBND quận Hà Đông ban hành quyết định giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyên nhưng bà Nguyên không đồng tình và tiếp tục gửi đơn lên UBND TP Hà Nội. Ngày 7/8/2012, UBND TP Hà Nội có quyết định giải quyết đơn khiếu nại, nội dung ghi rõ: “Giao UBND quận Hà Đông thu hồi và hủy GCNQSDĐ số AL771045 do UBND TP Hà Đông cấp ngày 10/1/2008 cho bà Bùi Thị Khảm vì việc cấp và trả GCNQSDĐ cho bà Khảm sau khi bà Khảm đã chết là vi phạm điều 12, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 15/5/2005 của Chính phủ”. Thực hiện quyết định của TP, ngày 14/8/2012, UBND quận Hà Đông ban hành quyết định về việc thu hồi và hủy GCNQSDĐ do UBND TP Hà Đông cấp cho bà Bùi Thị Khảm. Sau đó, bà Nguyên xin cấp lại sổ đỏ mang tên mình nhưng không được vì, theo UBND quận Hà Đông, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa bà Nguyên và bà Khảm chưa được cơ quan có thẩm quyền hủy.

Cần làm rõ sai phạm của chính quyền phường

Trong quá trình xác minh vụ việc, có thể thấy việc xác nhận của UBND phường Kiến Hưng vào hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất và giấy cho đất ở là vi phạm pháp luật bởi tại thời điểm bà Nguyên ký vào các giấy tờ đó, bà Khảm đang ở trong TP HCM. Bản thân bà Nguyên là người mù, và bà cho biết, cũng không được ông chủ tịch phường đọc nội dung những hồ sơ bà đã ký. Ông Nguyễn Minh Trường, phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông cho biết: Việc cho tặng, chuyển nhượng đất phải có mặt của cả bên cho và bên nhận. Nếu UBND phường Kiến Hưng xác nhận vào những hồ sơ liên quan mà không có mặt bà Khảm là trái quy định. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Hưng (Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng) khẳng định, việc xác nhận là đúng quy định bởi chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng, giấy cho đất là chữ ký của bà Khảm, không cần sự có mặt của bà Khảm vào thời điểm đó (?). Bên cạnh đó, đối chiếu với chữ ký của bà Khảm từ những lá thư bà gửi cho chị gái với chữ ký tại hợp đồng chuyển nhượng đất, giấy cho đất hoàn toàn khác nhau. Điều đó cho thấy có dấu hiệu chữ ký của bà Khảm đã bị giả mạo để làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ…

Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Bà Nguyên là người mù, khi ký hợp đồng chưa xác định bà Nguyên có bị hạn chế năng lực hành vi hay không? Nếu có thì cần người giám hộ hoặc người làm chứng để thực hiện việc ký kết hợp đồng theo BLDS . Thời điểm bà Nguyên ký hợp đồng trên là tháng 11/2007, việc ký hợp đồng công chứng được điều chỉnh bởi Nghị đinh 75/2000.  Khoản 1 Điều 8 Nghị đinh 75/2000/NĐ-CP nêu rõ : “Trong trường hợp pháp luật quy định việc công chứng, chứng thực phải có người làm chứng hoặc trong trường hợp pháp luật không quy định phải có người làm chứng, nhưng người yêu cầu công chứng, chứng thực không đọc, không nghe, không ký hoặc không điểm chỉ được, thì phải có người làm chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng, chứng thực chỉ định; nếu họ không chỉ định được hoặc trong trường hợp khẩn cấp, thì người thực hiện công chứng, chứng thực chỉ định người làm chứng”… Bên cạnh đó, tại thời điểm ký hợp đồng , bà Khảm đang ở trong TPHCM, việc UBND phường Kiến Hưng xác nhận vào hồ sơ liên quan mà không có mặt bà Khảm là trái quy định pháp luật . Đối với hành vi thiếu trách nhiệm, có ý làm trái quy định pháp luật của ông Đỗ Văn Hưng thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thu Trang - LDTD

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang