Hà Nội có 1.000 siêu thị: Quy hoạch "chân nam đá chân chiêu"

author 06:48 19/09/2014

Hai yếu tố phân bố dân cư thích hợp, văn hóa đặc thù của địa phương quyết định sự thành công hay thất bại của bản quy hoạch 1.000 siêu thị.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nêu quan điểm về nội dung bản Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bỏ quên yếu tố văn hóa

PV: - Trong bản Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho thấy, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại; 42 trung tâm thương mại và 595 chợ dân sinh... Xin ông cho biết ý kiến của ông về những con số này?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: - Đây là quy hoạch cần thiết cụ thể hóa Quy hoạch Hà Nội năm 2020 định hướng đến năm 2030 cùng với rất nhiều quy hoạch khác. Nhưng muốn tính toán, xem xét đến số lượng có hợp lý hay không cần xem xét khả năng phân bố dân cư hợp lý trong giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn 2030.

Hiện nay nội đô lịch sử và nội đô là 1,2 triệu dân chúng ta sẽ giảm xuống còn 80 vạn, trong khi Hòa Lạc hiện nay vẫn chỉ là 16-18 vạn dân chúng ta phải nâng lên thành 60 vạn dân, chúng ta cũng phải phân bố dân cư ở các đô thị vệ tinh, ví dụ đô thị Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn … Như vậy xem xét số lượng siêu thị, trung tâm thương mại và chợ chúng ta phải xem xét đến yếu tố phân bố dân cư.

Tuy nhiên, cũng phải chú trọng 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là khả năng điều tiết để phân bố lại dân cư có thích hợp đối với kế hoạch xây dựng, chủ trương xây dựng không. Hiện đây là vấn đề hết sức khó khăn với Hà Nội. Ví dụ, hiện nay chúng ta đang muốn giảm dân số của khu phố cổ Hà Nội xuống còn 50 vạn nhưng thực chất vừa qua chúng ta triển khai dự án giãn dân phố cổ vấp rất nhiều khó khăn. Hiện nay chúng ta chưa có kế hoạch giảm dân số của một số khu phố cũ như Quận Hai Bà Trưng, Ba Đình…

Tức là đặt vấn đề quy hoạch chợ trung tâm thương mại phải xem xét đến yếu tố phân bổ dân cư hợp lý, nếu không phải có cơ chế linh hoạt để đảm bảo điều kiện môi trường sống cho người dân thích hợp.

Yếu tố thứ 2 phải xem xét là yếu tố văn hóa đặc thù của địa phương, vì đối với Hà Nội vẫn đang có cấu trúc làng xã, lễ hội chợ truyền thống. Lễ hội chợ truyền thống góp phần tạo nên văn hóa, nơi giao tiếp. Chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao tiếp theo văn hóa của người Tràng An, văn hóa Xứ Đoài…

Bài học từ chợ Hàng Da cho thấy quy hoạch chợ, trung tâm thương mại không gắn với yếu tố văn hóa sẽ thất bại

Có thể nói vấn đề đặt ra là phải xác định chợ truyền thống để chúng ta gìn giữ. Bài học của Hà Nội trong những năm qua về xây dựng chợ Bưởi kết hợp giữa chợ truyền thống với yếu tố trung tâm thương mại, do quản lý chưa tốt cho nên không thành công và yếu tố chợ truyền thống cây cảnh, chim muông, thú vật lại vẫn họp bán ở đường Hoàng Hoa Thám.

Hay như chợ Mơ, chợ có lịch sử lâu đời, tên chợ Mơ gắn với địa danh lịch sử chúng ta đã xây dựng trung tâm thương mại hiện đại và mô hình chợ truyền thống nhưng thực chất trong những năm vừa qua giải phóng mặt bằng để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở các chủ đầu tư quan tâm giải quyết tốt nhưng phần nhà dân ở góc đường để giải phóng theo mô hình chợ truyền thống bán động vật, cây cảnh chúng ta cảm nhận không giải phóng được. Nói cách khác là chủ đầu tư không quan tâm.

Đây là mối bất cấp giữa mục tiêu quy hoạch, mục tiêu khai thác sử dụng công trình và nhu cầu thực tiễn nhất là yếu tố văn hóa chưa được coi trọng đúng mức. Từ những thực tiễn này chúng ta đi đến kết luận vậy phải chăng cần phải gắn kết quy hoạch này với văn hóa của địa phương và phải quản lý tiến độ xây dựng của các chủ đầu tư.

Không thể chỉ tập trung xây dựng những công trình kinh doanh của doanh nghiệp mà quên mất yếu tố chợ truyền thống. Đó cũng là bài học chợ Cửa Nam, Hàng Da đã vấp phải. Từ những chợ truyền thống trở thành trung tâm thương mại rõ ràng yếu tố quản lý khai thác là yếu tố cần quan tâm từ đó đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng, ý kiến của địa phương, không thể làm quy hoạch mang tính chất lý thuyết, nguyên lý.

PV: - Trong số 999 siêu thị bao gồm 23 siêu thị hạng một (đại siêu thị), 111 siêu thị hạng hai và 865 siêu thị hạng ba. Trong đó, vùng đô thị trung tâm sẽ có tới 19 đại siêu thị, 82 siêu thị hạng hai và 530 siêu thị hạng ba; vùng đô thị lõi mở rộng sẽ có tới 13 đại siêu thị, 57 siêu thị hạng hai và 396 siêu thị hạng ba. Chuỗi đô thị từ Sông Nhuệ đến vành đai IV với 6 đại siêu thị, 25 siêu thị hạng hai và 172 siêu thị hạng ba. Các khu đô thị như: Mê Linh (77 siêu thị), Đông Anh (88 siêu thị), Long Biên - Gia Lâm (98 siêu thị). Các đô thị vệ tinh sẽ có tới 338 siêu thị; các thị trấn khác khoảng 50 siêu thị…

Trong khi đó, cũng yêu cầu không xây mới các chợ ở khu vực nội đô, nâng cấp cải tạo chợ hiện có diện tích trên 3.000m2 thành đại siêu thị, trung tâm mua sắm; chuyển hóa chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích đất chợ dưới 1.000m2 thành siêu thị hạng 2. Như vậy, có đồng nghĩa với việc trong tương lai người Hà Nội sẽ không đi chợ mua sắm mà sẽ đi siêu thị đúng không, thưa ông?

Việc quy hoạch số lượng lớn các siêu thị, cấm hàng rong và loại bỏ các chợ cóc, chợ dân sinh có nhằm vào mục đích để người Hà Nội mua sắm tại siêu thị, thể hiện sự hiện đại, thanh lịch của người Hà Nội?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: - Trong xu thế của cuộc sống hiện đại ngày nay việc mua sắm ở các siêu thị và trung tâm thương mại là xu thế tất yếu. Bài học thành công của Hà Nội qua một số siêu thị cho phép người dân tiếp cận được với văn minh mà một số chuyên gia, tổ chức nước ngoài đến nghiên cứu tại Hà Nội thấy rất mừng là Hà Nội có sự chuyển hóa mới đảm bảo mức sống mới của người dân.

Nhưng đồng thời yếu tố văn hóa cũng cần phải được quan tâm. Hà Nội có rất nhiều chợ truyền thống có ý nghĩa giá trị biểu hiện văn hóa của người Hà Nội nên ở quy hoạch lần này chỉ nên đặt ra đây là xu thế tất yếu, phải xem xét đến các yếu tố văn hóa, nhược điểm mà thời gian vừa qua chúng ta chưa xem xét đến.

Nếu có viết chỉ nên đặt vấn đề, bài học từ chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Cửa Nam cho đến chợ Hàng Da, chợ trung tâm thương mại không chỉ là nơi giao dịch mà còn là nơi giao tiếp biểu hiện văn hóa của người Hà Nội.

Có vấn đề nhiều - ít cũng phải tính đến 2020 dân số phát triển mặc dù đã có tính toán, nghiên cứu nhưng vấn đề có phân bổ được dân cư như thế không? Nhìn vào Hòa Lạc có thể thấy hiện nay khu công nghệ cao, trường đại học vẫn còn bỏ hoang. Vậy quy hoạch chuyên ngành còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng phải có giải pháp thực hiện cụ thể.

Nếu điều chỉnh phải đặt ra vấn đề tiến độ phân bố dân cư theo quy hoạch chung có phù hợp hay không. Ví dụ 2020 dự kiến Hà Nội vào khoảng hơn 7 triệu dân hiện nay đã là gần 7 triệu. Vấn đề giảm dân số nội đô nhưng có giảm được không? Cùng với quy hoạch vấn đề đặt ra mới nhất là phải có kế hoạch đầu tư xây dựng.

Nghị đinh 11- Chính phủ đã xác định rõ quy hoạch là định hướng nhưng kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp, đồng bộ là vấn đề quan trọng hơn. Nên phải xác định trọng điểm ưu tiên và kế hoạch từng đợt cộng với bố trí mạng lưới theo kế hoạch từng đợt mới có hiệu quả. Không phải đặt ra quy hoạch rồi thực hiện ngay một lúc theo hiện tượng xôi đỗ mà phải có kế hoạch, kế hoạch phải tương xứng với vấn đề nguồn thu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản của từng giai đoạn…

Quy hoạch chồng chéo

PV: - Được biết tổng vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch này là khoảng 521.000 tỷ đồng, chủ yếu được huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trong và ngoài nước.

Trong khi một thực tế hiện nay là các siêu thị, trung tâm thương mại của doanh nghiệp trong nước đang phải co cụm để chống đỡ làn sóng đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như Lotte, Big C, E-Mart Co, Aeon, Auchan, B'mart (BJC)... với lượng hàng hóa từ doanh nghiệp Việt sản xuất cũng chiếm số lượng nhỏ. Dư luận lo ngại về việc mở rộng, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia, người Hà Nội mua sắm trên đất Hà Nội nhưng là mua từ ông chủ nước ngoài và hàng nước ngoài, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Năm 2020 định hướng 2030, khu vực nội đô Hà Nội sẽ nâng cấp toàn bộ chợ thành siêu thị, trung tâm thương mại

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: - Trước đây, quy hoạch biểu diễn cũng từng đặt ra là làm mới thêm rất nhiều các nhà văn hóa, các trung tâm văn hóa, rạp chiếu phim nhưng cuối cùng họ thấy không thích hợp đối với sự phát triển kinh tế.

Vậy từ tổng thể số lượng mà quy hoạch đặt ra với nguồn ngân sách như thế cần phải cân đối giữa kế hoạch đầu tư của thành phố Hà Nội nhất là tốc độ tăng trưởng giai đoạn vừa qua và dự kiến quy hoạch phát triển kinh tế xã hội sắp tới mới đảm bảo tính khả thi.

Lo ngại của dư luận về việc mở rộng, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia, người Hà Nội mua sắm trên đất Hà Nội nhưng là mua từ ông chủ nước ngoài và hàng nước ngoài liên quan đến việc quản lý hàng hóa tại bản Quy hoạch khác về quản lý chất lượng hàng hóa của ngành Công thương.

Quy hoạch là định hướng để phát triển nhưng thực tiễn Việt Nam hiện nay quy hoạch phân tán, chồng chéo lên nhau, nhiều quy hoạch sau phủ định quy hoạch trước. Chính vì thực tiễn này nên Nghị quyết 13 Trung ương Đảng đã đặt ra vấn đề phải rà soát hệ thống quy hoạch để tích hợp thông tin, đảm bảo tính khả thi, không phân tán chồng chéo như hiện nay.

Đã có số liệu cho thấy, cấp tỉnh như Hà Nội nếu đủ quy hoạch phải có hơn 50 quy hoạch từ tổng thể kinh tế xã hội, đến quy hoạch xây dựng chợ trường học, dịch vụ thương mại… Thực tế có sự chồng chéo lên nhau cho nên đòi hỏi phải nâng cao chất lượng vì đặc trưng tồn tại này nên đang chuẩn bị luật mới là Luật quy hoạch nói chung, xác định rõ nội dung từng quy hoạch, cái nào làm trước, cái nào làm sau.

PV: - Đặc biệt, với số lượng Trung tâm thương mại và đại siêu thị ở mức tương đối cao sẽ dẫn đến việc hàng hóa bày bán là hàng hóa cao cấp, trung cấp chiếm chủ yếu trong khi nhu cầu mua sắm của người dân vẫn chủ yếu ở mức trung bình. Nhìn vào thực tế 1 số trung tâm thương mại như Parkson, Lotte, Royal City, Vincom... có thể thấy, phân khúc này còn rất "kén" người dùng.

Thêm nữa, các chợ bán lẻ trước kia tại Hà Nội sau khi nâng cấp, đầu tư hàng trăm tỷ đồng "lên đời" thành trung tâm thương mại như Hàng Da, Cửa Nam... lại ế ẩm. Vậy, mức độ khả thi của bản quy hoạch này đến đâu thưa ông?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: - Muốn đảm bảo tính khả thi quy hoạch phải gắn với kế hoạch xây dựng thực hiện, tiến độ từng thời kỳ bao nhiêu, chia nhỏ để làm, xác định đúng trọng điểm. Bài học vừa qua là tràn lan, cứ có quy hoạch là xây, bây giờ khi đặt ra phải có kế hoạch cụ thể.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đất việt


 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang